Olympic Tokyo 2020: Nỗ lực giảm kinh phí bất thành

ĐĂNG KHOA| 19/10/2018 06:00

Theo báo cáo của Ban kiểm toán chính phủ Nhật Bản, chi phí tổ chức Olympic Tokyo 2020 có thể lên đến 25 tỷ USD, gấp 4 lần so với dự kiến ban đầu.

Olympic Tokyo 2020: Nỗ lực giảm kinh phí bất thành

Làng VĐV Olympics dự kiến sẽ biến thành khu chung cư sau khi giải đấu kết thúc - Ảnh: Reuters

Nhiều hạng mục chờ rót tiền

Vào năm 2013, khi được trao quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020, các quan chức Nhật Bản cho biết có thể tổ chức sự kiện với khoản kinh phí 7,3 tỷ USD. Đó là một kế hoạch tương đối tiết kiệm nếu so với các kỳ Olympic khác. Nhưng dần dần nó giống như một tác phẩm hư cấu, với sự lạc quan quá mức.

Đến năm 2016, một hội đồng chuyên gia do Thống đốc mới của Tokyo thành lập dự đoán tổng chi phí cho sự kiện thể thao này sẽ vượt qua mốc 30 tỷ USD. Đây là con số đáng kinh ngạc tương tự như Olympic Bắc Kinh 2008 (45 tỷ USD) và Olympic mùa đông Sochi 2014 (51 tỷ USD).

Kể từ năm 2016, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã thông qua cái gọi là "Định mức mới", một loạt cải cách để cắt giảm chi phí tổ chức của Olympic Tokyo 2020. Nhưng kế hoạch này chưa có hiệu lực cho đến Olympic 2024 tại Paris (Pháp). Điều đó có nghĩa việc xử lý lạm phát tài chính hoàn toàn nằm trong tay các nhà chức trách Tokyo.

AP tiết lộ một báo cáo từ Ban kiểm toán Chính phủ Nhật Bản cho biết chi phí cho Olympic 2020 có thể lên đến 25 tỷ USD. Khoảng một tháng sau khi công bố con số 12 tỷ USD, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike chia sẻ thành phố cần thêm 7,2 tỷ USD cho các dự án trực tiếp và gián tiếp khác, chủ yếu bao gồm xây dựng chỗ ở miễn phí cho các vận động viên Paralympic, tình nguyện viên cũng như các dự án quảng bá du lịch.

Trong tuần trước, Ban kiểm toán của chính phủ Nhật Bản đã chi tiêu 7,2 tỷ USD so với 1,3 tỷ USD như dự kiến hồi tháng 12/2017. Tổng chi phí hiện nay theo ước đoán chừng 25 tỷ USD và có thể tăng lên thêm.

Các nhà tổ chức Tokyo đang tranh luận về các con số. Theo AP, hàng loạt dự án của sự kiện đang cần tiền như đẩy mạnh du lịch trong nước, xây dựng đường sá, sử dụng nhiêu liệu hydro hay cải thiện tính chính xác của việc dự báo thời tiết bằng vệ tinh tốt hơn. Người ta tự hỏi chính phủ Nhật Bản có bỏ tiền ra cho các dự án này nếu Olympic không đến Tokyo. Trên tất cả, người dân nộp thuế của Nhật Bản sẽ gánh chịu 80% số tiền trên hóa đơn của Thế vận hội.

Nỗ lực cắt giảm chi phí tổ chức của IOC đến vì hai lý do chẳng mấy hay ho. Thứ nhất ngày càng có nhiều thành phố chẳng mặn mà tổ chức các đại hội thể thao. Chẳng hạn như Oslo (Na Uy) từ bỏ tranh đăng cai Olympic mùa đông 2022. Thứ hai, các công trình xây dựng cho Olympic được sử dụng không hiệu quả sau khi các cuộc tranh tài qua đi.

Chẳng hạn chính quyền địa phương ở Pyeongchang (Hàn Quốc) đã phàn nàn việc bỏ ra hàng triệu USD để bảo trì các tòa nhà của Olympic mùa đông 2018 hay hàng loạt công trình không ai sử dụng ở Rio (Brazil) sau Olympic 2016, trong bối cảnh nền kinh tế Brazil đang khó khăn.

Đáp lại, IOC đã tiết lộ về các "Chuẩn mực mới" nhằm giúp các thành phố đăng cai thu được lợi tức cao hơn từ Olympic và xa hơn là có kế hoạch sử dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả sau khi các sự kiện kết thúc. Trong thông báo hồi tháng 2, IOC cho biết đã giúp Tokyo tiết kiệm 2,2 tỷ USD.

Tokyo nói gì?

Giữa những lo ngại của truyền thông phương Tây, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 tin tưởng sẽ tổ chức một đại hội tiết kiệm. Giám đốc điều hành của sự kiện Toshiro Muto nhấn mạnh Ban tổ chức Thế vận hội đã tiết kiệm được 4,3 tỷ USD nhưng vẫn nỗ lực để cắt giảm thêm.

"Tổng số tiền tiết kiệm cho Olympic 2020 có thể lên đến 4,3 tỷ USD", Muto cho biết trong 1 phiên họp của IOC. Theo Muto, các sáng kiến của IOC và nỗ lực của chính quyền địa phương sẽ giúp Tokyo ngăn chặn việc phát sinh chi phí trong tương lai.

Ngân sách tổng thể của Thế vận hội sau nhiều lần sửa đổi là 12,6 tỷ USD. Trong đó 5,6 tỷ đến từ ngân sách của Ủy ban tổ chức sự kiện. IOC đóng góp 1,7 tỷ USD bao gồm tiền mặt và các dịch vụ liên quan. Muto tiết lộ số tiền tiết kiệm được đến từ việc giảm chi phí xây dựng, tổ chức các sự kiện ngắn hơn.

"Tôi biết rằng ban tổ chức sẽ nỗ lực tiết kiệm chi phí cho đến khi bế mạc Đại hội. Vì vậy, ngân sách sẽ được cân bằng hoặc thặng dư”, John Coates - người đứng đầu Ủy ban điều phối IOC tại Tokyo cho biết.

Muto chia sẻ việc thử nghiệm tổ chức các môn thi đấu đã được lên kế hoạch cụ thể, đặc biệt là bơi lội. Trung tâm thể thao dưới nước, nơi diễn ra môn bơi, nhảy cầu bị chậm tiến độ hoàn thành 2 tháng, tuy nhiên các nhà tổ chức cam kết hoàn thành trước khi sự kiện diễn ra tháng 7/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Olympic Tokyo 2020: Nỗ lực giảm kinh phí bất thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO