Thanh Hóa thu ngân sách đạt hơn 21.000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2025
Trong 5 tháng đầu năm 2025, kinh tế tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng ổn định. Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đạt 21.295 tỷ đồng, tương đương 46,8% dự toán năm và bằng 87,5% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực duy trì nguồn thu trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức.
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững. Tính đến ngày 15/5/2025, toàn tỉnh đã thu hoạch 27.226 ha cây trồng vụ Xuân, đạt 14,1% kế hoạch năm.
Hoạt động chăn nuôi duy trì ổn định, không ghi nhận dịch bệnh nguy hiểm; công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đảm bảo tiến độ. Trong tháng 5, tỉnh trồng mới 1.400 ha rừng tập trung và 160.000 cây phân tán, thúc đẩy mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước đạt 18.647 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 5 tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 19 sản phẩm công nghiệp chủ lực, có 12 sản phẩm tăng trưởng mạnh mẽ, tiêu biểu như xi măng tăng 51%, giày thể thao tăng 28%, sắt thép tăng 20,2%, quần áo may sẵn tăng 13,6%, phân bón tăng 12% và gạch xây dựng tăng 15,4%.

Sự khởi công và vận hành nhiều dự án quy mô lớn tại Khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm đạt 797,4 triệu kWh, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Công tác quản lý xây dựng được tăng cường, chỉ số giá xây dựng được công bố đều đặn, công tác quy hoạch chi tiết và phân khu chức năng được đẩy nhanh tiến độ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 5 tháng đạt khoảng 18.239 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 2.844,7 triệu USD, tăng 24% so cùng kỳ và đạt 35,6% kế hoạch năm. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu đạt 4.170 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch Thanh Hóa ghi nhận bước tiến ấn tượng với 1,953 triệu lượt khách trong 5 tháng đầu năm, tăng 7,6% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 101.700 lượt. Doanh thu từ du lịch trong tháng 5 ước đạt 6.122 tỷ đồng, tăng 35,4%, đưa Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ hai toàn quốc về lượng khách và doanh thu trong dịp lễ 30/4 - 1/5.
Các điểm du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến đã tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Ngành vận tải cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực, với lượng hành khách tăng 13,2%, hàng hóa tăng 17,3%, và tổng doanh thu vận tải ước đạt 2.020 tỷ đồng, tăng 20%.
Thu ngân sách nhà nước đạt 21.295 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 12.607 tỷ đồng (bằng 45,9% dự toán), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 8.688 tỷ đồng (bằng 48,3% dự toán). Mặc dù tổng thu giảm nhẹ so với cùng kỳ do tác động của chính sách giảm thuế và biến động giá dầu thô, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững nguồn thu.
Chi ngân sách địa phương đạt 19.961 tỷ đồng, bằng 37,2% dự toán, tăng 16,9% so cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy tích cực, đạt 3.475 tỷ đồng (tương đương 24,4% kế hoạch), tăng 4% so với tháng trước, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm.
Trong tháng 5, có 65 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.105 tỷ đồng, tuy giảm 59% về số lượng nhưng tăng 40,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng, toàn tỉnh có 1.242 doanh nghiệp thành lập mới (đạt 41,4% kế hoạch năm), vốn đăng ký 8.951 tỷ đồng, tăng 40,4%. Có 365 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 1.032, tăng 25% so cùng kỳ.
Tỉnh đã thu hút 09 dự án đầu tư trực tiếp trong tháng 5, gồm 02 dự án FDI với tổng vốn 173,8 triệu USD và 07 dự án trong nước với vốn đăng ký 4.201 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, Thanh Hóa thu hút 40 dự án đầu tư trực tiếp (5 dự án FDI với vốn 198,6 triệu USD, tăng 10,5%; 35 dự án trong nước với vốn đăng ký 4.922,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, có 02 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn thêm 54,7 triệu USD; 04 nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn 13,8 triệu USD.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa ghi nhận cải thiện tích cực, giúp tỉnh vươn vào nhóm ba địa phương cải cách mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2005 - 2024. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.