Bản kế hoạch thứ 13: Trung Quốc "truất ngôi" Mỹ hay là chết?

THỤY KHA| 03/11/2015 05:00

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (TQ) là bản thiết kế quy mô nhất trong lịch sử lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ từ trước tới nay.

Bản kế hoạch thứ 13: Trung Quốc

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (TQ) là bản thiết kế quy mô nhất trong lịch sử lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ từ trước tới nay.

Đọc E-paper

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5 Khóa 18 của Đảng Cộng sản TQ khai mạc ngày 26/10. Tại đây, 375 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được triệu tập để thảo luận về lộ trình phát triển kinh tế và xã hội giai đoạn 5 năm, từ 2016 đến 2020. Đây sẽ là kế hoạch 5 năm lần thứ 13 kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở TQ.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 sẽ tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của TQ, từ chính sách phát triển kinh tế đến ngoại giao, quân sự và cả môi trường. Đây cũng là bộ khung để Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn thành lời hứa khi nhậm chức cách đây 3 năm, rằng đến năm 2020 GDP và thu nhập bình quân đầu người của TQ sẽ tăng gấp đôi so với 2010.

Báo chí Bắc Kinh cho rằng hội nghị lần này thu hút quan tâm của dư luận trong và ngoài nước trong thời điểm kinh tế TQ đứng trước khúc cua lớn sau 3 thập kỷ tăng trưởng. Từ tỷ lệ tăng trưởng đến các chỉ số xuất khẩu hay sản xuất đều sụt giảm, gây lo ngại cho giới đầu tư. TQ cần duy trì một tỷ lệ tăng trưởng hằng năm trung bình 7%, để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập đầu người vào năm 2020 so với thời điểm của năm 2010. 

Dưới thời Mao Trạch Đông, kế hoạch 5 năm của TQ được thực hiện theo mô hình kinh tế tập trung bao cấp. Chẳng hạn, chính phủ thiết lập hạn ngạch sản xuất đối với thép và gạo. Hướng kinh tế tập trung bao cấp này làm lãng phí nguồn lực đã ảnh hưởng tai hại cho nền kinh tế tỷ dân này. Trong những năm 1980, chính phủ nới lỏng chính sách quản lý và mở cửa kinh tế thị trường, chỉ đưa ra định hướng và tạo nên tốc độ tăng trưởng thần kỳ trong suốt 3 thập niên.

Trong ba thập niên qua, mức tăng trưởng kinh tế hằng năm của TQ trung bình là 10%. Kể từ 2010 tới nay tốc độ đã chậm lại. Hồi năm ngoái, mức đạt được là 7,4% và người ta nhìn chung chấp nhận rằng năm nay sẽ giảm tốc, và sang năm 2016 sẽ tiếp tục như vậy. Vì vậy, mọi con mắt đều hướng về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của TQ trong 5 năm tiếp theo. Trong quá khứ, các mục tiêu thường được giữ ở dưới mức tăng trưởng thực tế của đất nước. Tuy nhiên, theo kế hoạch sắp tới này, truyền thông nhà nước đã cho biết mục tiêu mới có thể sẽ tăng trưởng 6,5%, tức là cao hơn nhiều nhà phân tích cho rằng TQ thực sự có thể đạt được. Điều này sẽ gây áp lực lên chính phủ, đặc biệt trước các rủi ro nợ lớn tích lũy trong những năm gần đây.

Tiếp tục chuyển hướng, lấy tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng, nâng cao trình độ sản xuất và mở rộng vai trò của đồng nhân dân tệ ngang tầm với USD hay euro của châu Âu... là một vài mục tiêu chính sẽ được đưa vào kế hoạch phát triển 5 năm. Đáng chú ý là gần 1/3 các chỉ tiêu chính trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2010 - 2015 có liên quan đến năng lượng sạch và bảo vệ môi trường. Mặc dù TQ khó có thể đạt được mục tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng góp 2,2% cho GDP năm 2015, hội nghị lần này vẫn đưa ra mức mục tiêu 2,5% - 3% trong 5 năm tới, để có thể thu hẹp khoảng cách với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính sách "Một vành đai, một con đường", kết nối TQ với hơn 60 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi dựa trên con đường thương mại cổ xưa, cũng là một điểm nhấn của kế hoạch này. Đây là chương trình kinh tế và địa-chính trị mang đậm dấu ấn của ông Tập. Qua đó sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các vùng kém phát triển hơn như Tân Cương và Quảng Tây. Đồng thời chương trình này giúp cung cấp thị trường cho các sản phẩm công nghiệp dư thừa như sắt thép, xi măng và hóa chất.  

>>Trung Quốc và tham vọng "một vành đai, một con đường"

Sau khi hội nghị kết thúc, hai tuần sau đó, TQ sẽ công bố dự thảo kế hoạch 5 năm. Nếu tiếp cận đúng các vấn đề đang đối mặt, kế hoạch 5 năm lần này của TQ được báo chí phương Tây nhận định: "Sau năm 2020, TQ sẽ là cường quốc kinh tế và quân sự số 1 thế giới, một vị thế mà Hoa Kỳ đã trấn giữ suốt từ năm 1890 trong lĩnh vực kinh tế”.

Theo tờ Les Echos, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 này, TQ hoặc sẽ trở thành cường quốc số 1 thế giới hoặc sẽ có những biến động lớn. Cả hai khả năng này đều dẫn đến "những hệ quả chiến lược đáng kể”. Các nhà lãnh đạo TQ hiện nay hoàn toàn ý thức được sự khó khăn trên con đường này. Thậm chí họ còn nhắc nhau rằng Liên Xô đã bị sụp đổ trước khi kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 13!

TQ đóng góp 32% tăng trưởng toàn cầu và chiếm 30% lượng đầu tư trên thế giới. Vì thế, số phận kinh tế TQ liên quan mật thiết đến kinh tế của toàn cầu. Les Echos kết luận: Châu Âu cũng "cần phải có một kế hoạch đối phó với TQ, đó là một chiến lược đối mặt với một cường quốc hành xử theo kiểu có qua có lại dựa trên sức mạnh mà họ có được".

>Nhật Bản – Cường quốc thời trang

>Người đưa Ấn Độ thành cường quốc xuất khẩu phần mềm

>Cuộc so kè hình ảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc trên thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản kế hoạch thứ 13: Trung Quốc "truất ngôi" Mỹ hay là chết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO