Sôi nổi không khí sản xuất đầu năm
Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hầu hết các doanh nghiệp và người lao động đều khẩn trương vào guồng làm việc với tâm thế hào hứng, phấn khởi, thể hiện quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Theo kết quả điều tra của các doanh nghiệp ngành công nghiệp, xu hướng quý I/2024 so với quý IV/2023, có 29,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 43,4% số doanh nghiệp (DN) dự kiến có đơn hàng ổn định và 27,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Thông tin trên đã làm tăng thêm khí thế và tinh thần lạc quan cho doanh nghiệp. Thông tin từ Tập đoàn Vingroup cho hay, bắt đầu từ mùng 6 Tết, công ty đã bắt tay vào làm việc khẩn trương để chuẩn bị cho sự kiện ngày 25/02/2024 – VinFast Auto động thổ Dự án Cơ sở Sản xuất Xe điện Tích hợp tại Thành phố Thoothukudi, bang Tamil Nadu (Ấn Độ) hướng đến mục tiêu chung thúc đẩy phát triển giao thông xanh tại Ấn Độ và khu vực, dự kiến tạo ra khoảng 3.000 đến 3.500 việc làm cho thị trường lao động địa phương, thể hiện cam kết của VinFast trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Theo thông tin từ báo điện tử Công An nhân dân, những ngày đầu năm 2024 tại Công ty Mật ong Xuân Nguyên, đơn đặt hàng từ các một số siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ khá rộn ràng. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Giám đốc Công ty, Xuân Nguyên cho hay, Công ty vẫn chỉ tập trung việc giữ các khách hàng truyền thống song song với xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường châu Á. Ông cho biết thêm, mặc dù có nhiều dự báo kinh tế lạc quan hơn và kỳ vọng sức mua của thị trường sẽ tốt hơn năm 2023 nhưng chúng tôi cũng lường trước những thách thức phải đối mặt, do đó Xuân Nguyên không đặt nặng chỉ tiêu lợi nhuận mà chủ yếu chia sẻ lợi ích cho các khâu trong chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên cho các hộ nông dân cung ứng nguyên liệu và công nhân viên.
Bên cạnh việc duy trì chất lượng cho các sản phẩm đã có thương hiệu như mật ong, tinh bột nghệ, Xuân Nguyên cũng đang có kế hoạch tuyển dụng thêm hơn 100 lao động để phát triển nhóm sản phẩm mới là trái cây sấy và nước ép trái cây; mở rộng liên kết với các hệ thống phân phối sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Phát triển thị trường tiêu thụ chính là giải pháp để tăng công suất của các trang trại, tăng thêm việc làm cho lao động nông thôn ở các vùng nguyên liệu của Xuân Nguyên.
Khác với tình cảnh như năm 2023, năm nay ngành dệt may đã nhận được nhiều tín hiệu khả quan. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận được đơn hàng đảm bảo việc làm cho công nhân đến hết tháng 7/2024, đơn cử Công ty CP May Vinatex Đà Nẵng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm đơn hàng và tuyển dụng thêm 200-300 công nhân. DN cũng phấn đấu tăng thu nhập cho người lao động từ 1-2 triệu đồng/người/tháng so với 2023.
Cùng chung không khí sôi động trên, sáng 15/2, tại Công ty CP Lộc Trời, đồng loạt 1 nhà máy thuốc bảo vệ thực vật, 1 nhà máy phân bón, 1 nhà máy bao bì cùng 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường trong nước và quốc tế sẽ sẵn sàng cho sản xuất.
Chia sẻ trên báo Công lý, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lộc Trời chia sẻ: “Tập đoàn Lộc Trời đã trúng gói thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với hơn 60 nghìn tấn gạo trong tổng số 500 nghìn tấn. Đến nay, Lộc Trời đã lấp đầy đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Các khách hàng từ thị trường truyền thống vẫn duy trì và thậm chí tăng đơn hàng so với năm cũ. Ông Thòn cho biết thêm, ngay những ngày đầu năm 2024, Công ty đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Do vậy, Công ty đã chủ động lên kế hoạch tái sản xuất sớm sau Tết. Theo đó, 3.600 nhân sự của hệ sinh thái sản xuất Tập đoàn Lộc Trời đã có mặt tại các nhà máy để đảm bảo tái khởi động sản xuất. Các nhà máy đang nỗ lực tổ chức sản xuất đảm bảo các đơn hàng đã ký trước Tết.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất (huyện Củ Chi, TP.HCM) cũng đang có nhiều công nhân làm việc. Mọi người tất bật kiểm tra lại tất cả những công đoạn compound, phôi, kiểm tra máy lưu hóa, xông nhiệt trước... để sẵn sàng khởi động lại toàn bộ hoạt động sản xuất ngày hôm nay. Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó giám đốc Công ty Thống Nhất chia sẻ, toàn công ty có 980/1.060 công nhân trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Hoạt động sản xuất sẽ diễn ra đồng bộ trên tất cả các dây chuyền của Công ty.
Năm qua, nhiều đơn hàng của Công ty bị dừng đột ngột hoặc thiếu cục bộ tại một số thời điểm nhất định. Do vậy, để khắc phục những khó khăn đã xảy ra, ngay từ tháng 9/2023, Công ty đã xúc tiến nhiều thị trường mới nhằm tiếp cận thêm đối tác xuất khẩu.
Cùng với đó, việc khởi động sớm hoạt động sản xuất cũng sẽ giúp Công ty có thêm thời gian giao hàng, hạn chế rủi ro từ các cuộc xung đột tại khu vực Biển Đỏ, có nguy cơ ảnh hưởng đến thời gian giao vận, logistics toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh với 13.536 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn. Các động lực về đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn, bao gồm xung đột quân sự, kiểm soát lạm phát ở các nước phát triển. Lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng một số nền kinh tế lớn được dự báo vẫn duy trì thắt chặt tiền tệ.
Do các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam vẫn phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, cùng đó diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam. Vì thế, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm nay dự báo vẫn tăng so với năm 2023 nhưng tốc độ thấp hơn đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.