Thấy gì từ con số xuất siêu 4 tỷ USD?

Quốc Hùng| 10/01/2022 06:15

Năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD, trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Nhưng ngoài những mặt tích cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa, vẫn có không ít hạn chế mà Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới.

Thấy gì từ con số xuất siêu 4 tỷ USD?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, trong năm 2021 với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%, nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hầu hết nền kinh tế trên thế giới.

Mặt tích cực dễ nhận thấy nhất là con số xuất siêu 4 tỷ USD. Việc giữ được cán cân thương mại ổn định và xuất siêu trong nhiều năm liên tiếp đã góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa của thế giới. Trong những năm trở lại đây, Việt Nam nổi lên là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, nếu nhìn tổng thể thì nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, mặc dù xuất khẩu trong năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD nhưng có đến 70% kim ngạch là của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. DN FDI xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới, nguồn lợi phần lớn thuộc về họ. Tức Việt Nam là quốc gia gia công hàng hóa cho DN nước ngoài, giá trị nhận được xuất khẩu không hề lớn.

Thực tế, trong các ngành hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam như điện tử, dệt may thì đa phần là của DN FDI. Việt Nam chưa có DN công nghệ có thương hiệu toàn cầu, sản phẩm xuất khẩu chính trong ngành này đều đến từ Samsung, Apple... Ngành dệt may, đồ gỗ cũng tương tự, Việt Nam chưa có những thương hiệu trong các ngành hàng này đủ sức dẫn dắt DN nội địa ra thị trường thế giới, đa phần làm gia công cho các thương hiệu lớn ở nước ngoài.

Đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế thế giới trong năm 2021, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy càng bộc lộ rõ sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong quý I và II, hầu hết ngành hàng sản xuất của Việt Nam thiếu nguyên liệu. Đơn cử như với ngành dệt may và đồ gỗ, nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30%, số còn lại phải nhập từ Trung Quốc, Bangladesh và một số nước khác. Thời điểm Trung Quốc đóng cửa biên giới, việc xuất nhập khẩu tê liệt cũng là lúc các DN dệt may Việt Nam gặp vô vàn khó khăn do không đủ nguyên liệu để sản xuất.

Về xuất khẩu, Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, một số nước châu Âu. Thời điểm các thị trường này phong tỏa biên giới, hàng hóa của Việt Nam chịu cảnh ùn ứ tại các cửa khẩu, gây không ít tổn thất đối với DN.

"Những hạn chế kể trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài, chưa có sự ổn định bền vững", ông Nguyễn Chí Hiếu khẳng định.

Theo vị chuyên gia này, thời gian tới, Việt Nam cần phải đa dạng thị trường và các ngành hàng cần tập trung phát triển nhiều hơn tại thị trường trong nước. Việc này sẽ giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu, nếu chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy như thời điểm vừa qua cũng không khiến kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Và để thị trường nội địa thu hút DN trong nước khai thác nhiều hơn, Nhà nước cần kích hoạt nhiều hơn các gói hỗ trợ DN, như giảm, giãn thuế, phí, ưu đãi lãi suất tiền vay ngân hàng...  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thấy gì từ con số xuất siêu 4 tỷ USD?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO