Thị trường trang sức xa xỉ Việt Nam duy trì đà phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn
Lạm phát gia tăng và cơn sốt vàng diễn biến phức tạp, thị trường đang chứng kiến sự tỏa sáng của các loại trang sức như kim cương, đồng hồ… trở thành những tài sản được săn đón nhiều nhất. Điều này đặc biệt đúng ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng như Việt Nam, nơi số lượng cá nhân sở hữu tài sản ròng triệu đô đang tăng lên nhanh chóng.
Sức hấp dẫn của trang sức xa xỉ
Trong báo cáo gần đây từ Knight Frank, số lượng cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 1 triệu USD tại Việt Nam đã tăng 70% trong vòng 5 năm qua. Tầng lớp thượng lưu mới này có xu hướng tìm đến các món trang sức không chỉ để khẳng định đẳng cấp mà còn bảo toàn giá trị tài sản.
Chính lý do đó, bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu, thị trường trang sức xa xỉ tiếp tục thể hiện sự vững vàng. Trong năm 2023, đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi, khi hầu hết các lĩnh vực đầu tư xa xỉ khác đều có dấu hiệu suy yếu. Theo Chỉ số Đầu tư Xa xỉ Knight Frank (KFLII), trang sức là loại tài sản có hiệu suất cao thứ hai trong năm, với mức tăng trưởng 8%, chỉ đứng sau lĩnh vực nghệ thuật. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của trang sức không chỉ nằm ở vẻ đẹp tinh xảo mà còn ở giá trị đầu tư lâu dài.
Bà Jade Huỳnh - Nhà sáng lập Triển lãm triệu phú Salon Deluxe, nhận định rằng, dù kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong hai năm qua, thị trường trang sức xa xỉ tại Việt Nam vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng, nhờ vào nhu cầu thực sự từ các nhà triển lãm quốc tế và giới sưu tập trong nước.
Sự bất ổn kinh tế toàn cầu không chỉ thúc đẩy giá trị của kim loại quý mà còn tạo động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội tại những thị trường mới nổi. Đối với Việt Nam, khó khăn kinh tế lại trở thành cánh cửa để các thương hiệu lớn thâm nhập, nhắm đến tầng lớp thượng lưu ngày càng gia tăng.
Bà Jade Huỳnh - Nhà sáng lập Triển lãm Salon Deluxe
"Trong khi trước đây, nhiều nhà sưu tập Việt Nam thường chọn mua các bộ sưu tập trang sức đắt giá từ những trung tâm thương mại lớn như Hong Kong hay Singapore, thì nay, nhận thấy tiềm năng của thị trường nội địa, các nhà triển lãm quốc tế đã bắt đầu tập trung khai thác cơ hội tại Việt Nam. Họ không chỉ mong muốn mang đến những sản phẩm cao cấp mà còn khám phá thị hiếu đặc thù của người tiêu dùng Việt và có chiến lược phù hợp để chinh phục khách hàng...", bà Jade nói.
Trong đó, thị trường trang sức kim cương là một trong những phân khúc nổi bật nhất. Theo dữ liệu từ De Beers Group, nhu cầu kim cương tại Việt Nam đã tăng trưởng 15% mỗi năm trong thập kỷ qua.
Bà Jade Huỳnh cho biết, các loại kim cương lớn hoặc có màu hiếm như vàng, hồng và xanh, trở thành "vua" trong mắt nhà sưu tập và giới đầu tư. Những viên đá này không chỉ tăng giá trị theo thời gian mà còn được coi là biểu tượng của sự thành công và đẳng cấp.
Ngoài kim cương, các loại đá quý khác như ngọc lục bảo, ruby, sapphire cũng ngày càng được ưa chuộng. Một số nhà đầu tư nhìn nhận rằng đá quý không chỉ sở hữu vẻ đẹp tự nhiên, khó tái tạo mà còn là tài sản hữu hình có khả năng chống chịu lạm phát. Theo báo cáo từ Bain & Company, giá trị của các loại đá quý cao cấp tăng trung bình 6 - 10% mỗi năm, bất chấp biến động kinh tế.
Đồng hồ cao cấp cũng đang có sức hút mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Thống kê từ ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường có mức tăng trưởng doanh số cao nhất Đông Nam Á, với mức tăng trung bình 10% mỗi năm. Các thương hiệu tiếng tăm không chỉ là biểu tượng của sự sang trọng mà còn được xem như một khoản đầu tư lâu dài. Những mẫu đồng hồ giới hạn, đặc biệt là phiên bản vintage, thường tăng giá trị sau nhiều năm, trở thành mục tiêu săn đón của các nhà sưu tập trên toàn cầu.
Không ít thách thức
Bà Carolyn Kan - Nhà sáng lập thương hiệu Carrie K. cho rằng, thị trường Việt Nam đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thử thách.
Cụ thể, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tìm kiếm những sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao, không chỉ để thỏa mãn nhu cầu làm đẹp mà còn thể hiện cá tính và giá trị bản thân. “Họ không mua sắm nhiều như trước, nhưng lại ưu tiên những món đồ có ý nghĩa. Đây chính là lý do tất cả các thiết kế của chúng tôi đều mang tính đa năng”, bà cho biết.
Các thương hiệu trang sức phải được thiết kế phù hợp với nhiều dịp khác nhau, từ những sự kiện đặc biệt đến việc sử dụng hàng ngày. Đặc biệt, các món trang sức này có thể dễ dàng giao dịch và hơn hết, được truyền qua nhiều thế hệ như những món đồ gia truyền.
“Sự cá nhân hóa, ý nghĩa sâu sắc và khả năng lưu giữ qua thời gian là điều mà khách hàng Việt Nam đang tìm kiếm. Đây cũng chính thách thức với các đơn vị phát triển sản phẩm, việc thấu hiểu thị hiếu đa dạng và đáp ứng kỳ vọng của một tầng lớp người tiêu dùng ngày càng tinh tế đòi hỏi sự nhạy bén và nỗ lực không ngừng”, bà Carolyn nhấn mạnh.
Các đại diện thương hiệu tham gia Triển lãm triệu phú Salon Deluxe ngày 6/12 tại TP.HCM cho rằng, các nhà sưu tập tại Việt Nam đề cao tiêu chí xanh, bền vững trong từng sản phẩm, bao gồm cả các mặt hàng trang sức xa xỉ.
Nhiều thương hiệu đã chia sẻ câu chuyện về hành trình tạo ra các tuyệt tác của họ, gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ví dụ, kim cương được khai thác theo tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và cộng đồng địa phương. Một số thương hiệu khác tự giám sát toàn bộ quy trình khai thác ngọc trai bền vững, từ việc nuôi trai đến bảo vệ môi trường biển, nhằm gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên nơi những viên ngọc trai quý giá được hình thành.