Tăng nhập, ô tô Trung Quốc có vượt qua định kiến chất lượng?

Hồng Nga - Dương Nguyễn| 14/03/2021 08:43

Chất lượng xe Trung Quốc luôn là nỗi nghi ngại của người tiêu dùng Việt. Nhưng thật bất ngờ, mọi thứ thay đổi từ cuối năm 2020 đến nay khi doanh số bán ra của ô tô Trung Quốc vượt cả ô tô nhập khẩu từ Indonesia. Liệu ô tô Trung Quốc có tạo nên "làn sóng mới" như  từng diễn ra với những chiếc "xe máy Tàu" trước đây?

Ùn ùn vào Việt Nam

Những tháng cuối năm 2020 đến nay, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt. Nếu trong năm 2020, con số này vào khoảng 7.400 chiếc thì chỉ riêng tháng 1/2021, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, có đến 1.463 chiếc ô tô Trung Quốc (kim ngạch gần 48,5 triệu USD) nhập về Việt Nam. Với số lượng này, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đã vượt Indonesia để đứng thứ hai, chỉ xếp sau Thái Lan. 

Thật ra, từ giữa năm ngoái, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc mới đã ra mắt người tiêu dùng. Cụ thể, tháng 8/2020, Tan Chong - nhà phân phối xe Nissan tại Việt Nam trước đây quyết định đưa xe MG - một thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam bằng sự ra mắt của hai dòng xe MG HS và MG ZS. Theo lãnh đạo Tan Chong, đầu tiên xe sẽ được nhập từ Trung Quốc, sau đó thay bằng xe nhập từ Thái Lan và tiến đến sản xuất tại Việt Nam. Trước Tan Chong, Kylin - GX 6688 cũng đưa dòng xe V7 của Tập đoàn Brilliance tham gia thị trường. Trong cuộc đua chinh phục thị trường hơn 100 triệu dân này, vào cuối năm 2020, thương hiệu xe Trung Quốc Chery cũng đăng ký bảo hộ nhiều mẫu xe mới (gồm Chery Arrizo 6, Chery Tiggo 3x Plus).

bai-1-MG-ZS-2021-van-hanh-2-2419-1615347

Trước tình trạng ô tô Trung Quốc tăng số lượng, ông Trần Anh Kiệt - Trưởng Phòng Dự án Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tây Ô tô (Western Ford) cho rằng, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng đột biến chưa hẳn do người tiêu dùng mua nhiều, mà chủ yếu do các đại lý ôm hàng. Người tiêu dùng Việt, ít nhất là khu vực phía Nam, vẫn chưa tin tưởng nhiều về sự an toàn với xe nhập khẩu từ nước này. Tuy nhiên, với mức bán khoảng 300-700 triệu đồng, xe Trung Quốc mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

"Một lý do khác, có thể là do ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, các hãng xe Trung Quốc muốn mở rộng sang thị trường khác. Với giá bán thấp hơn trước nên các đại lý mua nhiều", ông Trần Anh Kiệt nói. 

Còn theo ông Võ Quốc Bình - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Bình Minh, xe Trung Quốc nhập nhiều cũng có phần từ nhu cầu người dùng Việt tăng lên. Thời gian gần đây, xe nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc có chất lượng cao hơn những năm trước. Như hệ thống khung gầm, cách âm, chi tiết nhựa... đều có bước tiến rõ rệt về chất lượng so với chục năm trước. Bên cạnh đó, các thương hiệu ô tô Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua (Beijing, Zotye, Brilliance, BAIC...) đều là các tập đoàn lớn có sự bảo hộ của Chính phủ Trung Quốc nên giá bán khá thấp so với nhiều đối thủ. Mức giá này được xem là hợp túi tiền của nhiều người tiêu dùng Việt.

"Chưa bàn đến chuyện xe này bền được bao nhiêu năm, nhưng giá thấp, đẹp và nhiều công nghệ là những ưu điểm khiến xe này bán chạy thời gian qua", ông Võ Quốc Bình lý giải. 

Tạo làn sóng mới?

Cũng theo ông Võ Quốc Bình, tại miền Nam, xe Trung Quốc chưa thuyết phục được người tiêu dùng về chất lượng cũng như định kiến với hàng Trung Quốc đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, tại thị trường phía Bắc, xe Trung Quốc dự báo sẽ chiếm thị phần nhất định. Hiện tại, các trung tâm bảo hành với chính sách bảo hành 5 năm (hơn các hãng xe khác 2 năm), xe Trung Quốc trải dài trên nhiều địa bàn Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc...

"Nếu người tiêu dùng có điều kiện, mua xe Trung Quốc để trải nghiệm 1-2 năm vẫn là quyết định chấp nhận được. Hơn nữa, các đại lý mua bán xe cũ vẫn thu mua xe Trung Quốc đã qua sử dụng. Sau 1-2 năm, xe Trung Quốc mất giá khoảng 20-30%, mức khấu hao này cũng không phải quá lớn", ông Võ Quốc Bình nói.

Link bài viết

Sự xuất hiện ngày càng nhiều dòng xe đến từ Trung Quốc liệu có tạo nên "làn sóng mới" trên thị trường ô tô Việt Nam? Trước đó, vào những năm 2000, các thương hiệu ô tô đến từ nước này như Lifan, Chery với những dòng xe Lifan 520, Chey QQ3, Riich M1... cũng từng đổ bộ vào Việt Nam qua kênh chính ngạch. Thậm chí, các hãng này cũng từng lên kế hoạch mở nhà máy lắp ráp tại Việt Nam với chiến lược dài hơn. Nhưng cuối cùng, họ phải thoái lui vì định kiến "xe máy Tàu" kém chất lượng đã ăn quá sâu vào tâm trí người dùng Việt. Tới tận năm 2012, MG vẫn quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam thông qua nhà phân phối là Công ty CT Brothers Automobile. Thế nhưng, họ cũng phải rút như các hãng trước đó. 

Theo các chuyên gia trong ngành, định kiến về chất lượng kém đối với xe Trung Quốc rất khó thay đổi trong mắt người dùng Việt. Hơn nữa, ô tô là phương tiện chuyên chở có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng nên tâm lý e dè với các thương hiệu ô tô đến từ nước này cũng là điều hẳn nhiên.

"Trào lưu xe Trung Quốc rất khó để hình thành. Hiện tại, thị trường đã phát triển mạnh và các loại ô tô Hàn Quốc, Nhật Bản rất đa dạng, giá càng ngày càng rẻ trong khi cuộc đua công nghệ rất quyết liệt. Do đó, rất khó để xe Trung Quốc có thể cạnh tranh", vị chuyên gia về ô tô nói.

Đó là hiện tại, còn trong tương lai vẫn để ngỏ. Bởi hiện nay, nếu so với các dòng xe nhập từ ASEAN, xe Trung Quốc vẫn bị đánh thuế nhập khẩu khá cao, từ 45-70%. Tuy nhiên, do có lợi thế quy mô sản xuất, lắp ráp xe số một thế giới với sản lượng hơn 20 triệu chiếc/năm, các mẫu xe Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế giá thành nên cạnh tranh tốt ở nội địa lẫn xuất khẩu. Ngoài ra, tới đây Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan xe nhập theo cơ chế Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký kết hồi tháng 11/2020. Dự kiến từ năm 2025-2030, các mẫu xe nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ được giảm, miễn thuế và mức giá sẽ rẻ hơn nhiều so với hiện tại. Áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn đối với các hãng xe liên doanh, lắp ráp trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng nhập, ô tô Trung Quốc có vượt qua định kiến chất lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO