"Luật Rooney" liệu có khả thi?

THÁI VY| 19/01/2018 06:18

Trong nỗ lực đa dạng hóa ban lãnh đạo ở các tổ chức thể thao, "Luật Rooney" (Rooney Rule) đang được cân nhắc áp dụng cho bóng đá Anh.

Chris Hughton đang là huấn luyện viên da màu duy nhất ở Giải Ngoại hạng Anh Ảnh: Ameyaw Debrah

Liên đoàn bóng đá Anh (FA) ngày 9/1 xác nhận sẽ áp dụng Luật Rooney khi tuyển chọn các vị trí trong ban huấn luyện của đội tuyển Anh trong tương lai. Nhưng cũng như rất nhiều quyết định khác, nó tiếp tục gây tranh cãi về tính khả thi.

Mục tiêu đa dạng sắc tộc

Luật Rooney không phải nhắc tới tên cầu thủ Wayne Rooney, mà là Dan Rooney, ông chủ của đội bóng bầu dục Mỹ Pittsburgh Steelers trước đây, đồng thời là chủ tịch của ủy ban phụ trách vấn đề đa dạng hóa của giải vô địch bóng bầu dục Mỹ (NFL).

Nó ra đời năm 2002, như một phản ứng sau "sự cố” của hai huấn luyện viên Tony Dungy (đội Tampa Bay Buccaneers) và Dennis Green (đội Minnesota Vikings). Khi đó ông Dungy đã có một kỷ lục chiến thắng, còn ông Green mất việc lần đầu tiên sau 10 năm.

Cả hai ông đều là người da màu. Không lâu sau, luật sư về quyền dân sự Cyrus Mehir và Johnnie Cochran công bố một nghiên cứu cho thấy các huấn luyện viên người da màu, bất kể có tỷ lệ chiến thắng cao hơn vẫn ít có khả năng được thuê, cũng như dễ bị sa thải hơn các đồng nghiệp người da trắng.

Các cựu cầu thủ NFL như Kellen Winslow và John Wooten cùng hình thành một nhóm gọi là "nhóm đồng cảm", bao gồm các tuyển trạch viên, huấn luyện viên và quan chức người da màu, để ủng hộ việc thành lập một điều luật bảo vệ họ.

Link bài viết

Luật Rooney, vì thế buộc ban điều hành các đội bóng phải phỏng vấn (thay vì loại hồ sơ) của các ứng viên người gốc Phi, gốc Á và người dân tộc thiểu số (gọi tắt theo tiếng Anh là BAME) khi tuyển mộ các vị trí huấn luyện, dù không đưa ra một số lượng ép buộc phải tuyển mộ họ. Nó không chỉ giới hạn trong thể thao, mà còn ở các ngành khác. Từ khi Rooney Rule được ban hành, tính tới năm 2006, tỷ lệ người Mỹ gốc Phi hoạt động tại các vị trí quản lý, huấn luyện ở NFL đã tăng 22%.

Giám đốc điều hành FA Martin Glenn xác nhận Luật Rooney sẽ được triển khai trên toàn bộ hệ thống bóng đá của nước Anh từ năm 2018, trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa bộ mặt môn thể thao này. Điều này đồng nghĩa ít nhất một ứng viên gốc Phi, Á và người dân tộc thiểu số sẽ được phỏng vấn cho các vị trí huấn luyện từ cấp bậc trẻ cho tới đội lớn, ở cả bóng đá nam lẫn nữ.

Tuy nhiên, đó mới chỉ áp dụng cho hệ thống đội tuyển chứ chưa phải câu lạc bộ. Đến nay, Giải Ngoại hạng Anh vẫn không làm theo luật này.

Có thực sự khả thi?

Trong giai đoạn thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là làn sóng tự tôn dân tộc, Luật Rooney là một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết - không phân biệt mà thể thao muốn truyền tải. Nhưng từ lý tưởng tới thực tế là câu chuyện không đơn giản.

Viv Anderson, cầu thủ da màu từng chơi cho Arsenal và là tuyển thủ da màu đầu tiên của Anh, ủng hộ Luật Rooney. Ông cho rằng đó là tin tốt và tất nhiên đó là một bước tiến. Từ sau thời Viv Anderson, cầu thủ da màu xuất hiện ngày càng đông và đóng góp rất đáng kể cho chất lượng của các giải bóng đá Anh.

"Tất nhiên các ứng viên phải chứng minh khả năng của mình. Họ sẽ phải có chất lượng phù hợp", Anderson nói. Và những cống hiến của các cầu thủ da màu như Andy Cole, Rio Ferdinand và Luther Blisshett đã chứng minh rằng màu da không ảnh hưởng tới chất lượng.

Link bài viết

"Hồi năm 1993, Keith Alexander và tôi là những huấn luyện viên da màu đầu tiên ở Football League (tiền thân Giải Ngoại hạng). Mọi người đã nghĩ rằng đó là một cuộc cách mạng thay đổi bóng đá nhưng 25 năm qua và chẳng có gì cải thiện", ông nói thêm về sự cần thiết của một luật cụ thể như Luật Rooney.

Nhưng đối với Carlton Palmer, một người da màu khác từng 18 lần khoác áo đội tuyển Anh, thì Luật Rooney chẳng phải quá tốt đẹp. Ông nói thẳng rằng luật này chỉ là trò màu mè và sẽ chẳng giúp ích gì.

"Không ngạc nhiên khi nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ 22 trên 482 vị trí huấn luyện cấp cao của bốn hạng đấu cao nhất bóng đá Anh là người da màu và người dân tộc. Nó tạo ra một phản ứng tức thời để giới thiệu Luật Rooney, nhưng đó không phải là đáp án. Nó thật sự chỉ màu mè và không thể hiệu quả”, Palmer nói.

Theo Palmer, ngay bản thân NFL cũng tiến hành phỏng vấn huấn luyện viên da màu nhưng những người này không có kinh nghiệm cần thiết. Tại sao? Vì 95% các công việc huấn luyện vốn dĩ đã bị huấn luyện viên da trắng trước đây "chiếm giữ". Vì thế sẽ cần thêm rất nhiều nỗ lực để tạo điều kiện cho người da màu, chứ không phải chỉ hô hào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Luật Rooney" liệu có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO