OLYMPIC 2016: Cuộc chạy đua của các nguyên thủ quốc gia

HOÀNG NHẬT| 08/10/2009 08:15

Chưa bao giờ cuộc họp của Ủy ban Olympic Quốc tế lại có sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia như cuộc họp tại Copenhagen để chọn ra thành phố đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2016...

OLYMPIC 2016: Cuộc chạy đua của các nguyên thủ quốc gia

Chưa bao giờ cuộc họp của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lại có sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia như cuộc họp tại Copenhagen (Đan Mạch) cuối tuần qua, để chọn ra thành phố đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2016. Điều đó một lần nữa cho thấy các sự kiện thể thao lớn có tầm quan trọng đến thế nào, hay nhìn theo một góc độ khác thì chính trị ngày càng lấn sâu hơn vào thể thao.

Phi nguyên thủ bất thành chiến thắng

Tại Copenhagen, tất cả nguyên thủ của các nước có thành phố tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2016 đều có mặt. Tổng thống Brazil Lula da Silva tới để vận động cho Rio de Janeiro, đoàn đại biểu Madrid thì có sự góp mặt của cả nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos lẫn Thủ tướng Jose Luis Zapatero. Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama dù rất bận rộn sau khi vừa nhậm chức cũng tranh thủ tới để cổ vũ cho Tokyo.

Một người Brasil hóa trang giống Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng tấm hình bà Michelle ăn mừng sự kiện Rio de Janeiro giành quyền đăng cai Olympic 2016

Nhưng nhân vật được chú ý nhiều nhất tại thành phố của nàng tiên cá chính là Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đệ nhất phu nhân Michelle. Cho dù vợ chồng ông Obama đã không thể giúp thành phố quê hương Chicago giành được chiến thắng, song sự có mặt của họ vẫn được xem là một sự kiện gây nhiều ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng tham gia cuộc vận động như thế này.
Trước đây, rất hiếm khi các nguyên thủ quốc gia tham dự cuộc bỏ phiếu chọn ra thành phố đăng cai Olympic. Nhưng sau những cuộc vận động diễn ra gần đây, tất cả đều hiểu rằng, sự góp mặt của các chính khách có ý nghĩa quyết định đối với các lá phiếu bầu chọn.

Năm 2006, người viết đã có mặt trong đoàn nhà báo quốc tế được mời tham quan các hạng mục công trình mà thành phố Sochi của Nga chuẩn bị cho cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic mùa Đông 2014. Khi ấy, hầu hết các thành viên trong đoàn đều không ấn tượng lắm với cơ sở hạ tầng của nơi nghỉ mát bên bờ biển Đen này.

RIO CHIẾN THẮNG NHỜ LULA

Tổng thống Lula và Vua bóng đá Pele chầm lấy nhau khi Chủ tịch IOC Jacques Rogge tuyên bố Rio được quyền đăng cai Olympic 2016

Rõ ràng, việc Rio bất ngờ giành chiến thắng trước các ứng cử viên nặng ký có công rất lớn của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Trong bài phát biểu trước IOC, vị nguyên thủ cánh tả này đã nói: “Đây chính là thời điểm để thắp sáng ngọn lửa Olympic tại một nước nhiệt đới. Rio đã sẵn sàng, hãy cho chúng tôi cơ hội và các vị sẽ không phải hối tiếc. Rio sẽ đem tới một kỳ Thế vận hội không thể nào quên. Đây không chỉ là kỳ Thế vận hội của Brazil, mà còn là của cả Nam Mỹ, của 180 triệu người dân tại lục địa này”.

Khác với ông Obama, tức đến gần ngày bỏ phiếu mới tham gia chiến dịch vận động tranh cử cho Chicago, ông Lula tham gia chiến dịch của Rio từ những ngày đầu, đồng thời luôn tranh thủ mọi cơ hội vận động mỗi khi có chuyến công du nước ngoài. Nói như Tổng thư ký của chiến dịch Rio 2016, Carlos Osorio, thì “Tổng thống Lula thực sự là đội trưởng của một đội bóng”.

Dù xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, song ông Lula cũng đã chứng tỏ tầm vóc của một nhà lãnh đạo lớn với phát biểu mang đầy tính ngoại giao sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc: “Tôi muốn nói rằng, ở đây không có ai là người đánh bại Obama cả. Đó cũng không phải là chiến thắng của Lula, mà là của Rio”.

Nhưng trong cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào đầu năm 2007 tại Guetemala, Sochi đã bất ngờ giành chiến thắng trước hai ứng cử viên nặng ký là Salzburg (Áo) và Pyeongchang (Hàn Quốc). Lần ấy, chính sự hiện diện của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin đã khiến cục diện cuộc đua hoàn toàn đảo lộn. Ông Putin đã có những cuộc vận động hành lang hết sức hiệu quả, đủ để thuyết phục các thành viên IOC dồn phiếu bầu cho Sochi.

Olympic không chỉ là thể thao

Một ví dụ khác, trong cuộc vận động đăng cai Olympic mùa Hè 2012, London đã vượt qua Paris cũng vì trước cuộc bỏ phiếu tổ chức tại Singapore năm 2005, Thủ tướng Anh lúc đó, ông Tony Blair đã có những màn “lobby” hiệu quả hơn so với Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Thế nên, trong những cuộc vận động giành quyền đăng cai Olympic sau này, có lẽ không thể thiếu vai trò của các nguyên thủ quốc gia.

Trong cuộc vận động giành quyền đăng cai Olympic mùa Đông 2002, thành phố Salt Lake (Mỹ) đã sử dụng quà cáp hối lộ các thành viên của IOC để đổi lấy lá phiếu. Sau khi vụ bê bối được phanh phui, IOC đã cấm các thành viên không được đến các thành phố ứng cử. Điều đó buộc các thành phố phải tự vận động, và như thế họ cần tới vai trò vận động hành lang (hợp pháp) của các vị chính khách.

Trong khi đó, các sự kiện thể thao lớn giờ không chỉ đơn thuần là nơi đua tài của các vận động viên, mà nó đã được nâng tầm, xem như là một nhiệm vụ chính trị cao cả đối với bất kỳ quốc gia nào giành quyền đăng cai sự kiện đó. Lịch sử Olympic chứng minh, dù tốn kém nhưng quyền đăng cai Olympic đem lại những lợi thế tuyệt đối cho những nước chủ nhà.

Đằng sau mỗi kỳ Olympic cũng đánh dấu những thông điệp riêng của những quốc gia đăng cai. Năm ngoái, Trung Quốc đã đổ tới 40 tỷ USD để tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh 2008, với những công trình thể thao hiện đại bậc nhất cùng lễ khai mạc hoành tráng nhất trong lịch sử Olympic. Đó chính là dịp để đất nước đông dân nhất thế giới đánh dấu sự chuyển đổi từ một nền kinh tế đang phát triển thành một cường quốc được coi là sẽ dẫn đầu trong thế kỷ XXI...

Cuối cùng, việc Rio de Janeiro giành chiến thắng trong cuộc đua tranh kịch tính và nhiều bất ngờ nhất trong lịch sử tại Copenhagen vừa qua có lẽ cũng đã lý giải tại sao những nền kinh tế mới nổi như Brazil hay Trung Quốc ngày càng có tiếng nói quan trọng hơn tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu, cũng như các định chế tài chính quốc tế, mà cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Pittburg mới đây là một ví dụ điển hình.

VÌ SAO OBAMA THẤT BẠI?

Khẩu hiệu quen thuộc “Yes, we can” mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mang đến Copenhagen đã không giúp ích cho chiến dịch vận động đăng cai của thành phố quê hương ông khi Chicago, thậm chí còn bị loại ngay ở vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Sau cảm giác hụt hẫng là những lời chỉ trích. Theo phe Cộng hòa, đây không phải thời điểm thích hợp cho những chuyến vận động hành lang như vậy, nhất là khi ông Obama còn nhiều việc phải giải quyết với những vấn đề chính trị tại Iran và Afghanistan, còn quốc hội Mỹ thì đang tranh luận quyết liệt về vấn đề cải cách y tế. Bản thân nước Mỹ đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 26 năm qua. Sân vận động cũng như địa điểm thi đấu tốn kém của Chicago khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi trong thời buổi khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

Thêm vào đó, việc bà Michelle sử dụng Air Force 2, còn ông Obama sử dụng Air Force 1 tiêu tốn 1 triệu USD cho 14 giờ bay để tới Copenhagen, mang nặng phong cách của một siêu cường dường như không hợp với tinh thần thân thiện của phong trào Olympic. Điều đó đã tạo ra một tâm lý chung được gọi là ABA (Anybody But America - tạm dịch là bất cứ ai, trừ Mỹ) đối với các thành viên IOC. Và đó chính là lý do khiến Chicago, dù được các nhà cái đặt tỷ lệ cao nhất cho khả năng chiến thắng, rốt cục đã bị loại đầu tiên!

Cũng cần lưu ý thêm một chi tiết nữa, từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 đến nay, Mỹ đã hai lần thất bại trong các cuộc vận động giành quyền đăng cai Olympic mùa Hè, với thất bại của New York cách đây 4 năm, và giờ là Chicago.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
OLYMPIC 2016: Cuộc chạy đua của các nguyên thủ quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO