Châu Á trước những thay đổi thập kỷ

LAM HỒNG| 27/05/2014 06:19

Những sự kiện dồn dập ở châu Á trong thời gian vừa qua có thể hình thành nên một tương lai mới của khu vực trong nhiều thập niên tới.

Châu Á trước những thay đổi thập kỷ

Những sự kiện dồn dập ở châu Á trong thời gian vừa qua có thể hình thành nên một tương lai mới của khu vực trong nhiều thập niên tới.

Đọc E-paper

Nga và TQ chấp nhận xích lại gần nhau để làm đối trọng với phương Tây

Những ngày cuối tháng 5, Thái Lan, một trong những nước thịnh vượng nhất Đông Nam Á, đang đứng trước sóng gió do mình tự tạo ra. Quân đội một lần nữa chọn giải pháp đảo chính để lập lại trật tự khi các cuộc biểu tình chống chính phủ đã kéo dài hơn nửa năm qua.

Thực tế đã cho thấy, một cuộc đảo chính quân sự chỉ có thể dẫn đến một nền hòa bình giả tạo. Thái Lan đã trải qua 12 cuộc đảo chính kể từ năm 1932 tới nay và đứng sau mọi chính biến luôn là các tướng lĩnh Thái. Quân đội Thái Lan hiện bị cáo buộc nghiêng về phe đối lập trong phong trào biểu tình phản đối chính phủ.

Phía Đông của Thái Lan, Việt Nam đang phải đương đầu với sự chèn ép bất hợp pháp từ phía Trung Quốc (TQ) trong vấn đề chủ quyền trên biển. Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng rất mạnh mẽ để đòi lại chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa và tự do lưu thông hàng hải, qua đó cổ động nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN tìm kiếm sự hợp tác để đối phó với sự đe dọa của TQ.

Hành vi leo thang gây hấn của Bắc Kinh đã tạo ra một làn sóng chống TQ ở nhiều nước châu Á. Ngoài các cuộc biểu tình ở Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, người dân Myanmar cũng đã xuống đường phản đối chính sách vơ vét cạn kiệt tài nguyên của các nhà thầu TQ.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh dường như bỏ qua sự giận dữ của các nước láng giềng, hoặc vờ như không liên quan gì đến hành vi bá quyền của họ. Thậm chí, giới lãnh đạo Bắc Kinh xuất hiện trên truyền thông và lập luận rằng các cuộc biểu tình chống TQ chỉ có thể là âm mưu của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp cấp cao và đã đi tới một thỏa thuận khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm. Tổng thống Putin mang khí đốt tới Bắc Kinh để tim kiếm một đồng minh nhằm đối chọi với sự cô lập và trừng phạt của phương Tây sau quyết đoán của Nga trong vụ sáp nhập Crimea.

Mối quan tâm tới TQ cần kíp đến mức ông Putin không ngần ngại tuyên bố: "Hợp tác Nga-Trung đã đạt tầm cao nhất trong lịch sử hàng thế kỷ nay", coi thiết lập quan hệ với TQ "là ưu tiên chính sách ngoại giao vô điều kiện của Nga". Mặc dù cần Nga trong cuộc đối đầu với chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ nhưng TQ cũng không sẵn sàng trở thành một đồng minh như kỳ vọng của Nga.

Bất chấp cuộc tập trận chung cũng như hàng chục hợp đồng, dự án hợp tác trị giá nhiều tỷ USD được ký kết trong chuyến thăm lần này, Nga và TQ vẫn là đối thủ tiềm tàng của nhau hơn là những đồng minh chiến lược. Bản chất của mối bang giao giữa hai quốc gia lớn này hiện nay hoặc phản ánh cạnh tranh gay gắt, hoặc thuần túy là quan hệ lợi ích, hoàn toàn thiếu vắng niềm tin chiến lược và những giá trị chung. Thậm chí, TQ quan tâm đến việc biến Nga thành một nước chư hầu như cách mà ông Putin đang tạo ra ở Ukraine.

Nhưng những sự kiện mang tính kỷ nguyên lại đang diễn ra trong hai nền dân chủ lớn của châu Á: Ấn Độ và Nhật Bản. Chiến thắng vang dội của ông Narendra Modi trong cuộc tổng tuyển cử của Ấn Độ không chỉ là một chiến thắng cá nhân cho con trai của một người bán trà, mà còn đánh dấu một bước đột phá trong chính sách hướng nội truyền thống của Ấn Độ.

Chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội của ông Modi cũng đã thể hiện mong ước của người dân Ấn Độ về một nhà lãnh đạo năng động và quyết đoán giúp tái thiết nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Ông Modi sẽ tập trung khôi phục nền kinh tế Ấn Độ đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng và mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược với những quốc gia có chung chí hướng để từ đó thúc đẩy sự ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của TQ tại khu vực châu Á.

Ông Modi tìm thấy một đồng minh thân cận là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - một trong những nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên đề xuất các hợp tác toàn diện với chính phủ của ông Modi. Hai nước có những lợi ích chung về an ninh khu vực, cần có nhiều hợp tác song phương hơn nữa để cải thiện an ninh khu vực và sự thịnh vượng chung.

Trong tuần qua, Chính phủ của ông Abe đã tạo bất ngờ khi đề xuất sửa đổi hiến pháp để đi tới quyền "phòng vệ tập thể” trong chính sách quốc phòng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh vào năm 1945, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể trợ giúp các đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

"Chúng tôi sẽ tạo ra các cơ cấu pháp lý trong nước để có những phản ứng liền mạch. Trong thế giới ngày nay, một quốc gia không thể tự bảo vệ nền hòa bình của mình được", ông Shinzo Abe tuyên bố. Bloomberg nhận xét nỗ lực của ông Abe nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật có nhiều quyền hạn hơn trong việc sử dụng vũ khí và liên kết với đồng minh diễn ra trong bối cảnh Tokyo thắt chặt hợp tác với Washington để đối phó với đòi hỏi chủ quyền của TQ tại biển Hoa Đông.

Chiến thắng của ông Modi cũng sẽ đưa mối quan hệ song phương Ấn - Nhật phát triển với tốc độ nhanh nhất tại khu vực châu Á. Thậm chí, tờ The Dilopmat đánh giá tình thân Ấn - Nhật dưới thời Thủ tướng Modi và Abe còn có khả năng thay đổi hiện trạng chiến lược tại khu vực châu Á, nuôi dưỡng một trạng thái cân bằng chiến lược lớn hơn trong khu vực xoay quanh các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Trong một trạng thái như vậy, TQ sẽ sớm phải từ bỏ các mục tiêu bá quyền trong khu vực. Nếu sáng suốt, giới lãnh đạo Bắc Kinh phải thấy rằng, một chiến thắng nhanh chóng trong các tranh chấp chủ quyền là không thể. Bây giờ là thời điểm để TQ chấp nhận một trật tự ổn định tại khu vực châu Á.

>[Infographics] Chi tiết về đảo chính quân sự tại Thái Lan
>Ấn Độ quyết tâm có mặt ở Biển Đông
>
Mỹ ủng hộ Nhật trong cuộc tranh chấp tại biển Hoa Đông
>Bắc Kinh sẽ là “nạn nhân lớn nhất” trong căng thẳng Biển Đông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á trước những thay đổi thập kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO