Thể thao thay đổi thế nào khi người trẻ thích xem "lậu"?

THÁI DUY| 09/05/2017 06:58

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hơn một nửa số người trẻ đang xem các chương trình thể thao trực tiếp một cách phi pháp, theo The Guardian.

Thể thao thay đổi thế nào khi người trẻ thích xem

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hơn một nửa số người trẻ đang xem các chương trình thể thao trực tiếp một cách phi pháp, theo The Guardian

Đọc E-paper

Công nghệ giúp việc theo dõi các sự kiện, bao gồm sự kiện thể thao, một cách dễ dàng hơn. Tuổi trẻ tiếp thu công nghệ dễ dàng hơn, thế nên họ nghĩ rằng mình không phải trả tiền để xem các sự kiện thể thao.

Không quan tâm

Hãng SMG Insight, công ty chuyên thống kê về mối quan hệ giữa cổ động viên với các môn thể thao, đã phỏng vấn 1.500 người, trong đó có 1.000 người có độ tuổi từ 18 tới 24. Mục đích của cuộc khảo sát này được cho nhằm đo lường mức độ khác biệt giữa sở thích của người trẻ so với thế hệ cha mẹ của mình.

Kết quả khảo sát cho thấy số lượng người trẻ hiện nay vẫn quan tâm thể thao, nhưng ít xem hơn và ít chịu trả tiền để xem hơn so với những người trên 35 tuổi, theo The Guardian.

Theo đó, 54% người trẻ đã xem các sự kiện thể thao được truyền hình trực tiếp theo cách không hợp pháp. Trong đó, có 1/3 số người xem "lậu" này cho biết thường xuyên theo dõi sự kiện thể thao theo cách ấy. Con số này ở những người trên 35 tuổi là 4%.

Thống kê trên phản ánh sự thật rằng những người trẻ ở độ tuổi như trên không quan tâm tới tính pháp lý của kênh thể thao mình xem. Chủ tịch của SMG Insight, ông Nick Keller nhận xét: "Nếu không cẩn trọng ở vấn đề này, chúng ta sẽ có một thế hệ người trẻ coi việc xem lậu các nội dung thể thao là chuyện bình thường. Đó là thách thức không chỉ đối với người giữ bản quyền (các chương trình thể thao), mà còn là của nhà tài trợ và vận động viên, đối với khán giả mua vé”.

Công nghệ hiện đại không chỉ cung cấp các chương trình thể thao trực tiếp ở những chiếc tivi, mà còn thông qua các ứng dụng trực tuyến. Về khoản này, người trẻ tiếp thu công nghệ tốt hơn nên thường xuyên sử dụng hơn người lớn. Song việc ấy cũng lại không quá phổ biến.

Bằng chứng là khảo sát cho thấy người trẻ, dù có xu hướng xem thể thao qua các dịch vụ trực tuyến nhiều hơn so với người lớn tuổi, nhưng con số ấy vẫn quá ít. Chỉ 2% số người trong độ tuổi 18 tới 24 được hỏi cho biết họ xem thể thao qua mạng xã hội. Một con số ít tới không ngờ. Bởi vì họ không thực sự quan tâm tới thể thao như người lớn tuổi hơn, khảo sát cho biết.

>>Bóng đá châu Á ngụp lặn trong vùng trũng

Cung vượt quá cầu?

Việc người trẻ ít quan tâm tới thể thao hơn cho thấy nỗ lực của mạng xã hội khi tham gia vào thị trường này có thể phản tác dụng. Facebook và Twitter đều đẩy mạnh tính năng quay trực tiếp của mình trên ứng dụng, và cũng chủ động ký kết hợp đồng với các sự kiện thể thao lớn để mua bản quyền phục vụ khán giả.

Chẳng hạn, giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) hiện đã cung cấp nhiều trận đấu lớn cho Twitter. Nhưng các nỗ lực này có thể bị xóa sổ, đơn giản chỉ vì khán giả không xem.

Theo thống kê trên, người trẻ vẫn nói rằng bóng đá là môn họ yêu thích nhất, nhưng chỉ 47% số ấy khẳng định họ có... xem. Tỷ lệ này thấp hơn hẳn 60% mà lứa tuổi trên 35 thừa nhận.

BT Sports - nhà đài mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh (Premier League) bằng các hợp đồng hàng tỷ bảng, đã tài trợ cho cuộc khảo sát trên. Họ quan tâm tới chuyện bản quyền và xu hướng của người trẻ, vì nó dính dáng tới lợi ích trực tiếp của mình. Tuy nhiên BT Sports có lẽ không thể vui mừng với khảo sát trên.

Thông thường, thói quen hiện tại của các cổ động viên là ra quán cà phê hoặc quán bia để cùng xem qua truyền hình - nếu họ không thể trực tiếp tới sân, mua vé. Chính vì vậy, trong bối cảnh từ các trang web mua bản quyền như BallBall cho đến YouTube đều phát triển, sự lựa chọn xem trực tuyến của người trẻ càng được nới rộng.

Nói cách khác, họ không cần phải xem "bản quyền" khi sự cạnh tranh đạt tới đỉnh điểm, và cung vượt quá xa cầu.

>>Bản quyền bóng đá và nguyên tắc thị trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thể thao thay đổi thế nào khi người trẻ thích xem "lậu"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO