Chiến thắng của Obama tác động thế nào đến châu Á?

08/11/2012 05:32

Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh châu Á ngày càng chiếm một vị trí quan trọng đối với Washington...

Chiến thắng của Obama tác động thế nào đến châu Á?

Khu vực châu Á được cho sẽ được hưởng lợi từ sự ổn định về chính sách kinh tế, cũng như việc Mỹ dịch chuyển trọng tâm quân sự về phía khu vực này sau chiến thắng của Tổng thống Barack Obama, báo Wall Street Journal nhận định.

>> Thế giới chúc mừng Obama

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama có thể sẽ phải nỗ lực để tăng cường quan hệ với Trung Quốc, sau khi ông Obama sử dụng các vấn đề liên quan tới nước này như một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử.

Báo này bình luận, chiến thắng của ông Obama giúp các nhà lãnh đạo khác của thế giới có một cái nhìn rõ ràng về chính sách của Mỹ và có thể tạo ra những cơ hội để tăng cường quan hệ.

“Luôn là dễ dàng hơn khi tăng cường quan hệ với một tổng thống Mỹ khi ông ấy bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, vị tổng thống thường tập trung vào những vấn đề thách thức trong nước”, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Euro Group, phát biểu bên lề một hội nghị ở Singapore.

Một số nhà lãnh đạo châu Á đến thời điểm này đã lên tiếng chúc mừng chiến thắng của ông Obama. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Najib Razak của quốc gia mà người dân theo đạo hồi chiếm đa số Malaysia, nói rằng, ông hy vọng ông Obama “sẽ tiếp tục những nỗ lực để tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa nước Mỹ và người theo đạo hồi trên toàn thế giới”.

Ngoại trưởng Thái Lan Minister Surapong Tovichakchaikul thì bày tỏ tin tưởng rằng, nước Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá cao khu vực châu Á và có thể tăng cường lợi ích tại khu vực này. Thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch chiều nay.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này diễn ra trong bối cảnh châu Á ngày càng chiếm một vị trí quan trọng đối với Washington cả về mặt chiến lược và kinh tế.

Mỹ đã có những bước đi nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á trong khi Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và tranh chấp lãnh thổ với một số nước khác trên biển Đông.

Mỹ đã tăng cường trọng tâm quân sự ở khu vực này để tạo ra đối trọng với sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc, đồng thời tạo ra một lá chắn giữa các nước đồng minh với Triều Tiên, bao gồm một quyết định hồi đầu năm nay nhằm mở rộng lá chắn tên lửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Obama đã thể hiện thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc để “đấu lại” với lập trường của đối thủ Mitt Romney, người cam kết nếu đắc cử sẽ xem Trung Quốc là một quốc gia "thao túng tỷ giá" để làm lợi cho các nhà xuất khẩu trong nước và gây phương hại cho các công ty Mỹ.

Trong một cuộc tranh luận vào tháng trước với Romney, ông Obama lần đầu tiên nói rằng, việc chính quyền của ông tăng cường trọng tâm quân sự vào châu Á là phản ứng trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Tuyên bố này của ông Obama hoàn toàn trái ngược với sự trấn an mà chính quyền của ông dành cho Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, chính quyền của ông Obama cũng đã gây sức ép với phía Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp thương mại song phương được đưa lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng, chiến thắng của ông Obama có thể sẽ là nhân tố tích cực cho mối quan hệ Mỹ - Trung. “Trong số hai ứng cử viên thì ông Obama là người ôn hòa hơn trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc”, ông Shi Yinhong, chuyên gia thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét.

Các cuộc đàm phán Mỹ - Trung trong thời gian tới sẽ được đảm nhiệm bởi những nhân vật mới. Bên phía Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Timothy Geithner có khả năng sẽ từ nhiệm, bên cạnh cuộc chuyển giao quyền lực một thập kỷ mới có một lần ở Trung Quốc chuẩn bị bắt đầu vào ngày thứ Năm này.

Về phía Trung Quốc, Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn, nhân vật cốt cán trong vấn đề kinh tế, có thể sẽ đảm nhiệm một cương vị khác, trong khi Ủy viên Quốc vụ đồng thời là quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc, có khả năng sẽ về hưu.

Theo nhà phân tích Huang Yiping của Barclays Capital, mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu rộng giữa hai nước sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc không có lý do gì để tạo ra những xáo trộn.

“Nếu có các quan chức mới phụ trách về các vấn đề kinh tế, họ sẽ phải mất thời gian để làm quen với nhau. Nhưng chúng ta đang ở trong một thời kỳ mà lợi ích song phương đang ràng buộc, nên không ai muốn mối quan hệ kinh tế bị xấu đi cả”, ông Huang phát biểu.

Ông Gary Hufbauer, một chuyên gia về thương mại thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington (PIIE), thì nhận định rằng, hàng loạt vụ kiện thương mại mà Trung Quốc nhằm vào Mỹ tại WTO trong những tháng gần đây “70% là phục vụ mục đích bầu cử”. Tuy nhiên, ông Hufbauer cũng cho rằng, một nhóm công tác mà ông Obama bổ nhiệm hồi đầu năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì hoạt động để thực hiện các vụ kiện thương mại lên WTO.

Trên phương diện khác, Wall Street Journal cho rằng, chắc chắn chính quyền Obama sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).  Các nhà bình luận Trung Quốc có hai cái nhìn khác nhau về TPP.

Một số xem đây là cơ hội tiềm năng để Trung Quốc tham gia vào một hiệp ước thương mại lớn nữa, trong khi số khác xem đây là kế hoạch của Mỹ và các đồng minh nhằm bao vây Trung Quốc.

Theo ông Jeffrey Schott, một chuyên gia về thương mại của PIIE, các cuộc đàm phán của hiệp nước này có thể sẽ chậm lại trong khi Mỹ tìm kiếm một gương mặt khác để thay thế đại diện thương mại Ron Kirk, người có kế hoạch thôi chức. Ông Schott dự báo, các cuộc đàm phán này sẽ không kết thúc trước năm 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến thắng của Obama tác động thế nào đến châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO