Tạm biệt Brazil 2014, hẹn gặp ở Nga năm 2018

PHƯƠNG CHI| 15/07/2014 04:13

World Cup 2014 ở Brazil hạ màn thì cũng là lúc cả thế giới hướng về nước Nga, nơi sẽ tổ chức Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sau 4 năm nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu nước Nga của Vladimir Putin có rút được những kinh nghiệm xương máu từ Brazil sau một kỳ Olympic mùa Đông Sochi 2014 nhiều điều tiếng?

Tạm biệt Brazil 2014, hẹn gặp ở Nga năm 2018

World Cup 2014 ở Brazil hạ màn thì cũng là lúc cả thế giới hướng về nước Nga, nơi sẽ tổ chức Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sau 4 năm nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu nước Nga của Vladimir Putin có rút được những kinh nghiệm xương máu từ Brazil sau một kỳ Olympic mùa Đông Sochi 2014 nhiều điều tiếng?

Đọc E-paper

Trong buổi lễ bế mạc World Cup 2014 tại sân Maracana trước trận chung kết giữa Đức và Argentina, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã có nghi thức "bàn giao lại" quyền đăng cai cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước sự chứng kiến của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

"Tôi muốn chúc mừng Tổng thống Rousseff về hoạt động tổ chức World Cup. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tổ chức tốt nhất sự kiện", ông Putin nói trong thông báo do FIFA chuyển tới báo giới - "Bóng đá giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra các điều kiện tốt nhất cho các huấn luyện viên, cầu thủ, chuyên gia và người hâm mộ. Tôi rất biết ơn Chủ tịch Blatter và cộng sự của ông ở FIFA vì đã trao cho vinh dự được tổ chức World Cup".

Nga ước tính việc tổ chức World Cup 2018 sẽ ngốn khoảng 19,5 tỷ USD. Phần lớn số tiền sẽ được dùng để xây 12 sân vận động và các công trình liên quan ở 11 thành phố đăng cai World Cup. Các thành phố này gồm: Kaliningrad, Kazan, Moskva, Nizhny Novgorod, Rostov-on-Don, Saint Petersburg, Samara, Saransk, Sochi, Volgograd và Yekaterinburg. Nửa ngân sách sẽ tới từ nguồn vốn liên bang trong khi nửa còn lại từ hoạt động xã hội hóa, như đã được áp dụng ở Sochi 2014 vừa qua.

Các dự án hạ tầng quan trọng sẽ được đầu tư gồm việc hiện đại hóa mạng lưới đường sá, xa lộ nối thành phố, bên cạnh việc xây sân vận động. Hồi tháng 1 năm nay, Nga đã hoàn thành việc xây 2 sân vận động World Cup ở Kazan và Sochi, theo báo cáo của Bộ trưởng Thể thao Vitaly Mutko.

Tâm điểm World Cup 2018 sẽ là sân Luzhniki ở Moskva, nơi tổ chức trận khai mạc, trận bán kết và chung kết. Sân này hiện đang được nâng cấp lớn. Mặt ngoài sân sẽ được giữ nguyên, mặt trong được xây dựng lại toàn bộ. Dự kiến việc nâng cấp sẽ hoàn tất trong năm 2017. Sân thứ hai ở Moskva là Spartak FC chỉ vài ngày nữa là đi vào hoạt động. Đây cũng là một sân bóng công nghệ cao, chi phí "khủng". Cùng thời điểm, công việc cũng đang diễn ra tại sân Krestovsky Island ở St. Petersburg. Hoạt động xây dựng các sân khác sẽ bắt đầu trong năm nay.

Kế hoạch là như vậy, song Nga có hoàn thành tiến độ công việc trong bối cảnh nước này đang phải chịu lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây hay không lại là chuyện khác. Cuộc khủng hoảng Ukraine, kéo theo đó là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau thời Chiến tranh lạnh đã khiến nền kinh tế Nga lâm vào tình trạng suy thoái.

Chuyến công du của Tổng thống Putin tới Mỹ Latinh, trong đó có chuyến đi tới Brazil để dự lễ bàn giao quyền đăng cai World Cup chính là nằm trong nỗ lực giảm thiểu tác động của lệnh cấm vận nói trên. Mà để giảm thiểu điều đó, hẳn là ông Putin cần những lời khuyên trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Brazil, bà Rousseff, nhất là khi hai quốc gia này là những cột trụ trong khối các nền kinh tế mới nổi BRICS.

Nga miễn visa trong thời gian World Cup

Trước khi đi công du Mỹ Latinh, ông Putin nói với hãng tin Itar-Tass rằng Nga sẽ miễn thị thực nhập cảnh (visa) cho các đội tuyển và các cổ động viên tham dự World Cup. "Nga muốn đẩy World Cup tiến thêm một bước xa hơn tại một số khu vực.

Ví dụ, chúng tôi đã thông qua một luật liên bang, theo đó triển khai chính sách cấp thị thực đặc biệt cho những người nước ngoài sẵn lòng giúp tổ chức giải đấu 2018 và cho phép không chỉ các đại biểu chính thức tham dự vòng chung kết, gồm các cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên..., mà còn cả những người hâm mộ tới Nga không cần xin visa trước và trong giải đấu", ông nói.

Trong con mắt của phương Tây thì cả Nga lẫn Brazil đều đối mặt với nhiều vấn đề lớn, nổi cộm là tình trạng tham nhũng ở những công trình đầu tư về cơ sở hạ tầng. Đi kèm với đó là những bất ổn xã hội tiềm tàng có nguy cơ bùng phát thành những cuộc biểu tình, đe dọa tới sự ổn định chính trị.

Còn nhớ, cho đến tận trước ngày khai mạc World Cup, nhiều công trình xây dựng sân vận động ở Brazil vẫn còn ngổn ngang, khiến các quan chức FIFA phải thốt lên rằng đây là kỳ World Cup có công tác tổ chức tệ nhất trong lịch sử.

Dĩ nhiên, sau đó thì mọi chuyện cũng diễn ra êm xuôi, song cảnh biểu tình, đình công lan rộng trên khắp Brazil, đặc biệt là vụ sập cầu vượt ở Belo Horizonte ngay trong thời gian diễn ra World Cup, thực sự đã ảnh hưởng rất nhiều tới hình ảnh của Brazil.

Thế nên, khi đội tuyển Brazil thảm bại 1-7 trước Đức ở bán kết World Cup 2014, nhiều người đã nói đùa rằng đây là thời điểm tốt nhất để bà Rousseff đề nghị với Thủ tướng Đức Angela Merkel về một khoản vay ưu đãi!

Đó có thể là một gợi ý tốt cho ông Putin, bởi bà Merkel vẫn được coi là kênh liên lạc giữa Tổng thống Nga với thế giới phương Tây trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạm biệt Brazil 2014, hẹn gặp ở Nga năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO