Thăm San Francisco và chuyến du hành về quá khứ thú vị

P. NGUYỄN DŨNG| 31/10/2016 06:50

Thành phố sinh ra từ một "cơn sốt" đi tìm vàng những năm 1800 và tưởng đã bị vùi sâu vào quá khứ với trận động đất kinh hoàng cách nay 110 năm.

Thăm San Francisco và chuyến du hành về quá khứ thú vị

Trái với nhiều điểm đến du lịch trên đất Mỹ, các tháng hè không phải là thời điểm lý tưởng để du khách đến thăm San Francisco, thành phố sinh ra từ một "cơn sốt" đi tìm vàng hồi giữa những năm 1800 và tưởng đã bị vùi sâu vào quá khứ với trận động đất kinh hoàng cách nay 110 năm.

Đọc E-paper

Cable car, một trong những biểu trưng của San Francisco

Vì mùa hè ở San Francisco rất "quái", sương mù dày đặc, gió lạnh như cắt vào da thịt (nhà văn Mỹ Mark Twain từng phê bình: mùa đông lạnh nhất mà tôi nếm trải là mùa hè ở San Francisco). Để thưởng ngoạn San Francisco, bạn nên đến đây vào mùa thu, thời tiết ấm áp hơn.

Ấn tượng đầu tiên

Lâu nay, nhiều du khách khi nghe nói đến San Francisco thì nghĩ ngay đến hình ảnh biểu trưng của thành phố này. Đó là cầu Cổng vàng (Golden Gate) dài 1,7 dặm với màu nâu đỏ nổi bật trên nền xanh lá của biển Thái Bình Dương và màu xanh cây của các ngọn đồi phía bên Martin Highlands. Nhưng từ châu Á bay đến và hạ cánh lúc bình minh, sau khi làm thủ tục nhập cảnh, đoàn khách không thể đến khách sạn nhận phòng ngay được, mà phải chờ đến trưa hoặc đầu giờ chiều, có khi đi thăm thú, ăn tối xong mới về khách sạn nghỉ đêm. Cho nên, hầu như mọi tour tham quan San Francisco (còn được nhiều du khách quen gọi ngắn gọn, thân thương là SF, là San Fran hoặc Frisco trước sự bất bình của cư dân San Francisco thực thụ) và vịnh cùng tên đều bắt đầu ở Lombard Street, nổi tiếng là con đường ngắn nhưng... ngoằn ngoèo, uốn khúc nhất thế giới.

Nếu như mỗi năm toàn vùng Vịnh San Francisco đón tiếp khoảng 23 - 24 triệu du khách thì riêng Lombard Street mỗi năm là điểm tham quan của hơn 2 triệu khách. Từ sáng sớm đến quá nửa đêm, dòng xe lên, xuống liên tục, du khách cũng rầm rập lên, xuống trên các bậc thang ở hai bên đường như biến Lombard Street thành một điểm giải trí chứ không còn là khu dân cư khá giả.

Phố Lombard chỉ dài có 600 foot (tương đương 182,88m) nhưng hàng xe chở đoàn du khách muốn được một lần trong đời vừa di chuyển vừa ngắm cảnh đẹp trên con đường khúc khuỷu nhất thế giới thì kéo dài cả mấy dãy nhà trong khu phố Russian Hill. Sườn đồi dốc 27 độ trong khi xe hơi thời xưa không đủ mạnh để lao nhanh lên cao là lý do chính vì sao con đường này đã được xây dựng vào năm 1922. Theo dòng thời gian, người dân sinh sống quanh con đường lát gạch đỏ này đã tô điểm cho nó trông đẹp đẽ hơn vào mùa xuân và mùa hè với những vườn hoa hồng, hoa cẩm tú.

Cầu Cổng vàng

Rồi bưu thiếp, phim truyện màn ảnh rộng, phim quảng cáo trên màn ảnh nhỏ, trạm xe dây cáp và cảnh đẹp tự nhiên của con đường đã hợp lực biến nó thành một điểm tham quan thú vị của bất cứ ai đến San Francisco du lịch, không khác gì đi du lịch Paris (Pháp) thì phải rảo bộ trên Champs Élysées hoặc đến Barcelona (Tây Ban Nha) thì dạo mát ở phố đi bộ La Ramblas. Chỉ có điều du khách ngày càng nhiều khiến cuộc sống của cư dân địa phương bị xáo trộn. Không thể quên nhắc rằng phong trào hippie khơi nguồn từ đây với Mùa hè tình yêu năm 1967 cũng đã góp phần làm cho San Francisco nổi tiếng thế giới.

Hành trình thú vị tìm về quá khứ

Có những du khách nhận xét ở Bờ Tây nước Mỹ, San Francisco là nơi đáng đến thăm hơn Los Angeles dù cho lắm lúc sương mù dày đặc gây cản trở không ít. Quả thật thành phố này có nhiều điểm tham quan thú vị như những hành trình ngắn vào quá khứ. Du khách châu Á đến San Francisco không bao giờ bỏ qua Chinatown vì Phố Tàu này được cho là lớn nhất, lâu đời nhất ở toàn Bắc Mỹ. Nhưng ít du khách biết rằng tại San Francisco còn có một "town" độc đáo khác cũng rất đáng đến thăm là Japantown (phố Nhật). Trải dài suốt 10 dãy nhà, đây là một trong số ba Japantown còn lại trong toàn nước Mỹ.

Những ai từng thích xem các phim hình sự Alcatraz (Clint Eastwood đóng vai chính), The Rock (Nicolas Cage, Sean Connery đóng) chắc chắn không bỏ qua cơ hội tham quan "nhà đá”, một nhà tù trên hòn đảo nhỏ Alcatraz cách San Francisco khoảng 2km, từng là nơi giam cầm những phạm nhân khét tiếng, chẳng hạn như trùm găng-tơ Al Capone. Trước đây nổi danh là một trong những nhà tù kiên cố nhất thế giới, không có tù nhân nào trốn ra khỏi, Alcatraz nay là bảo tàng đón khách tham quan.

Lombard Street, con đường ngoằn ngoèo nhất thế giới

Rồi còn là chụp ảnh hoặc đi bộ trên cầu Cổng vàng, tham quan hai địa danh sông nước rất nổi tiếng là Fisherman's Wharf (bến ngư phủ) và Embarcadero (bến tàu) vừa mới được ghi vào danh sách những di tích quốc gia Mỹ có nguy cơ bị hủy cần được bảo tồn kỹ. Nếu có thời gian, bạn nên thuê xe đạp tại Fisherman's Wharf để từ từ tham quan cảnh thiên nhiên trải dọc suốt 13km  đến cầu Cổng vàng và kết thúc tại thị trấn Sausalito ở phía bên kia cầu. Bạn gửi lại xe đạp tại đó và lên phà trở về Fisherman's Wharf. Muốn quan sát toàn cảnh trung tâm San Francisco tỏa sáng lúc hoàng hôn thì nơi phải đến là Twin Peaks tọa lạc trên cao của làng Castro. 

Trái cây, thực phẩm, đồ lưu niệm và hàng mỹ nghệ San Francisco có thể tìm mua dễ dàng trong khu chợ Ferry Building Marketplace. Đối với những du khách thích uống vang thì San Francisco cũng là điểm khởi hành lý tưởng tìm đến những lò sản xuất vang nổi danh trong Napa Valley, một trong những vựa nho đã giúp vang California xuất hiện trên bản đồ vang thế giới từ những năm 1970.

Nếu du lịch San Francisco, chắc chắn bạn cũng sẽ trở thành một trong số 6 triệu du khách vẫn mỗi năm thử trải nghiệm chuyến du hành tìm bầu không khí xưa bằng cách di chuyển lên xuống các ngọn đồi trên một chiếc cable car (xe dây cáp). Đây là loại xe vận hành bằng hệ thống cáp ngầm dưới lòng đường, khác với những chiếc street car (còn gọi là tramway hoặc trolley) chạy bằng điện hiện vẫn còn hoạt động ở trong khu phố du lịch Marketplace và Embarcadero. Bạn biết không, chiếc cable car đầu tiên chạy thử vào tháng 8/1873 để đến thời cao điểm năm 1890 thì toàn San Francisco đã có đến 8 công ty chia nhau khai thác 22 tuyến xe cáp. Hồi ấy cable car là phương tiện vận chuyển công cộng số một của cư dân thành phố, nay chỉ còn lại 3 tuyến, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Nhưng các toa xe cáp đều được công nhận thuộc Di sản lịch sử quốc gia Mỹ từ năm 1964.

Những con đường dốc nổi tiếng ở San Francisco

Năm 2017, San Francisco không chỉ kỷ niệm 50 năm phong trào Hippie mà còn mừng 70 năm cư dân chung sức bảo tồn cable car khỏi bị hủy bỏ. Hãy chuẩn bị lên đường. Bây giờ, từ Việt Nam bạn có thể bay đến Singapore rồi nối chuyến bay non-stop hằng ngày của Singapore
Airlines đến San Francisco. Hãng mới khai trương đường bay liên lục địa này vào ngày 23/10/2016.

>>Câu chuyện đằng sau những kỳ nghỉ dài của nước Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thăm San Francisco và chuyến du hành về quá khứ thú vị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO