Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), có ba việc cần phải làm để phát triển thị trường vốn ổn định và bền vững.
* Sau những nỗ lực tái cơ cấu hệ thống tài chính và các tổ chức tín dụng - một trong ba nội dung chính của tái cơ cấu nền kinh tế, ông có bình luận gì?
- Về cơ bản, quá trình tái cơ cấu đã cho một số kết quả, như xử lý được một phần căn bản nợ xấu, hoàn thiện được một số tổ chức tài chính mua bán, sáp nhập, cũng như tăng thêm năng lực tài chính, quản lý rủi ro. Thế nhưng, tái cơ cấu hệ thống tài chính diễn ra chậm, đôi khi chưa đạt được chất lượng như mong muốn. Chẳng hạn, định chế tài chính sau tái cơ cấu được thay đổi căn bản nhưng vẫn có một số quy chế tổ chức chưa được thay đổi.
Thị trường tài chính nói chung, thị trường vốn nói riêng cùng với thị trường lao động, hàng hóa, bất động sản, khoa học - công nghệ là những thị trường cơ bản, là huyết mạch của nền kinh tế. Việt Nam chủ trương phát triển thị trường vốn, đến nay thị trường trái phiếu về cơ bản là thuộc Chính phủ nên phát triển khá tốt, thị trường chứng khoán phát triển tương đối nhanh nhưng chưa bền vững, thậm chí thị trường trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa có gì nổi bật.
* Sự chậm phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông là do đâu?
- Theo tôi, do doanh nghiệp chưa thực sự muốn minh bạch, chưa được xếp hạng tín nhiệm, tính thanh khoản của thị trường trái phiếu còn thấp và chưa có mốc chuẩn để doanh nghiệp dựa vào đó phát hành trái phiếu, đặc biệt là lãi suất phải phù hợp.
Ts Cấn Văn Lực |
* Tái cơ cấu tới đây, theo ông nên phát triển thị trường vốn theo hướng nào?
- Chính phủ nên tập trung phát triển thị trường vốn ổn định hơn, bền vững hơn. Muốn vậy, có ba việc cần làm. Thứ nhất là cập nhật, hoàn thiện chiến lược phát triển thị trường vốn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động. Thứ hai là tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, khung thể chế, chẳng hạn sửa Luật Chứng khoán và ban hành khung pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp. Thứ ba, phối hợp tốt chính sách tiền tệ với tài khóa để đảm bảo lượng vốn phù hợp.
Cụ thể, đối với thị trường chứng khoán, rất cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và đa dạng hóa các nhà đầu tư. Hiện nay, đầu tư chứng khoán chủ yếu là cá nhân, đầu tư tổ chức vẫn rất ít nên thị trường thiếu ổn định. Thêm nữa, việc thị trường chỉ có một vài sản phẩm phái sinh, nếu có biến cố, rủi ro sẽ rất lớn.
* Ông có lưu ý nào trong quá trình nền kinh tế tiếp tục được tái cơ cấu?
- Tôi nghĩ cần thúc đấy tiến độ nhanh hơn, đi vào thực chất hơn, tái cơ cấu tài chính phải được tiến hành song song với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, việc xử lý nợ xấu, không chỉ riêng khối ngân hàng, khối doanh nghiệp nhà nước cũng phải làm mạnh.
Một điểm nữa, cần tăng cường khung pháp lý cũng như năng lực bộ máy để làm tốt hơn vai trò giám sát đối với thị trường tài chính. Giám sát hệ thống tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và đặc biệt là những rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý đến tăng khả năng chống chọi với các cú sốc về thị trường tài chính, bao gồm việc thúc đẩy tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và tăng dự trữ ngoại hối và xây dựng cơ chế chính sách để kiểm soát tốt hơn dòng vốn vào ra thị trường.
* Cảm ơn ông!