![]() |
Ít nhất hai lần huấn luyện viên nổi tiếng Jose Mourinho đã dùng giải vô địch quốc gia hạng cao nhất Việt Nam (V-League) để ví von với những trận đấu kém chất lượng. Mới đây, tờ The Guardian (Anh) lại dẫn một bài viết chê V-League tơi tả, và chê... có đầu tư hẳn hoi chứ không chỉ nhắc thoáng qua.
Trong bài viết đăng vào đầu tuần trước của tác giả Thomas Barrett trên trang In Bed With Maradona, V-League bị mô tả là một giải đấu tệ hại từ chất lượng chuyên môn tới sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, và do vậy khán giả quay lưng và sẵn sàng ủng hộ những đội bóng Anh thay vì cổ vũ câu lạc bộ nhà.
Barrett du lịch đến Hà Nội và ở nhà một người bạn thông qua trang web chia sẻ nơi ở Airbnb. Ông kể lại rằng đã chứng kiến thái độ dè bỉu của chủ nhà khi được hỏi liệu anh có đến sân cổ vũ cho câu lạc bộ tại đây hay không, trong khi đã thức đêm xem Manchester United thi đấu qua truyền hình. Ở Anh, dù là Norwich City thì sự yêu mến mà họ nhận được từ cổ động viên cũng chẳng thua kém với tình cảm mà các đội bóng lớn như Bayern Munich hay Barcelona nhận được từ cổ động viên.
Thái độ "kỳ lạ” của chàng trai chủ nhà được Barrett lý giải trong bài viết. Theo đó, cơ sở vật chất sân Hàng Đẫy bị đánh giá kém vì không được trông nom, kèm theo khung cảnh vắng lặng. Thêm vào đó là những chiếc áo thi đấu, phụ kiện của các câu lạc bộ Anh quốc được bày bán đầy ngoài sân, nhưng đều là hàng nhái. Tác giả mỉa mai rằng Manchester United là câu lạc bộ bóng đá đầu tiên thu về hơn 500 triệu bảng/năm, nhưng chẳng lấy được xu nào tại Việt Nam vì áo thi đấu, phụ kiện của câu lạc bộ được bày bán là đồ nhái.
Khi vào sân, Barrett chê một trận đấu của V-League kém chất lượng. Những cầu thủ người Việt khéo léo thì lại có vóc dáng mỏng manh và xử lý lắt nhắt. Trong khi đó, một tiền đạo cao to người Argentina đá thuê vụng về, chậm chạp nhưng lại đủ sức ghi cú đúp và được bầu làm cầu thủ hay nhất trận.
Kết bài, Barrett cho rằng, với nền kinh tế phát triển ổn định và sự hâm mộ bóng đá vô cùng lớn của người Việt Nam, giải V-League đang thiếu một cái gì đó để cụ thể hóa những lợi thế ấy. Trong bài viết, vấn đề bán độ cũng được đề cập và bị khép vào nguồn cơn tạo ra sự yếu kém về chất lượng bóng đá Việt Nam, thái độ thờ ơ của cổ động viên.
>Bóng đá Việt: Khi nào mới chuyên nghiệp?
>Bóng đá Việt nên học thành công của Thái Lan
> Bóng đá Việt khi nào mới đá "sạch"?