![]() |
Serena Williams đã rút tên khỏi giải Pan Pacific đang diễn ra ở Tokyo, dù giải đấu có tổng giá trị tiền thưởng lên tới 2,4 triệu USD. Lý do được tay vợt 31 tuổi này đưa ra là cô không ở trong tình trạng sức khỏe tốt nhất. Quả thật, Serena chẳng việc gì phải cố, bởi trong năm nay cô đã kiếm quá đủ. Nhưng để có được sự sung túc như hôm nay, Serena cần phải nhớ ơn Billie Jean King bởi những gì bà đã làm trước đó cho sự bình đẳng giới tính trong làng banh nỉ.
Đọc E-paper
Với việc đăng quang chức vô địch Mỹ Mở rộng mới đây, Serena đã đút túi 3,6 triệu USD tiền thưởng, gồm 2,6 triệu USD cho chức vô địch ở Flushing Meadows và 1 triệu USD nhờ việc dẫn đầu các giải đấu khởi động Mỹ Mở rộng.
Với số tiền ấy, Serena trở thành tay vợt nữ đầu tiên trong lịch sử kiếm được hơn 9 triệu USD trong một mùa giải, nâng tổng số tiền thưởng trong sự nghiệp của cô lên tới 50 triệu USD.
Dĩ nhiên, Serena không được hưởng trọn vẹn con số ấy, bởi như cô tiết lộ sau Mỹ Mở rộng là nhân viên thuế vụ đã ngay lập tức tìm tới cô. Tuy nhiên, con số mà Serena kiếm được vẫn thật sự choáng ngợp, nhất là so với các tay vợt đàn chị trước đây.
Còn nhớ vào năm 1982, Martina Navratilova - người đang xếp ngay trên Serena trên bảng tổng sắp những tay vợt nữ giành nhiều Grand Slam nhất với 18 danh hiệu - đã trở thành tay vợt nữ đầu tiên kiếm được 1 triệu USD trong một mùa giải.
Phải hai năm sau đó, huyền thoại người Mỹ gốc Séc này mới nâng được gấp đôi con số đó là 2 triệu USD.
Hay như Steffi Graf, tay vợt nữ vĩ đại nhất trong kỷ nguyên Mở rộng với 22 chức vô địch Grand Slam cũng chỉ kiếm được tổng cộng 22 triệu USD trong sự nghiệp sau khi giải nghệ vào năm 1999, tức thua xa so với con số khủng 50 triệu của Serena.
Tỷ giá tiền tệ mỗi thời một khác là lý do dẫn đến sự chênh lệch quá lớn như thế. Nhưng mặt khác, một trong những nguyên nhân chính giúp Serena kiếm được nhiều tiền như vậy là vì giờ đây, tiền thưởng dành cho nam và nữ ở các giải quần vợt đã có sự quân bình.
Tại Mỹ Mở rộng vừa rồi, Rafael Nadal cũng kiếm được 3,6 triệu USD như Serena, không hơn một xu.
"Cuộc chiến giới tính"
Chênh lệch tiền thưởng giữa nam và nữ từng là chủ đề gây tranh cãi trong suốt thời gian dài trong làng banh nỉ. Chính cô chị nhà Williams, Venus từng lên tiếng đòi hỏi ban tổ chức Wimbledon phải công bằng trong chuyện này với tuyên bố: "Chúng tôi muốn được hưởng số tiền ngang bằng với các tay vợt nam".
Nhưng Venus không phải là người đi đầu trong cuộc đấu tranh đòi bình quyền này, mà công đầu phải được tính cho huyền thoại Billie Jean King. Ngày 20/9 vừa qua cũng là dịp kỷ niệm tròn 40 năm diễn ra trận đấu được gọi là "Cuộc chiến giới tính" giữa King (năm đó 29 tuổi) với tay vợt nam 55 tuổi Bobby Riggs tại Houston trước sự chứng kiến của 30.000 khán giả.
Chiến thắng dành cho King trước đấng mày râu vào ngày 20/9/1973 đã đánh dấu một cột mốc lớn trong lịch sử tennis. Và năm 1973 cũng chính là năm ra đời của Hiệp hội Quần vợt nữ WTA, để đứng ra đòi quyền lợi cho các tay vợt nữ vốn luôn bị phân biệt đối xử so với các nam đồng nghiệp, không chỉ là về tiền thưởng mà còn về giờ giấc thi đấu, sân đấu...
WTA được thành lập chỉ một tuần trước Wimbledon năm 1973, giải đấu mà King giành chức vô địch đơn nữ, đôi nữ và đôi nam nữ. Nhưng bà chỉ nhận được số tiền thưởng kém hơn so với các đồng nghiệp nam, bởi đến tận năm 2007 thì giải Grand Slam lâu đời và bảo thủ nhất thế giới mới quân bình tiền thưởng nam nữ.
Nhớ lại trận đấu đó, King nói rằng bà rất tự hào vì đã làm được một việc phi thường "để mọi người xích lại gần nhau hơn". Bà cũng bác bỏ thông tin mới được kênh ESPN đưa ra rằng năm đó Rigg đã cố tình thua và thấy hãnh diện vì thành quả mà nữ giới làm được.
Đầu năm nay, chính phủ Mỹ cũng đã ra đạo luật cho phép các nữ binh sĩ được trực tiếp ra trận, bởi ở chiến trường hay ở sân tennis thì nữ cũng có thể làm được những công việc của nam giới.