Chiến tranh thương mại: Đối thủ chính là ai?

KHẢ HÂN| 18/08/2018 06:00

Cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ khơi mào không chỉ nhắm vào những quốc gia đối thủ mà cả những đồng minh lâu đời của cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Nhưng thật sự có đúng như vậy?

Chiến tranh thương mại: Đối thủ chính là ai?

Không quá bận tâm về đồng minh

Trung Quốc luôn chiếm tít lớn trong các bài báo viết về cuộc chiến thương mại của Mỹ hiện nay, và là quốc gia bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích nhiều nhất trong thời gian qua. Tuy nhiên, các quốc gia khác, ngay cả những đồng minh của Mỹ cũng không hoàn toàn thoát khỏi các đòn trừng phạt về thương mại của vị tổng thống này.

Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, những quốc gia thân cận như Canada hay Mexico cũng đã nhiều phen phải "ngậm đắng nuốt cay" trước hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên đối với sản phẩm xuất khẩu của họ. Ở châu Á, những đồng minh lâu đời như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng nhiều lần rơi vào tầm ngắm của Tổng thống Trump và phải tìm cách xoa dịu, hạ nhiệt các chính sách căng thẳng của Mỹ.

Ngay cả Liên minh Châu Âu (EU) - tổ chức đã song hành với nước Mỹ trong hàng loạt chính sách kinh tế, chính trị hàng chục năm qua cũng phải trải qua những thời khắc căng thẳng với nước Mỹ, khi liên tiếp đón nhận những lời đe dọa đánh thuế nhắm vào hàng hóa xuất phát từ các quốc gia trong khối.

Và, gần đây nhất là vào cuối tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh lâu đời ở khu vực Trung Đông cũng trở thành nạn nhân khi bị Tổng thống Trump tăng gấp đôi mức thuế quan đối với nhôm và thép xuất khẩu sang Mỹ của nước này.

Những diễn biến trên cho thấy Mỹ dường như sẵn sàng phát động chiến tranh thương mại với bất kỳ quốc gia nào, không cần biết có phải "phe mình" hay không. Và hệ quả là các thị trường tài chính của những quốc gia rơi vào tầm ngắm trừng phạt thương mại của Mỹ đều biến động tiêu cực, như chứng khoán đi xuống, đồng nội tệ suy giảm trước việc rút vốn hàng loạt của nhà đầu tư nước ngoài và lãi suất phải điều chỉnh tăng để bảo vệ giá trị đồng tiền.

Để ngỏ khả năng thương lượng

Với những việc làm liên tiếp như trên, Trung Quốc khó có thể cáo buộc Mỹ áp đặt phân biệt đối xử trong vấn đề thương mại với chỉ riêng mình. Điều cần lưu ý là sau đó các căng thẳng thương mại với những đồng minh đều được hóa giải theo cách đầy bất ngờ, khi Mỹ để ngỏ khả năng thương lượng và tái đàm phán thương mại đối với những quốc gia này.

Đơn cử như Canada có thể sớm thoát khỏi các xung đột thương mại khi Hiệp ước Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản 2.0 được hoàn thành. Hiện tại thì tiến trình đàm phán NAFTA vẫn khả quan, bất chấp những hàng rào thuế quan được áp đặt gần đây, khi đã đạt được 2/3 các điều khoản có thể ký kết.

Trung Quốc khó có thể cáo buộc Mỹ áp đặt phân biệt đối xử trong vấn đề thương mại với chỉ riêng mình. Điều cần lưu ý là sau đó các căng thẳng thương mại với những đồng minh đều được hóa giải theo cách đầy bất ngờ, khi Mỹ để ngỏ khả năng thương lượng và tái đàm phán đối với những quốc gia này.

Tại châu Á, Hàn Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ theo hiệp định thương mại tự do đã ký giữa hai nước  được sửa đổi. Đối với Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí sẽ mở cuộc đối thoại về thương mại và đầu tư song phương. Được biết ông Trump coi đây là điều ưu tiên hơn  việc trở lại đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vào cuối tháng 7, Mỹ và EU cũng đã đạt được thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng thương mại, theo đó lãnh đạo hai bên cam kết cùng hướng tới việc không đánh thuế, không rào cản và không trợ giá đối với hàng hóa công nghiệp không thuộc diện tự động hóa, trong khi EU sẽ nhập khẩu khí đốt và đậu tương của Mỹ.

Tổng thống Mỹ cũng cho biết sẽ giải quyết vấn đề thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm, trong khi Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker cho biết hai bên sẽ trì hoãn việc áp các mức thuế mới khi đàm phán đang diễn ra.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ lại là trường hợp khác. Do đồng lira rớt giá quá mạnh thời gian qua, buộc lòng Tổng thống Trump phải tăng thuế lên gấp đôi để giảm thiểu hệ quả từ việc đồng USD tăng giá quá mạnh so với đồng lira. Theo đó, nhôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ chịu thuế 20% và thép là 50%. Ông Trump cũng cho rằng mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ không tốt tại thời điểm này. 

Ngày 11/8, hãng tin Bloomberg nhận định, Tổng thống Donald Trump đã đặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế mong manh và sẵn sàng từ bỏ đồng minh do tranh cãi đang diễn ra giữa Washington và Ankara. Được biết, EU trước đó cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng của Thổ Nhĩ Kỳ khi mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan được bầu lại trong một cuộc bỏ phiếu vào tháng 6, với quyền lực ngày càng tăng.

ừ những sự kiện trên, có thể thấy dù liên tiếp gây ra căng thẳng trong thương mại nhưng các giải pháp tháo gỡ sau đó, chủ yếu là bằng hiệp định, thỏa thuận thương mại đều thành công trong việc hóa giải những xung đột. Chỉ riêng với trường hợp của Trung Quốc, thương chiến vẫn chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại mà thậm chí tiếp tục leo thang.

Trong khi Trung Quốc luôn tìm cách trả đũa để bảo vệ "phẩm giá quốc gia" theo như lời của các quan chức nước này, đồng thời khẳng định đã chuẩn bị cho một cuộc thương chiến dài hơi, thì Mỹ cũng luôn sẵn sàng mạnh tay hơn đối với Bắc Kinh, mà hàng rào thuế quan lên 16 tỷ USD hàng hóa vừa có hiệu lực và khả năng áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD nữa chỉ là một trong những bước tiếp theo của cuộc chiến thương mại dài hạn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh thương mại: Đối thủ chính là ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO