![]() |
Sau khi đội tàu con thoi Mỹ ngừng hoạt động, kết thúc chương trình tàu con thoi 30 năm của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhiều tập đoàn tư nhân đang nóng lòng gia nhập thị trường vũ trụ trị giá tới 200 tỷ USD mỗi năm.
![]() |
Hiện nay, việc đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên không gian sẽ do tàu con thoi của Nga thực hiện. Để không bị chảy máu ngoại tệ, Tập đoàn Sierra Nevada Corp đã phát triển tàu vũ trụ thế hệ mới Dream Chaser mô phỏng giống tàu con thoi của NASA.
Sierra Nevada đang chạy đua để được chọn là nhà cung cấp dịch vụ taxi vận chuyển các nhà du hành và thiết bị của Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng như đưa họ trở về Trái đất.
Vào tháng 4/2011, NASA quyết định tài trợ 80 triệu USD để công ty này tiếp tục phát triển Dream Chaser nhằm thực hiện sứ mệnh đưa người và hàng hóa lên Trạm ISS.
Hiện Nga đã đưa vào vũ trụ khoảng 100 vệ tinh và chiếm gần 50% thị trường vũ trụ thế giới. Để rút ngắn khoảng cách, Chính phủ Mỹ đã huy động các công ty tư nhân vào cuộc.
Ngoài tàu vũ trụ Dream Chaser, NASA cũng đầu tư cho các tàu vũ trụ thế hệ mới của các công ty tư nhân khác bao gồm: Blue Origin của Công ty Kent (22 triệu USD); Space Exploration Technologies của Hawthorne (75 triệu USD); Boeing của Houston (92,3 triệu USD).
Mới đây, NASA thông báo công ty Công nghệ Thám hiểm Vũ trụ (SpaceX) - đặt trụ sở tại thành phố Hawthorne, bang California, Mỹ - sẽ thực hiện chuyến bay vận tải thương mại đầu tiên lên ISS vào ngày 7/2/2012.
Thông báo được đưa ra đúng một năm sau khi SpaceX trở thành doanh nghiệp tư nhân phóng thành công phi thuyền mang tên Dragon lên quỹ đạo và đưa nó trở về an toàn.
Phi thuyền không người lái Dragon sẽ được phóng lên từ căn cứ không quân Canaveral tại bang Florida, Mỹ, mang theo một lượng hàng hóa và sẽ kết nối với ISS.
“Chuyến bay của tàu Dragon sẽ mở ra kỷ nguyên vận chuyển hàng hóa bằng phi thuyền thương mại lên vũ trụ”, bà Lori Garver, Phó giám đốc NASA, phát biểu.
Đồng sáng lập tập đoàn Microsoft Paul Allen đã công bố kế hoạch phóng các tên lửa không người lái và chở hàng hóa vào vũ trụ, sử dụng một chiếc máy bay lớn nhất trong lịch sử có thể đưa các tàu vũ trụ vào quỹ đạo, thay vì đẩy chúng lên từ một bệ phóng.
Chiếc máy bay khổng lồ có thể được trang bị 6 động cơ máy bay 747 và có sải cánh 117m. Nó có thể lớn hơn chiếc máy bay lớn nhất trong lịch sử, chiếc máy bay bằng gỗ H-4 Hercules biệt danh “Spruce Goose” do ông trùm huyền thoại Hollywood Howard Hughes thiết kế. Các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến bắt đầu năm 2016.
Hành trình chinh phục vũ trụ của khu vực tư nhân cũng gặp trở ngại vào năm 2011. Một chuyến bay thử nghiệm tàu vũ trụ do Hãng Blue Origin của người sáng lập Amazon.com Jeff Bezos thực hiện không mang lại kết quả như mong đợi.
Tuy nhiên, thất bại của Bezos không ngăn cản các ông trùm khác cũng đang tham gia cuộc đua vũ trụ tư nhân vì sự hấp dẫn của lĩnh vực này. Công ty Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson đang xây dựng một công ty vũ trụ thương mại nhằm đưa các du khách đi du lịch vũ trụ vào năm 2013.
Virgin đã công bố một hợp đồng mới với NASA cho ba chuyến bay trên chiếc tàu vũ trụ trị giá 4,5 triệu USD. Tính đến đến nay, Branson đã có 500 khách du lịch không gian và các nhà khoa học cũng như đăng ký cho các chuyến đi với Virgin Galactic.
Ông dự định gửi khách hàng đầu tiên của mình vào năm 2012. Để được tận hưởng cảm giác 2,5 giờ trên một con tàu vũ trụ, và trải qua cảm giác không trọng lực trong 5 phút trên SpaceShip Two, du khách sẽ phải bỏ tổng chi phí là 200.000USD, số tiền đặt cọc ban đầu là 20.000 USD.