![]() |
“Này Tiger, cho mình mượn 100 triệu USD, được không?”. “Không thành vấn đề, Phil ạ. Tớ chẳng quan tâm đến số tiền nhỏ ấy”. Đó là chú thích vui của tờ NationPost khi đăng bức ảnh của Tiger Woods chụp cùng Phil Mickelson trong lễ nhận giải ở FedEx Cup cuối tuần trước...
Dĩ nhiên, đó chỉ là hư cấu để khẳng định sự giàu có của Woods trong giới thể thao hiện nay. Chiến thắng ở FedEx Cup 2009 (Mickelson về nhì) đã mang lại cho Woods 10 triệu USD tiền thưởng nữa, và nâng tổng số tiền mà anh kiếm được trong sự nghiệp vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Trong lịch sử thể thao thế giới, chưa có một vận động viên nào đạt tới cột mốc như thế. Nói cách khác, anh đã trở thành tỷ phú thể thao đầu tiên của thế giới.
![]() |
Tiger Woods giới thiệu với Tổng thống Mỹ Barack Obama về giải golf AT&T do anh tổ chức, tại phòng bàu dục ở Nhà Trắng hối tháng 4 năm nay. |
Hồi đầu năm nay, khi mùa giải còn chưa bắt đầu, tạp chí Forbes đã tính toán rằng, tổng số tiền Woods kiếm được trong sự nghiệp lên tới 895 triệu USD, bao gồm tiền thưởng, phí xuất hiện tại các giải đấu, tiền tài trợ, quảng cáo,... Sau 10 tháng, chỉ riêng số tiền kiếm được ngoài sân golf của Woods đã là hơn 100 triệu USD, cộng thêm 10,5 triệu USD tiền thưởng từ đầu năm và phần nhận được ở giải FedEx vừa qua, tài sản của tay golf này bây giờ đã có 10 con số. Woods đã bỏ xa hai ngươi kế tiếp là ngôi sao bóng rổ Michael Jordan (chừng 800 triệu USD) và tay lái F1 đã nghỉ hưu Michael Schumacher (700 triệu).
Có hai tiêu chí để đánh giá sự thành công trong môn golf này là số tiền kiếm được và số danh hiệu lớn (Masters). Tiêu chí thứ nhất đã bị Woods chinh phục, còn tiêu chí thứ hai có lẽ cũng không khó khăn lắm. Với 14 danh hiệu Masters (tương đương Grand Slam ở môn quần vợt), anh chỉ kém huyền thoại Jack Nicklaus 4 chức vô địch nữa. Nên nhớ Woods mới 33 tuổi, mà ở môn thể thao quý tộc này thì như vậy vẫn còn khá trẻ.
Thực ra việc Woods áp đảo vận động viên ở các môn thể thao khác về thu nhập là điều chẳng có gì ngạc nhiên, bởi anh vốn đã như thế suốt 8 năm nay, kể từ khi vượt qua Michael Schumacher hồi năm 2002. Điều đáng nói là số tiền thưởng từ các danh hiệu (chừng 100 triệu USD), chưa bằng 1/10 so với tổng tài sản của anh. Tài năng và danh tiếng của Woods là một yếu tố thu hút các nhà tài trợ và những hãng quảng cáo.
Năm ngoái, Woods đã mất gần như cả mùa không thi đấu vì phải chữa chấn thương, nhưng tài khoản của anh vẫn ổn định. Bên cạnh những bản hợp đồng quảng cáo, tài trợ, Woods có thể tự kiếm tiền theo cách riêng của mình: đầu tư xây sân golf và viết sách. Anh đang là chủ Tiger Woods Design, công ty chuyên thiết kế sân golf tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm đầu tiên của Woods là sân golf kèm khu resort tại Dubai, có tên Al Ruwayra, được khánh thành đầu năm 2007. Tháng 8 năm ấy, công ty này tiếp tục thiết kế một sân golf lớn nữa tại California. Đầu năm nay, một sân golf nữa có tên Punta Brava đang được Tiger Woods Design thiết kế tại Mexico và sẽ hoàn thành cuối năm 2010. Sau thành công vang dội của Tôi đã chơi golf như thế nào (bán hết 1,5 triệu bản), Woods đang cân nhắc việc xuất bản một cuốn sách nữa.
Nhưng những đam mê của Woods thì không có giới hạn. Từ nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao, rất có thể anh sẽ tiếp bước trên chính trường. Xuất phát điểm của những mục tiêu đầy tham vọng ấy là mối quan hệ khá thân thiết với các chính trị gia nổi tiếng. Tháng 8/2007, thị trưởng California Arnold Schwarzenegger và phu nhân Maria Shriver tuyên bố sẽ mời anh vào Ngôi nhà của những huyền thoại California. Đầu năm nay, người ta lại thấy Woods đọc diễn văn tại một cuộc mít ting, hoạt động bên lề lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở khu tưởng niệm cố Tổng thống Abraham Lincoln. Woods cũng từng thăm Nhà Trắng trong kế hoạch quảng bá cho giải golf AT&T mà anh là người tổ chức.
Mang quốc tịch Mỹ nhưng có gốc gác Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, Woods được nhắc đến với tư cách người đưa môn golf đến nhiều tầng lớp hơn, chứ không chỉ dành riêng cho giới quý tộc. Một khi Obama đã trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ngôi sao hành động Schwarzenegger trở thành thống đốc bang California, thì với danh tiếng và khối tài sản khổng lồ của mình, biết đâu trong tương lai Woods cũng sẽ tham gia cuộc đua vào... Nhà Trắng.
GOLF VÀO OLYMPIC Đúng một tuần sau khi Rio de Janeiro được chọn làm nơi tổ chức Olympic 2016, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lại bỏ phiếu thông qua quyết định đưa hai môn thể thao là golf và rugby (bóng bầu dục) vào chương trình thi đấu của Thế vận hội, bắt đầu từ năm 2016. Cho dù golf đã từng có mặt ở Olympic 1900 tại Paris, song sau đó, nó chỉ xuất hiện thêm một lần nữa vào năm 1904 rồi bị loại ra khỏi chương trình thi đấu từ đó tới nay, bởi chi phí đắt đỏ của môn thể thao quý tộc này dường như không phù hợp với tinh thần chung của phong trào Olympic. Chính vì vậy, việc đưa golf trở lại với Olympic có công rất lớn của Tiger Woods, người đứng đầu cuộc vận động mang tính lịch sử này. Trong cuộc bỏ phiếu tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch), Woods đã không có mặt do đang bận dự giải President Cup ở San Francisco, song anh đã gửi tới một cuộn băng video kêu gọi IOC hãy “mở rộng vòng tay với golf”. |