Ảnh minh họa |
Đã không còn lạ gì chuyện hàng hóa của Việt Nam lại được bày bán trong các siêu thị trên thế giới với thương hiệu của quốc gia khác, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.
Trong nhiều năm, Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Thế nhưng, các thương hiệu gạo hàng đầu thế giới lại hầu như không có nhãn hàng nào của Việt Nam. Trong khi Campuchia đi sau Việt Nam rất xa về xuất khẩu gạo, giờ đây thương hiệu gạo của họ lại được thế giới biết tới nhiều.
Trái cây của Việt Nam gần đây xuất được vào một số nước, nhưng nhiều năm vẫn chưa có tên tuổi nào gây ấn tượng với các thị trường khó tính. Những hộp nước trái vải của Trung Quốc trên siêu thị của nhiều nước gợi nhớ một cách xót xa các chương trình "giải cứu trái vải" của Việt Nam. Nguyên liệu trái vải trong những hộp ghi nhãn sản xuất tại Trung Quốc nhiều khả năng là từ Việt Nam, bởi khoảng 90% trái vải tươi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.
Các sản phẩm truyền thống khác của Việt Nam như nước mắm, khô cá các loại xuất hiện trong các siêu thị trên thế giới thường mang tên của những công ty Thái Lan.
Tình trạng ấy buộc phải đặt ra câu hỏi: Tại sao những lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam lại không được chuyển thành thế mạnh trong xuất khẩu nông sản ra thế giới?
Có một nghịch lý là các nghiên cứu thị trường gần đây về thái độ của người tiêu dùng trong nước, hầu hết cho rằng hàng Việt Nam có chất lượng tốt, an toàn. Thực ra, kết quả đánh giá hàng Việt ngày nay tốt hơn nhiều năm trước của người tiêu dùng chỉ là so sánh, mang ý nghĩa ủng hộ hàng nội địa nhiều hơn là tính tới các tiêu chuẩn chất lượng và thị trường khi hội nhập quốc tế. Sự cố gắng phát triển thị trường nội địa của nhiều doanh nghiệp thời gian qua là đáng khích lệ. Tuy nhiên, để hàng Việt Nam vươn ra thế giới, khẳng định được giá trị, vấn đề phải được minh định một cách khách quan với các tiêu chuẩn quốc tế cụ thể.
Theo giới chuyên gia kinh tế, vấn đề đầu tiên là tầm nhìn của doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ xoay quanh thị trường trong nước. Đôi khi slogan, khẩu hiệu của doanh nghiệp tuy hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, tới thị trường thế giới thực chất cũng chỉ là dành cho người tiêu dùng nội địa vốn có tâm lý chuộng hàng ngoại. Khi nghe giới thiệu đây là hàng Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản thì người tiêu dùng dễ tin vào chất lượng của sản phẩm cũng như chấp nhận mức giá cao hơn.
Với hàng hóa xuất khẩu là nông sản tươi hay chế biến thì Việt Nam lại đang đối mặt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn gần đây, có thông tin một lô tương ớt bị thu hồi do chứa phụ gia Acid benzoic cấm dùng trong thực phẩm tại Nhật Bản. Mặt dù Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thông báo chính thức về việc sử dụng Acid benzoic trong thực phẩm là hợp pháp tại Việt Nam song một số chuyên gia cho rằng Bộ Y tế cũng nên nghiên cứu lại quy định theo tiêu chuẩn quốc tế về các phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta.
Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến không ít lô hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vượt mức cho phép về an toàn thực phẩm bị các quốc gia nhập khẩu trả lại. Ngay cả việc bảo vệ môi trường trong đánh bắt và nuôi thủy hải sản ở Việt Nam cũng bị "thẻ vàng" của Cộng đồng Châu Âu. Vấn đề là hiện tượng này đã xảy ra không còn hiếm nhưng sự khắc phục và cơ chế kiểm soát của cơ quan chức năng ở Việt Nam tỏ ra ít hiệu quả.
Một kết luận cần phải được rút ra và thực thi triệt để không chỉ với giới doanh nghiệp mà còn với cả các cơ quan chức năng liên quan tới việc xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, đó là đánh giá đúng người tiêu dùng và thị trường nước ngoài khi làm ăn với họ.
Một chỉ dấu khác liên quan đến tầm nhìn của doanh nghiệp, đó là mức chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn rất thấp. Theo báo cáo của World Bank năm 2017, mức chi cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam kém hơn so với Campuchia và thuộc top dưới trong các nước Đông Nam Á.
Với tầm nhìn phần nào bị bó hẹp và năng lực cạnh tranh quốc tế hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam đang chậm chân ở thị trường EU và các thị trường khó tính.