Quốc tế

Tàu "ma" chở dầu để né trừng phạt và buôn lậu đang ngày càng tăng

Bảo Quân 03/10/2023 17:00

Để né lệnh trừng phạt của phương Tây, số lượng tàu "ma" hoạt động ngầm trên biển đang càng tăng.

Theo yêu cầu từ Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và một nghị quyết hàng hải được gần 200 quốc gia ký kết năm 2015, mọi tàu lớn đều phải trang bị và vận hành máy tiếp sóng vệ tinh, còn gọi là hệ thống nhận dạng tự động (AIS).

Hệ thống này sẽ phát dữ liệu về danh tính con tàu cùng vị trí hàng hải để ngăn va chạm, hạn chế rủi ro đến từ sự cố ngoài ý muốn cũng như hành vi có thể phạm pháp. Mọi quốc gia ký nghị quyết có nhiệm vụ buộc tàu trong lãnh hải của mình thực thi yêu cầu này.

Đến trước năm 2022, mọi chuyện dường như vẫn tốt khi hầu hết tàu đều tuân thủ quy định phát sóng vị trí GPS. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều tàu chở dầu dường như đang "cố tình" tắt bộ phát hoặc làm giả thông tin GPS trên AIS - điều có thể khiến một con tàu báo cáo nó đang ở nơi này, nhưng thực tế lại ở địa điểm khác cách đó hàng trăm dặm.

Trước đây, việc làm giả thông tin GPS trên biển tương đối phức tạp, chỉ các quốc gia có công nghệ phát triển mới thực hiện được. Tuy nhiên, với những tiến bộ công nghệ ở thời điểm hiện tại, người ta chỉ cần bắt chước cách vận hành các mạng ảo VPN như trên điện thoại di động, là có thể đánh lừa hệ thống GPS.

Các trường hợp được cho là đã sử dụng thủ thuật này để biến tàu của mình thành tàu "ma", gồm tàu Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng được bảo vệ ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ; tàu chở dầu ghé cảng của Iran hay tàu container che giấu chuyến đi đến Trung Đông. Một quan chức tình báo không tiết lộ tên của Mỹ cho biết, chiến thuật GPS giả này còn thường được sử dụng trong buôn lậu vũ khí và ma túy.

thue-tau-ma-cho-dau-de-ne-trung-phat-va-buon-lau.jpg
Một tàu chở dầu do Nga thuê ở vùng biển ngoài khơi Ma Rốc

Theo thông tin từ công ty dữ liệu hàng hải Windward, năm ngoái có hơn 500 vụ tàu "ma" làm giả thông tin GPS để che giấu vị trí thật. Đến năm 2023, chỉ trong 6 tháng đầu, số lần thao túng vị trí của các tàu chở dầu và tàu chở hàng khô như ngũ cốc đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và 82% so với cùng kỳ năm 2021.

Bình luận về vấn đề này, ông John Lusk - CEO của Spire Maritime, một công ty chuyên cung cấp dữ liệu cho chính phủ và doanh nghiệp tư nhân nói, ông đã bắt đầu thấy sự tập trung nhiều hơn vào ngành hàng hải vì các lệnh trừng phạt. Do các tàu "ma" này, rất nhiều hoạt động vận chuyển bất hợp pháp đang gia tăng.

Không chỉ ông Lusk, nhiều chuyên gia phân tích và quan chức an ninh phương Tây cũng cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp trên nhập khẩu năng lượng Nga do chiến sự Ukraine, có thể thúc đẩy hoạt động thương mại ngầm, kéo theo cả một nền kinh tế "bóng tối" với quy mô lớn, đẩy can thiệp hàng hải lên mức cao chưa từng thấy.

Che đậy hàng hóa được vận chuyển

Cuối năm ngoái, G7 và Úc đã áp giá trần với dầu thô có nguồn gốc từ Nga ở mức 60 USD/thùng, nhằm hạn chế doanh thu của Moscow. Tuy nhiên, theo ông Ami Daniel - CEO của Windward, giá trị thu được từ hoạt động vận chuyển dầu bất hợp pháp của Nga có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Windward cho biết, công nghệ của họ đã xác định được hơn 1.100 tàu "ma" chở dầu có liên quan đến Nga.

Đó là hàng triệu thùng dầu. 500 tàu có thể chở 800 triệu thùng, với giá 60 USD/thùng. Theo tính toán của tôi, có vẻ như là 48 tỷ USD.

Ami Daniel - CEO của Windward

Dữ liệu của công ty này cũng cho thấy, số lượng tàu hoán đổi dầu tăng lên ở khu vực biển Alboran phía Bắc Ma Rốc, từ khi Nga tấn công toàn diện Ukraine. Việc hoán đổi này cho phép một tàu lấy dầu từ một tàu khác, mà không cần điều tra giá mua dầu cũng như có thể che giấu nguồn gốc của hàng hóa.

Không chỉ vậy, đầu tháng 9 qua, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã thu giữ gần 1 triệu thùng dầu thô của Iran vi phạm lệnh trừng phạt, kết án chủ tàu Suez Rajan Limited 3 năm quản chế và phạt gần 2,5 triệu USD. "Những người tham gia kế hoạch này đã cố gắng che giấu nguồn gốc của dầu, bằng cách sử dụng dịch vụ vận chuyển từ tàu này sang tàu khác, báo cáo hệ thống nhận dạng tự động sai, tài liệu giả mạo và sử dụng nhiều phương tiện mờ ám khác", Bộ Tư pháp Mỹ viết trong một thông cáo trực tuyến.

thue-tau-ma-cho-dau-de-ne-trung-phat-va-buon-lau-1.jpg
Lệnh trừng phạt áp trên nhập khẩu năng lượng Nga do chiến sự Ukraine có thể thúc đẩy hoạt động thương mại ngầm, đẩy can thiệp hàng hải lên mức cao chưa từng thấy

Trong khi đó, Spire Maritime đã xác định và theo dõi 50 hãng vận tải dầu thô rất lớn, mà họ cho rằng đã che đậy vị trí để vận chuyển dầu từ Venezuela. Hiện Mỹ đang áp trừng phạt với Venezuela, nhưng Spire Maritime ước tính 108 triệu thùng dầu trị giá khoảng 8 tỷ USD đã được chuyển từ Venezuela sang Đông Á trong 8 tháng qua.

Dù các tàu chở dầu ma thường được trông thấy ở vùng biển quanh các mỏ dầu của Angola, dữ liệu từ công ty này cho biết, vị trí thực tế của chúng là ở vùng đặc quyền kinh tế của Venezuela. Hơn nữa, các tàu này sau đó đã báo cáo vị trí chính xác khi đến gần mũi Hảo Vọng của Nam Phi, với Trung Quốc và Malaysia là điểm đến có khả năng nhất và dữ liệu cho thấy hàng hóa đã được dỡ xuống.

Việc giả mạo thông tin vị trí được dự báo sẽ ngày càng phổ biến hơn, khi bộ phát đáp AIS cấp quân sự, hoặc ít nhất là phần mềm tái tạo tác dụng của nó, dường như đã được bán trên thị trường chợ đen, lan truyền nhanh chóng giữa những người buôn bán hàng hóa bất hợp pháp.

Theo Windward, lần đầu tiên công ty này phát hiện một tàu dân sự giả mạo tín hiệu vị trí là năm 2021 tại Venezuela. Tàu chở dầu mang tên Berlina đã truyền dữ liệu đang trôi dạt vô định bên ngoài vùng biển của quốc gia này, nhưng trên thực tế lại không ở gần vị trí mà nó phát tín hiệu đi vào thời điểm đó. Vortexa - một công ty dữ liệu vận tải khác cho biết, con tàu khi ấy đang tải dầu ở cảng José, miền Đông Venezuela.

Mỹ là nước duy nhất cấm giao dịch với công ty dầu khí nhà nước của Venezuela, đồng nghĩa việc vận chuyển dầu của Berlina không bị cấm ở Venezuela hoặc đảo Síp, nơi nó được đăng ký. Tuy nhiên, với vị thế lẫn vai trò của Washington trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, nhiều con tàu đã cố gắng che giấu sự hiện diện ở Venezuela để tránh bị các ngân hàng, công ty bảo hiểm và khách hàng tẩy chay.

"Những điều dường như chỉ mang tính địa phương cục bộ vào lúc đầu, đã sớm lan rộng ra gần như mọi khu vực hàng hải trên khắp thế giới", Windward nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tàu "ma" chở dầu để né trừng phạt và buôn lậu đang ngày càng tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO