Thói quen ăn uống Tây Phương - Mỗi người làm mất 4 cây xanh một năm

Thanh Trần| 07/05/2021 06:00

Tờ The Guardian chỉ ra những mối liên hệ giữa thói quen tiêu thụ sản lượng cà phê và sôcôla với nạn phá rừng toàn cầu dựa trên số liệu của Viện Nghiên Cứu Con Người và Thiên nhiên.

Thói quen ăn uống Tây Phương - Mỗi người làm mất 4 cây xanh một năm

Theo Viện Nghiên cứu Con người và Thiên nhiên, ở Kyoto, Nhật Bản, việc tiêu thụ lượng lớn cà phê ở Mỹ, Đức và Ý là nguyên nhân đáng kể của nạn phá rừng ở miền Trung Việt Nam, trong khi nhu cầu gỗ ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đến tình trạng mất rừng ở miền Bắc Việt Nam.

Việc tiêu thụ sôcôla ở Anh và Đức là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn phá rừng ở Bờ Biển Ngà và Ghana, trong khi nhu cầu thịt bò và đậu nành ở Mỹ, Liên minh châu  u và Trung Quốc dẫn đến tình trạng phá rừng ở Brazil.

Mỹ là nhà nhập khẩu chính của nhiều loại hàng hóa từ các nước nhiệt đới, bao gồm trái cây và quả hạch từ Guatemala, cao su từ Liberia và gỗ từ Campuchia. Trung Quốc chịu trách nhiệm lớn nhất về nạn phá rừng ở Malaysia, do nhập khẩu dầu cọ và các nông sản khác.

Nghiên cứu cho biết, việc tiêu thụ ở các nước G7 khiến cho 4 cây rừng bị đốn hạ một năm theo bình quân đầu người; Hoa Kỳ ở trên mức trung bình với 5 cây/ người/ năm. Tại 5 nước G7 - Anh, Nhật Bản, Đức, Pháp và Ý - hơn 90% nạn phá rừng xảy ra ở nước ngoài và một nửa trong số này là ở các nước nhiệt đới.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết việc lên bản đồ trách nhiệm phá rừng theo từng nước có thể giúp kế hoạch ngăn chặn nạn phá rừng được hiệu quả hơn. Ông nói: “Các nhà hoạch định chính sách và các công ty có thể biết được chuỗi cung ứng nào đang gây ra nạn phá rừng. Nhờ đó, họ có thể tập trung vào các chuỗi cung ứng đó để tìm ra các vấn đề và giải pháp cụ thể ”.

Tiến sĩ Chris West, Đại học York, Vương quốc Anh, người không tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết: “Vấn đề này không thể được giải quyết bởi một mình các quốc gia đơn lẻ và cũng không chỉ là vấn đề của phương Tây. “Sự gia tăng dấu vết phá rừng của Trung Quốc là đặc biệt đáng chú ý, và nói lên sự cần thiết của hành động đa phương.”

Các nhà nghiên cứu chia sẻ: “mặc dù tình trạng phá rừng ở các nước đang phát triển đã đến mức báo động, hoạt động kinh tế có liên quan của các nước giàu hầu như không thay đổi kể từ năm 2000.” 

Trung Quốc, Ấn Độ và các nước G7 đã tăng độ che phủ rừng ở nước họ, nhưng cũng gia tăng hoạt động dẫn đến phá rừng bên ngoài biên giới của họ.

Paul Morozzo, một nhà vận động thuộc tổ chức Greenpeace Anh Quốc, cho biết: “Báo cáo làm sáng tỏ việc tiêu thụ quá mức và cho thấy rằng các lựa chọn cá nhân - chẳng hạn như giảm thịt và sữa - là quan trọng. Nhưng các công ty đang không thành thật. Họ không chịu trách nhiệm về tác động môi trường của sản phẩm của họ và điều này phải thay đổi ”.

Ông nói thêm, đảo ngược tình trạng mất rừng nên là một vấn đề ưu tiên trong hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, do Vương quốc Anh đăng cai tổ chức.

Tiến sỹ West nói, ý tưởng người tiêu dùng phương Tây có thể trồng 4 cây để bù đắp cho những hậu quả phá rừng của họ không hoàn toàn đúng. “Đốn hạ một khu rừng mưa nhiệt đới không thể được đền bù bằng việc trồng một cây thông”.

(Theo The Guardian)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thói quen ăn uống Tây Phương - Mỗi người làm mất 4 cây xanh một năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO