Doanh nghiệp Việt đón vận hội mới

Hồng Nga - Dương Nguyễn| 01/03/2021 06:00

Dịch bệnh kiểm soát tốt, các hiệp định thương mại liên tục được ký kết trong thời gian qua đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt bứt phá trên thị trường thế giới và cả thị trường nội địa trong năm 2021 này.

Xuất khẩu tăng trưởng

Ngay từ mùng 1 Tết, Công ty CP Quốc tế Dony được khách hàng đặt hàng 5 container áo thun xuất đi Mỹ. Tiếp đó, ngày mùng 7 tết, Dony lại nhận cọc cho đơn hàng hơn 30.000 chiếc khẩu trang xuất sang Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Lịch giao hàng trong tháng 3/2021. Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony cho biết, hiện công ty có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 4 và đang có những giao dịch mới với những khách hàng mới. "Khách hàng lớn có giảm số lượng nhưng bù lại chúng tôi có khách hàng mới là những doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh kiểu hộ gia đình, doanh nghiệp khởi nghiệp... từ nhiều nước trên thế giới", ông Phạm Quang Anh chia sẻ tin vui đầu năm Tân Sửu 2021.

Theo ông Quang Anh, nhiều khách hàng cho biết, sở dĩ họ tìm đến Dony và các doanh nghiệp khác của Việt Nam là để hưởng các lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết thời gian qua. Những đơn hàng mới ngay những ngày sau Tết là tín hiệu cho thấy thị trường sẽ hồi phục trong năm nay. Và đây cũng là lý do để Dony đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng quần áo khoảng 20-30% so với năm 2020, trong khi mặt hàng khẩu trang bằng năm rồi. Lý giải cho việc không tăng doanh thu xuất khẩu mặt hàng khẩu trang dù khách vẫn đặt hàng... đều đều, ông Phạm Quang Anh cho biết, mặt hàng khẩu trang đã tăng 60% trong năm 2020 nên năm nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu dùng khẩu trang sẽ giảm, vì thế chỉ cần tăng trưởng như năm 2020 là đã rất thành công. 

Cũng dự báo một năm lạc quan cho ngành may mặc, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cho biết, quý I/2021, các doanh nghiệp ngành may đã có nhiều thuận lợi khi có nhiều đơn hàng mới. Trong đó, các tập đoàn, doanh nghiệp may như Tổng công ty 28, Thành Công... đã có những đơn hàng mới.

"Số lượng các đơn hàng đầu năm 2021 tăng 10-15% so với cùng kỳ. Một điểm thuận lợi là năm nay nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc không bị gián đoạn nên doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng. Và nếu dịch bệnh được khống chế vào quý III, IV, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng và như vậy, xuất khẩu của Việt Nam chắn chắn sẽ tăng trưởng", ông Phạm Xuân Hồng tin tưởng.

Dony-2-2981-1614241898.jpg

Bên cạnh những yếu tố trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay một số quốc gia cạnh tranh xuất khẩu trực tiếp với Việt Nam chưa cải thiện được tình hình dịch bệnh Covid-19, nên việc chúng ta kiểm soát tốt hơn đang mang lại nhiều lợi thế để phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, dù tình hình xuất khẩu chưa cải thiện nhưng ngành gỗ vẫn duy trì tăng trưởng 10% so với năm 2020. Bởi các doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều lợi thuế xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi đối thủ lớn nhất là Trung Quốc đang bị áp thuế khá cao tại thị trường này. Hiện tại, các doanh nghiệp lớn của ngành đã có đơn hàng đến hết quý II/2021, thậm chí có những doanh nghiệp đã đầy đơn hàng sản xuất cho nguyên năm. 

Còn theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2021 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu tương đối, khả năng thị trường diễn biến theo hướng thuận lợi. 

"Vấn đề quan trọng của doanh nghiệp là làm sao tận dụng tốt các hiệp định thương mại đã ký. Mặt khác, doanh nghiệp phải đảm bảo các vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tốt thì tình hình xuất khẩu thủy sản năm nay có thể khả quan", ông Trương Đình Hòe nói.

Chia sẻ thực tế tại doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, năm 2021, dù còn nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 50% về sản lượng và giá trị. Sở dĩ công ty mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu này vì "vào cuối tháng 2, công ty sẽ khánh thành nhà máy mới tại Tiền Giang với công suất trên 5.000 tấn/năm. Chúng tôi đặt mục tiêu 130-140 triệu USD doanh thu trong năm nay, tăng đến 150% so với năm ngoái".

Bệ đỡ thị trường nội địa

Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh nội địa cũng đón nhiều thông tin tốt. Những ngày đầu năm mới sau Tết Nguyên đán là những ngày vui đối với Vĩnh Thành Đạt khi mức mua đã tăng đến 150% so với cùng kỳ. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết âm lịch, Vĩnh Thành Đạt sản xuất trở lại, sớm hơn hai ngày so với dự kiến. Thậm chí, trong ngày tiếp sau đó, công ty phải tổ chức tăng ca để kịp những đơn hàng đầu năm của các nhà bán lẻ. 

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, những tín hiệu đầu năm cho thấy tình hình kinh doanh năm nay sẽ sáng sủa hơn. Cùng với các sản phẩm trứng gia cầm tươi, trong kế hoạch sản xuất của năm 2021, công ty sẽ đẩy mạnh các sản phẩm chế biến. Trong đó, để tận dụng nguồn trứng loại 2, loại 3, công ty nghiên cứu để đưa ra thị trường bánh trứng - loại bánh rất ưa chuộng tại Hàn Quốc.

"Năm nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ có triển vọng vì Việt Nam đã có kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh, hơn nữa trong vài tháng tới đã có vắc xin. Dịch bệnh được kiểm soát, sức mua sẽ tăng lên. Do đó, năm nay công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 15% so với năm ngoái", ông Trương Chí Thiện cho biết.

Link bài viết

Cũng đánh giá cao và xem thị trường nội địa là bệ đỡ nên năm 2021, bên cạnh thị trường xuất khẩu, Dony còn tập trung cho khách hàng trong nước. Ông Phạm Quang Anh cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển mặt hàng khẩu trang ở thị trường nội địa bằng những chương trình, chính sách hấp dẫn, đặc biệt là đưa sản phẩm khẩu trang ra nhiều kênh phân phối trong cả nước. 

"Khi gặp khó khăn doanh nghiệp thường co cụm nhưng nếu biết khai thác sẽ có cơ hội để tăng trưởng. Hiện tại, như chi phí marketing, quảng bá... đang giảm và cơ hội tiếp cận khách hàng mới dễ hơn. Nếu dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên vì vậy phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để đón đầu cơ hội", ông Quang Anh chia sẻ.

Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết trong năm 2021, các Co.opmart mới mở ra ở tỉnh sẽ tập trung vào yếu tố vui chơi, giải trí, đáp ứng đúng các phân khúc mà các tỉnh, thành phố yêu cầu song song với việc đầu tư vào những chương trình phù hợp để phục vụ phân khúc cao hơn. "Đến cuối năm 2021, chúng tôi sẽ vượt 1.000 điểm bán trên cả nước, trong đó mô hình kết hợp giữa Co.op Food và Co.opmart sẽ được nhân rộng tại khu vực miền Trung", ông Nguyễn Anh Đức nói.

Cùng với việc mở điểm bán mới, Saigon Co.op đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ hóa để tạo sự khác biệt cho thương hiệu. "Chúng tôi cũng tạo sự khác biệt liên quan đến xu hướng thị trường, hàng Việt, xu hướng tiêu dùng xanh, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Hướng đến của Saigon Co.op trong năm 2021 là doanh số cao hơn năm 2019. Thị phần của Saigon Co.op đang là 41% sẽ cố gắng để tăng lên 43-45% trong cuối năm 2021. Hy vọng năm 2021 sẽ là năm bản lề cực kỳ quan trọng của Saigon Co.op cùng người tiêu dùng vượt qua khó khăn bởi Covid-19 thiên tai bão lũ cũng như những khó khăn mà Saigon Co.op đang phải giải quyết", ông Nguyễn Anh Đức thông tin. 

Riêng với ngành sữa, ông Trương Quốc Bảo - Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Đối ngoại Tập đoàn TH cho biết, mục tiêu của TH trong năm 2021 là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng, mở rộng quy mô đàn bò theo kế hoạch, tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để cho ra mắt các sản phẩm từ sữa tươi sạch cũng như đồ uống tốt cho sức khỏe. Đồng thời, TH cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường, giữ vững vị thế tiên phong là nhà sản xuất có trách nhiệm, tiên phong đưa ra các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên - tốt cho sức khỏe và các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường.

------------------------------

Pham-Xuan-Hong-Hoi-may-theu-6116-1614241

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM: Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các đối thủ xuất khẩu khác

Một điều thuận lợi của doanh nghiệp ngành may Việt Nam trong thời điểm hiện tại là khi dịch bệnh bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu thì nhiều nước có tiềm năng xuất khẩu, cạnh tranh với Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh chung, xét về nhiều yếu tố, Việt Nam ổn hơn nên tình hình xuất khẩu của ngành dệt may sẽ khả quan hơn trong năm nay. Và khả năng tăng trưởng 10% so với năm ngoái với dự báo kim ngạch xuất khẩu đạt 38-39 tỷ USD là có thể đạt được.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA): Thêm chính sách cho doanh nghiệp nội

Nguyen-Chanh-Phuong-HAWA-3306-1614241898

Với tình hình chính trị ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ là những lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu. Và dù không bằng năm trước nhưng ngành gỗ cũng sẽ đạt kim ngạch khoảng 13,5-13,8 tỷ USD trong năm 2021. 

Đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản nhằm kiểm soát lại đầu tư của khối doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ. Ngành gỗ không phải là ngành có công nghệ quá cao, nên Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn và kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp FDI đầu tư theo kiểu "núp bóng", gian lận xuất xứ… đồng thời đề cao vai trò của các hiệp hội hơn. Văn bản này sẽ giúp những doanh nghiệp FDI đầu tư nghiêm túc phát triển tốt nhưng cũng giúp tránh tình trạng núp bóng doanh nghiệp. Đây cũng là điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa đầu tư phát triển sản xuất. 

Truong-Dinh-Hoe-VASEP-4789-1614241899.jp

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản việt nam (VASEP): Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu thủy sản

Hiện nay, Việt Nam đã là cường quốc về xuất khẩu thủy sản. Vấn đề là làm sao tiếp tục giữ vững vị thế đó thông qua các vấn đề về chất lượng và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường. Thị trường thế giới cần nhất về vấn đề an toàn và truy xuất nguồn gốc được. Hai yêu tố đó đã được ngành thủy sản và các doanh nghiệp tập trung triển khai nhiều năm nay rồi và cơ bản đã ổn. Hiện tại, mọi thứ đã được sẵn sàng để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thế giới hiện nay. Mục tiêu của ngành là vươn tới 10 tỷ USD trong vài năm tới, trên cơ sở cơ cấu lại hàng hóa, sản xuất, chọn lựa sản phẩm, tập trung vào những mặt hàng đang là nhu cầu thật sự của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt đón vận hội mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO