Thị trường truyền thông Việt Nam: Hợp tác hay thôn tính?

LỮ Ý NHI – THẢO MINH| 20/03/2012 00:47

Công ty chuyên về quan hệ công chúng lớn của Mỹ là Edelman đã chính thức công bố gia nhập thị trường Việt Nam thông qua việc mua hầu hết cổ phần của Công ty Tiếp thị Truyền thông AVC. Thương vụ M&A này cho thấy sức hấp dẫn và khuynh hướng phân hóa mạnh trong cạnh tranh của thị trường truyền thông Việt Nam.

Thị trường truyền thông Việt Nam: Hợp tác hay thôn tính?

Những cái tên lớn hơn xuất hiện

Mở đầu cho những hợp tác giữa công ty PR trong nước và nước ngoài là TBWA Group (thuộc Omnicom Group) với Công ty Quảng cáo Chăm sóc Thương hiệu (BCI Brandcare) lập nên Công ty TBWA Việt Nam vào năm 2008.

Sau gần một năm tìm hiểu và sàng lọc thông tin về các đối tác tiềm năng, cuối cùng, cái tên Biz Solutions đã lọt vào tầm ngắm của TBWA và cuộc mua bán cổ phần giữa TBWA và Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Biz Solutions tạo thành một thương hiệu mới Biz Tequila.

Cùng lúc này, người anh em của TBWA là Omnicom Media Group lập một liên doanh khác với Công ty Quảng cáo và Truyền thông (XPR Campaigns), dưới tên gọi Campaigns Solutions.

Cùng thời điểm, GroupM thuộc WPP đã mua 30% cổ phần của Tập đoàn Đất Việt VAC. Đầu năm 2009, WPP trở thành cổ đông của Smart Media, một công ty truyền thông, quảng cáo được sáng lập bởi các doanh nghiệp (DN) nhà nước lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty Thông tin Di động Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và Công ty Quảng cáo Goldsun...

Link bài viết

Mới đây, trên thị trường PR lại thêm một thương vụ sáp nhập lớn giữa Công ty Tiếp thị truyền thông AVC và Công ty Edelman (Mỹ). Mặc dù việc đầu tư còn đang chờ cấp phép của Chính phủ Việt Nam nhưng công ty mới dự kiến sẽ hoạt động với tên gọi AVC Edelman.

Ông Richard Edelman, Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc Điều hành của Edelman cho biết: “Lý do Edelman lựa chọn AVC để đầu tư thay vì thành lập DN 100% vốn nước ngoài là do các khách hàng của Edelman là những công ty đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam đòi hỏi phải có ngay dịch vụ tại thị trường này”. AVC Edelman kỳ vọng ngay trong năm đầu hợp tác, doanh thu cũng sẽ tăng từ 25 - 30%.

Cũng bằng cách sáp nhập, các tập đoàn truyền thông quốc tế không chỉ rút được con đường để thâm nhập thị trường Việt Nam, tiết kiệm được thời gian và chi phí mà còn có điều kiện thuận lợi để thực hiện chiến lược gia tăng ảnh hưởng tại các thị trường châu Á như Trung Quốc, Thái Lan...

Theo đại diện TBWA, thị trường quảng cáo Việt Nam là một trong ba thị trường trọng điểm của TBWA, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Vì vậy, đây là cách tốt nhất để TBWA có thể nhanh chóng mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, thiết lập được “hệ thống hạ tầng” tương đối hoàn chỉnh, cũng như tận dụng lợi thế khách hàng địa phương có sẵn, hiểu biết văn hóa và thói quen người bản địa của Biz Solutions ở Việt Nam.

Ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc AVC, cho biết: “Nếu tiếp tục điều hành AVC một mình, tôi khó tạo ra sự đột phá, khó tạo ra thành công lớn cho công ty. Vì vậy, việc hợp tác này sẽ giúp AVC nâng cao tính chuyên nghiệp và nhất là đóng góp phát triển được ngành công nghiệp PR đang còn rất non trẻ của Việt Nam".

Nỗi lo “cá mập”

Tuy sáp nhập có nhiều lợi thế nhưng cũng có không ít ý kiến quan ngại về việc hợp tác với nước ngoài khiến các công ty trong nước sẽ bị lép vế hơn, bị mất quyền tụ chủ và có nguy cơ bị thôn tính hoặc bị kiểm soát chặt chẽ. Có lẽ vậy mà Công ty Awareness id đã chọn phương án liên minh thay vì sáp nhập mua bán.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo: “Chúng tôi thấy rằng, việc liên minh không chỉ cho phép danh tiếng của chúng tôi tốt hơn, mà còn giúp chúng tôi nâng cấp kiến thức, chuẩn mực quốc tế cũng như khả năng nhạy cảm với các thay đổi trên thế giới để có các chiến lược kinh doanh phù hợp. Chúng tôi không sáp nhập vì khi đó sẽ phải chịu sự điều phối của bên mua, trong khi chúng tôi muốn đảm bảo rằng chiến lược PR phải được hoạch định từ thị trường Việt Nam và phải thực hiện theo thấu hiểu của người Việt”.

Nhiều công ty cũng lo ngại thực chất các cuộc hợp tác, sáp nhập là mua lại cổ phần, và do thế mạnh về tài chính, đa số các công ty nước ngoài sẽ nắm quyền điều hành, ngoài việc yêu cầu mình phải báo cáo rất mất thời gian, các công ty này còn yêu cầu người đứng đầu DN phải làm việc trong liên doanh từ 3-5 năm mới trả hết tiền.

Mặt khác, ở lĩnh vực quảng cáo, các công ty nước ngoài sẽ đảm bảo cho khách hàng ở nước ngoài của họ làm việc với đối tác trong nước, nhưng ở lĩnh vực PR thì không như vậy.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Max Communication, cũng cho rằng: “Thực ra, cách đây ba năm, Max Communication cũng đã có kế hoạch hợp tác với một tập đoàn nước ngoài, nhưng sau khi khủng hoảng ở Mỹ xảy ra, hợp tác này ngưng lại, và sau nhiều suy tính, thậm chí ngay cả khi thị trường khó khăn, tôi cũng không có ý định sẽ tiếp tục”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thị trường PR còn nhiều lĩnh vực chưa khai thác. Vì vậy, các công ty PR muốn khác biệt và có dịch dụ độc đáo thì phải nâng cấp. Và việc hợp tác chính là con đường ngắn nhất để các công ty lớn hơn, phát triển hơn.

Khi làm việc với các công ty nước ngoài khe khắt hơn rất nhiều, sẽ giúp dịch vụ của các công ty trong nước được nâng cao và chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc T&A Ogilvy, lại cho rằng: “Sau khi T&A và Ogilvy hợp tác, trong hai năm rưỡi, mức tăng trưởng đã tăng hơn 2,5 lần so với trước. Trong tình hình mới, chiến lược chính của chúng tôi là tập trung phát triển hiểu biết về thị trường một cách tốt hơn, tận dụng những ngành truyền thông mới phát triển như truyền thông xã hội, truyền thông kỹ thuật số”.

Cùng quan điểm này, ông Ngọc Anh cũng khẳng định: “Khi đã sáp nhập, tôi chấp nhận mọi ràng buộc, miễn sao đứa con thương hiệu mới của chúng tôi tốt hơn, chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn. Và theo tôi, mục tiêu cao hơn của các cuộc hôn phối này là tạo đà cho ngành công nghiệp PR ở Việt Nam phát triển một cách chuyên nghiệp hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường truyền thông Việt Nam: Hợp tác hay thôn tính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO