TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM |
Đó là ý kiến của TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về đề án chính quyền đô thị mà TP đã trình Quốc hội, chờ thông qua ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tới đây. Báo Doanh nhân Gài Gòn trao đổi với TS. Trần Du Lịch để làm rõ hơn vấn đề này.
Không bỏ đi vai trò giám sát
* TP.HCM theo đuổi Đề án chính quyền đô thị suốt 13 năm và nhiều lần trình Quốc hội, cho đến lần này vẫn còn những ý kiến tranh luận chưa đồng nhất về vai trò giám sát khi không tổ chức HĐND quận, phường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Trần Du Lịch:
Đây không phải là vấn đề mới, Thành phố đã thí điểm trong 6 năm, đã tổng kết việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường thì chức năng của HĐND chuyển giao qua HĐND hoặc UBND thành phố, UBND quận, phường.
Vấn đề dư luận còn chưa thống nhất là vai trò giám sát của HĐND cấp quận, phường đối với UBND cũng như đời sống kinh tế xã hội trên địa bàn như thế nào. Tuy nhiên, trong đề án cũng như giai đoạn thí điểm đã tổng kết, đánh giá, việc này không phải tổ chức thêm bộ máy mà sắp tới đây tổ chức đại biểu HĐND cấp thành phố, hình thành những tổ đại biểu ở các quận, huyện. Những tổ đại biểu này thực hiện giám sát hoạt động của chính quyền không chỉ cấp thành phố mà toàn bộ hệ thống hành chính từ thành phố xuống phường. Ngoài các tổ đại biểu, vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc, tổ khu phố thì lâu nay cũng làm chưa tốt.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt cả ba tổ chức trên thì chức năng giám sát của HĐND cấp quận, phường được đảm bảo bằng một hệ thống định chế khác chứ không bỏ đi vai trò này.
Thành phố Thủ Đức mới hoàn toàn khác chức năng nhiệm vụ của một quận, huyện. |
Không đẻ thêm bộ máy
* Chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của HĐND quận, phường như vậy có gây thêm gánh nặng cho UBND, thưa ông?
TS. Trần Du Lịch:
Lâu nay HĐND cấp quận, phường không quyết định được những nội dung liên quan đến ngân sách, biểu quyết những cái mà cấp trên đã thông qua. Như vậy HĐND thành phố cần phân bố ngân sách công khai, minh bạch cho toàn bộ hệ thống.
Tôi nói lại, đề án không tổ chức HĐND quận, phường là tổ chức sắp xếp lại bộ máy chứ không đẻ thêm bộ máy, cũng không làm quá tải nhiệm vụ của UBND. Mà đây là tổ chức lại chức năng của hệ thống dân cử, nhất là vai trò chức năng của HĐND, đại biểu HĐND trên địa bàn.
Hơn nữa, đề án chính quyền đô thị của TP.HCM, bên cạnh nội dung không tổ chức HĐND cấp quận, phường, thì nội dung rất quan trọng là thành lập thành phố Thủ Đức mới trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức. Trước đây, việc tổ chức các đô thị trực thuộc nằm trong đề án chung của chính quyền đô thị, bây giờ nội dung này đã tách thành một đề án cấu phần.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là tổ chức lại bộ máy hành chính phù hợp đối với thành phố Thủ Đức mới. Thành phố Thủ Đức có một cấp chính quyền có HĐND và UBND, dưới đó là cơ quan hành chính cấp phường không phải một cấp chính quyền.
Tôi cho rằng, khi đề án được thông qua cũng cần tính ngay đến cơ chế phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố Thủ Đức trong tương lai như thế nào để phát huy tính tự chủ của họ. Đây là công việc thành phố phải triển khai để kịp thời thông qua khi tổ chức bầu cử HĐND trong nhiệm kỳ tới.
Yêu cầu của mô hình này là tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hành chính nói chung để nâng cao hiệu quả chứ không phải đơn thuần chỉ có chuyện bỏ HĐND cấp quận, phường. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại Nghị quyết 54 của Quốc hội về phân quyền, phân cấp cho TP.HCM, sau đó xin phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực khác để cùng với tổ chức chính quyền đô thị hiện nay nằm trong một hệ thống chung những nội dung gọi là xây dựng bộ máy tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nhất là đô thị lớn như TP.HCM.
Tổ chức tốt mô hình chính quyền đô thị thành phố Thủ Đức để rút kinh nghiệm cho các nơi khác. |
Khác chức năng, nhiệm vụ của một quận, huyện
* Vừa qua khi trình dự thảo Đề án, Bộ Nội vụ cho rằng cần xem lại, ban hành thêm cơ chế cho HĐND TP.HCM khi đề án được thông qua? Ông có đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ?
TS. Trần Du Lịch:
Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố trong Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất đầy đủ, tôi nghĩ không cần bổ sung. Vấn đề là cần tăng đại biểu chuyên trách, nhấn mạnh những nhiệm vụ giám sát của HĐND ở cấp TP. Riêng với thành phố Thủ Đức, chúng ta vận dụng mô hình HĐND cấp huyện, cấp quận nâng lên với quyền hạn lớn hơn để họ tự quyết, phân cấp cho họ quyết định, nhất là trong vấn đề quy hoạch, triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, thủ tục hành chính… Những vấn đề mà hiện nay phải chạy lên các sở thì phân cấp, phân quyền cho họ, để giảm tải những hoạt động chức năng quản lý nhà nước của các sở. Các sở thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát, kiểm tra về công vụ, còn phân cấp, phân quyền cho chính quyền của thành phố Thủ Đức thực thi để nâng cao tính năng động, sáng tạo của họ.
Tôi nói rõ, nếu giữ chức năng các quận, huyện hiện nay, đơn thuần cộng “ba ông” lại thì không phải, mà phải là một “ông” mới hoàn toàn khác về chức năng, nhiệm vụ.
Như vậy, việc tổ chức cho tốt một mô hình chính quyền đô thị thực sự của thành phố Thủ Đức, đó mới là vấn đề trọng tâm cần phải làm để rút kinh nghiệm cho các nơi khác.
* Xin cảm ơn Ông.