Rio 2016: Trung Quốc "thất bại toàn diện"

THÁI VY| 24/08/2016 06:26

Với Rio 2016, Trung Quốc đã trải qua một kỳ Thế vận hội với kết quả chuyên môn tệ nhất trong hai thập kỷ qua và xen vào đó là vô số chuyện tiêu cực.

Rio 2016: Trung Quốc

Với Rio 2016, Trung Quốc đã trải qua một kỳ Thế vận hội với kết quả chuyên môn tệ nhất trong hai thập kỷ qua và xen vào đó là vô số chuyện tiêu cực.

Đọc E-paper

Kết quả chuyên môn tồi tệ

Cụm từ "thất bại tồi tệ nhất" được Tân Hoa xã sử dụng trong những dòng trạng thái trên Twitter từ hôm 17/8, sau khi chứng kiến hàng loạt thất bại ở các môn thể dục dụng cụ - bộ môn thế mạnh của thể thao Trung Quốc tại Rio năm nay.

Tại Rio 2016, Trung Quốc là nước có đoàn vận động viên hùng hậu nhất thế giới với 416 người. Mục tiêu ban đầu của đoàn Trung Quốc là thu thập 36 huy chương vàng, con số tương đương những gì họ làm được ở London 4 năm trước, và kém xa kỷ lục 51 huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Viễn cảnh không mấy thành công ấy đã được dự báo ngay ngày thi đấu đầu tiên, khi cựu vô địch bắn súng Du Li và Yi Siling chỉ giành huy chương bạc và đồng, trong khi vận động viên bơi lội nổi tiếng Sun Yang về thứ hai ở nội dung 400m tự do và sau đó không thể vượt qua thử thách 1.500m tự do.

Trước khi Rio 2016 diễn ra, các quan chức thể thao hàng đầu Trung Quốc đã cảnh báo đoàn thể thao nước họ sẽ gặp vô số thử thách, bao gồm việc không quen thuộc với khu vực Nam Mỹ, sự thay đổi về luật thi đấu ở một số môn và "sự đi xuống" từ sau thời đỉnh cao của Olympic 2008 khi họ chơi trên sân nhà.

"Năm 2001, sau khi Bắc Kinh được chọn tổ chức Olympic 2008, Trung Quốc đã bắt đầu một kế hoạch đào tạo tài năng dài hơi cho sự kiện này. Kế hoạch ấy vẫn tiếp diễn nhưng không còn mạnh mẽ sau năm 2008" - trưởng đoàn quản lý thể thao Trung Quốc Gao Zhidan thừa nhận trên Tân Hoa xã hồi tháng 7. Sau đó, các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc chứng kiến nhiều sự suy giảm kỳ vọng từ người hâm mộ.

Ngoại trừ việc vẫn giữ sự thống trị ở môn bóng bàn, Trung Quốc đã đánh mất cơ hội ở hàng loạt môn thế mạnh, trong đó có cả môn bơi nghệ thuật và cầu lông.

Thua cả chính mình

Hôm 19/8, đoàn điền kinh Trung Quốc đã kiện Ban tổ chức Rio 2016 sau khi bị mất suất vào vòng chung kết của môn 400m chạy tiếp tức 4 người. Sự việc diễn ra sau khi đoàn Mỹ được trọng tài cho phép chạy lại lần hai, từ đó đạt thành tích cao hơn đoàn Trung Quốc. Tân Hoa xã trích lời các vận động viên Trung Quốc tố họ đã bị "chơi bẩn".

Đó chỉ là một trong số rất nhiều sự cố bên lề của đoàn vận động viên Trung Quốc năm nay. Trước đó, ở môn bơi, Sun Yang cũng bị tố "chơi bẩn" với vận động viên nữ của Brazil, và trước nữa, chính Sun Yang cũng làm Trung Quốc mất mặt khi bị Mack Horton của đoàn Úc nói cố tình chơi xấu, quậy phá làm anh phân tâm khi thi đấu.

Ngay từ trước giải, bơi lội Trung Quốc đã bị giáng một đòn nặng khi Chen Xinyi - được mệnh danh "thần đồng", không vượt qua được cuộc kiểm tra chất cấm.

Báo The Times (Anh) hôm 18/8 cho biết, mức tiền thưởng của vận động viên Trung Quốc đã bị rút đi đáng kể so với cách đây 8 năm, một phần nào cho thấy được quy mô đầu tư của nước này.

Theo đó, ở Bắc Kinh 2008, mỗi vận động viên có huy chương vàng của Trung Quốc sẽ có số tiền thưởng 500.000 tệ, tương đương 98.000USD. Tuy nhiên, đến London 2012, số tiền này bị rút một nửa, chỉ còn 250.000 tệ, và năm nay thậm chí chỉ còn 200.000 tệ.

Trong một thống kê của Bloomberg, nếu xét tỷ lệ huy chương trên tổng thu nhập bình quân, Trung Quốc phải tốn trung bình 300USD mới "mua" được một huy chương, trong khi đoàn Anh chỉ tốn chưa tới 50USD.

>Những chiêu "lách" luật quảng cáo tại Olympic Rio 2016

>Tiền thưởng cho những tấm huy chương Olympic Rio 2016

>Olympic Rio 2016: Chờ đón các "tượng đài"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rio 2016: Trung Quốc "thất bại toàn diện"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO