CFO của Huawei và cơn đau đầu "Made in China"

THÁI DUY| 08/12/2018 06:12

Qua yêu cầu bắt giữ bà Meng Wanzhou, Mỹ đặt ra cho Trung Quốc thách thức lớn nhất trong tham vọng “Made in China” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

CFO của Huawei và cơn đau đầu

Bà Meng Wanzhou - Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc)

Dư luận Trung Quốc, từ cấp độ nhà nước tới báo chí, đang sục sôi sau vụ Mỹ yêu cầu cảnh sát Canada bắt giữ bà Meng - Giám đốc Tài chính (CFO) và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc).

Bà Meng ra tòa ngày 7/12 trong tình cảnh gần như không lối thoát. Nếu phiên điều trần bất lợi, bà Meng sẽ bị dẫn độ sang Mỹ. Nếu bảo lãnh thành công, bà cũng phải đeo thiết bị giám sát, Reuters dẫn nguồn tin của mình.

Dấu hỏi ở động cơ

Về lý, bà Meng bị bắt do phía Mỹ cáo buộc CFO này liên quan tới việc vi phạm lệnh trừng phạt Iran, cung cấp thiết bị cho Iran trong lúc Tehran chịu lệnh trừng phạt (được khôi phục) của Mỹ. Trong vụ này, bà Meng với tư cách một sếp phụ trách tài chính, bị cho đã che đậy hành vi vi phạm.

Báo chí Trung Quốc cáo buộc Mỹ hành xử kiểu “xã hội đen” trong vụ bắt bà Meng, diễn ra trong lúc bà này quá cảnh ở Vancouver (Canada). Phía Trung Quốc cáo buộc cả Mỹ lẫn Canada đều bắt người vô cớ.

Một số lập luận khác từ Bắc Kinh thì nói Mỹ đang cố “chơi xấu” Huawei cũng như các tập đoàn điện tử, công nghệ hùng mạnh của Trung Quốc để triệt hạ sức cạnh tranh của đối phương.

Giới quan sát trung lập và dư luận ở Mỹ trong khi đó đánh vào lý do an ninh. Huawei, cũng như tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc đã bị cấm cung cấp thiết bị cho các cơ quan chính phủ Mỹ vì Washington cho rằng có nguy cơ an ninh mạng cao. Nói thẳng thì phía Mỹ lo ngại các “tập đoàn con cưng” của Trung Quốc sẽ bị chính phủ Trung Quốc chi phối, qua đó thực hiện các hành động do thám.

“Made in China” sẽ ra sao

Một điểm khiến vụ bắt bà Meng gây sốc cho tất cả là nó được thực hiện ngay trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sự kiện thượng đỉnh G20 ở Argentina ngày 1/12.

Link bài viết

Hãng tin Reuters dẫn nguồn quan chức Mỹ nói ông Trump “không hề hay biết” về kế hoạch bắt giữ này.

Nhưng rõ ràng, khi ông Trump và ông Tập thống nhất một thời hạn 90 ngày không áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau, diễn biến này thực sự đi ngược lại với kỳ vọng về các biện pháp giải quyết căng thẳng thương mại hai nước.

Câu chuyện trở nên căng thẳng hơn trong ngày 6/12, khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton – một nhân vật nổi tiếng hành động cứng rắn – thừa nhận trên đài quốc gia Mỹ NPR rằng ông “biết trước” sẽ có vụ bắt bà Meng. Có điều, Bolton cũng nói ông không biết liệu Tổng thống Trump đã nắm kế hoạch ấy trong lúc dùng bữa với Chủ tịch Tập hay không.

Dẫu sao đi nữa, đây vẫn là “cú đấm” nặng tay vào Huawei và các tập đoàn Trung Quốc nói riêng, theo Nikkei Asian Review.

Đúng như phía Trung Quốc nói, Huawei thực sự đang lớn mạnh. Công ty này dẫn đầu số lượng cấp bằng sáng chế trên thế giới hồi năm ngoái, và hiện vượt mặt Apple của Mỹ để là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu, sau Samsung của Hàn Quốc. Trên bình diện hạ tầng không dây, Huawei cũng xếp đầu, trên cả Ericsson và Nokia.

Và trong khi thuế nhập khẩu lâu nay là “vũ khí” của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, một số người làm việc tại Nhà Trắng cho rằng các lệnh cấm thương mại, ví dụ cấm mua bán linh kiện như những gì Huawei và ZTE đang đối mặt, thậm chí còn là phương pháp hiệu quả hơn.

Huawei đóng vai trò then chốt trong kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp Trung Quốc “Made in China 2025”. Công ty này cũng sắm vai trung tâm trong các nỗ lực phát triển thế hệ mạng không dây thứ 5, hay còn gọi là mạng 5G, của Trung Quốc.

Khi mạng 5G phát triển, nó không chỉ mang lại sự tiện lợi cho việc chuyển cơ sở dữ liệu, mà trong mắt Lầu Năm Góc, đó còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh nếu được sử dụng trong quân sự. Một cuộc họp ủy ban lưỡng viện Mỹ hồi tháng 10 còn cảnh báo rằng nếu Trung Quốc dẫn đầu hạ tầng không dây quốc tế, Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu của Mỹ ngày càng dễ dàng hơn, từ đó có thể “giúp” Bắc Kinh đẩy mạnh chiến lược quân sự cũng như tấn công mạng.

Kể từ ngày 13/8/2020, Mỹ sẽ còn triển khai bước thứ hai trong chính sách khắt khe về việc cấm các công ty thế giới làm ăn với chính phủ Mỹ.

Sự lan tỏa trong các chính sách và mối lo ngại này đã lan sang Nhật Bản, nơi các công ty bắt đầu điều tra xem Huawei có đánh cắp dữ liệu hay không, trong lúc chính quyền xứ mặt trời mọc cân nhắc lệnh cấm tương tự những gì Mỹ đang làm với Huawei và ZTE.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CFO của Huawei và cơn đau đầu "Made in China"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO