Hàng tỷ đôla đang chờ World Cup 2010

04/06/2010 00:26

Lần đầu tiên World Cup đến với châu lục đen, cũng là lúc FIFA, nước chủ nhà và các nhà kinh doanh kỳ vọng gặt hái hàng tỷ đôla từ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Hàng tỷ đôla đang chờ World Cup 2010

Lần đầu tiên World Cup đến với châu lục đen, cũng là lúc FIFA, nước chủ nhà và các nhà kinh doanh kỳ vọng gặt hái hàng tỷ đôla từ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

32 đội bóng hàng đầu thế giới sẽ quy tụ tại Johannesburg (Nam Phi) để tham gia đại tiệc bóng đá 4 năm mới có một lần, khai mạc 11/6 và kéo dài một tháng. Theo BusinessWeek, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) hy vọng thu 1 tỷ USD từ World Cup 2010, trong khi Hiệp hội Bóng đá Nam Phi có cơ hội bỏ túi 80-100 triệu USD. Tính chung, các thương vụ diễn ra trong và bên lề World Cup năm nay có thể đem lại lợi nhuận 3,3 tỷ USD cho các bên.

Để được đăng cai tổ chức World Cup 2010, Nam Phi đã phải bền bỉ vận động từ 1994, năm đầu tiên ông Nelson Mandela trở thành tổng thống. Vì vậy, sự kiện này đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần đoàn kết và tiếp thêm sinh lực cho đất nước.

Các quan chức chính phủ Nam Phi đang hy vọng World Cup sẽ kích thích nhu cầu du lịch, tăng lượng khách viếng thăm từ mức bình quân 11 triệu người mỗi năm lên 15 triệu người vào 2014. Kể từ khi chính thức được phép đăng cai đến nay, Nam Phi đã tạo thêm 450.000 công ăn việc làm trong các dự án hạ tầng. Đây được xem là lực đẩy quan trọng giúp kinh tế phục hồi và tăng tốc thời gian tới.

Khoảng 373.000 khách nước ngoài đã lên kế hoạch tới Nam Phi, thấp hơn so với mức kỳ vọng trước đó là 480.000 người. Tuy nhiên, con số này cũng rất ấn tượng. Đáng chú ý đến đầu tháng 5, các cổ động viên Mỹ - những người từng rất thờ ơ với bóng đá - đã mua tổng cộng 119.000 vé xem World Cup.

Ban tổ chức dự tính sẽ có 26 triệu người ở 24 quốc gia khác nhau theo dõi các trận cầu. Riêng ở Mỹ, cả 64 trận đều được truyền hình trực tiếp trên các kênh ABC/ESPN. Cho dù múi giờ lệch nhau, vị trí địa lý cách xa nhau song fan cuồng khắp nơi trên thế giới sẽ không bị lỡ bất cứ phút thi đấu nào bởi thông tin còn được cập nhật trên các kênh truyền thông online.

Doanh thu quảng cáo vì thế được dự báo tăng mạnh suốt một tháng trái bóng lăn trên các sân cỏ Nam Phi. Trong đó truyền hình vẫn là nơi các thương hiệu lớn bạo chi để quảng bá hình ảnh. Đơn cử như năm 2009, hãng viễn thông Mỹ Verizon chi tới 228 triệu USD cho quảng cáo truyền hình, trong khi mức chi của các đối thủ Sprint là 205 triệu USD và AT&T là 180 triệu USD. Hãng xe Ford, năm qua vẫn chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhưng mức chi cho quảng cáo truyền hình cũng lên đến gần 200 triệu USD, tăng 336% so với 2008.

Kỳ World Cup 2006 tại Đức, riêng tiền bán bản quyền phát sóng các trận đấu đã mang về hơn 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) cho ban tổ chức. 15 nhà tài trợ chính thức đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để được phép quảng bá thương hiệu. Đổi lại, số tiền họ thu được từ việc kinh doanh hình ảnh World Cup lên đến 400 triệu euro, gấp đôi tiền bán vé. Tính chung việc kinh doanh các loại hàng hóa liên quan tới World Cup đã mang về cho ban tổ chức 2 tỷ euro, tăng 25% so với World Cup 2002. FIFA bỏ túi 15-20% trong số này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng tỷ đôla đang chờ World Cup 2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO