Làm thế nào để bước tới 2021

Hồng Nga - Văn Bảy| 30/12/2020 08:47

Mặc dù ít bị thiệt hại nhất trong đại dịch Covid-19 hơn so với các nước, hiện tại nền kinh tế cũng đang đà hồi phục, nhưng dự báo năm 2021 sẽ không hề dễ dàng với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Trước tình hình khó khăn đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt đang có những "kịch bản" cũng như chiến lược kinh doanh gì để vững bước qua năm 2021?

Ông Nguyễn Trung Tín - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản An Gia: 

Nguyen-Trung-Tin-9214-1609143152.jpg

LÚC THỊ TRƯỜNG KHÓ KHĂN, CHÚNG TÔI CÓ CƠ HỘI MỞ RỘNG ĐẦU TƯ

Trong bối cảnh đại dịch, chúng tôi vẫn đạt những thành tích khả quan. Một trong số đó là việc 75 triệu cổ phiếu AGG lên sàn HoSE, đến ngày 26/11/2020, An Gia có 5 dự án với 3.933 sản phẩm được đưa ra thị trường.

Năm 2020 khi thị trường khó khăn, một số nhà đầu tư bất động sản lo lắng và chuyển sang trạng thái phòng bị, nhìn ngó thị trường thì An Gia lại có cơ hội mua dự án. Chúng tôi tập trung mua quỹ đất sạch, không tranh chấp với người dân địa phương, cổ đông, tạo nền tảng tiếp tục đảm bảo tăng trưởng trong những năm kế tiếp. Hiện chúng tôi đã tiếp cận được nhiều quỹ đất rất tiềm năng và sẽ triển khai trong năm 2021. 

Trong giai đoạn 2021-2024, chúng tôi sẽ lần lượt bàn giao khoảng 4.523 sản phẩm từ các dự án đã hoàn thành, dự kiến cho ra mắt khoảng 27.600 sản phẩm mới từ các quỹ đất hiện hữu tại các khu vực như TP.HCM, Bình Dương, Bình Chánh, Long An và sẽ lần lượt bàn giao từ năm 2022-2027, qua đó đảm bảo nguồn thu ổn định và duy trì tốc độ phát triển mạnh mẽ của mình.Trong giai đoạn 2021-2025, An Gia sẽ dành khoảng 5.000 tỷ đồng để phát triển quỹ đất.

Ông Chon Gu Soo - Trưởng bộ phận chăn nuôi CJ VINA AGRI:

ong-CJ-vina-3660-1609143153.jpg

CHÚNG TÔI SẼ MỞ RỘNG HỆ THỐNG PHÂN PHỐI TRONG NĂM 2021

Trong ba năm liên tiếp (2017-2019) ngành chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn vì mất giá và dịch tả lợn châu Phi (ASF) nhưng nhờ nỗ lực cống hiến của toàn thể nhân viên mà công ty đã giảm thiểu thiệt hại đáng kể. Cùng với đó, Tập đoàn CJ Cheil Jedang cũng đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh. Nhờ vậy, khi thị trường chăn nuôi bắt đầu hồi phục từ quý IV/2019, công ty đã tăng trưởng mạnh. Tiếp đà đó, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng CJ Vina Agri đạt kết quả cao nhất kể từ khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam đến nay. Kết quả này giúp công ty duy trì vững chắc vị trí thứ hai trên thị trường.

Để đạt được thành quả này, ngoài yếu tố tăng trưởng bên ngoài như dự báo chính xác được xu hướng thị trường và mở rộng đầu tư kinh doanh, còn có sự tăng cường vai trò quản lý điều hành và phòng ngừa dịch bệnh - một yếu tố nguy hiểm gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lĩnh vực chăn nuôi.

Năm 2021 sẽ là năm không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp. Dịch bệnh ASF đang đe dọa ngành chăn nuôi, tốc độ hồi phục trang trại từng chịu ảnh hưởng dịch bệnh chậm khiến tiêu thụ thức ăn tiếp tục giảm mạnh. Do đó, trong năm 2021, chúng tôi cũng sẽ tập trung nguồn lực để phòng tránh dịch bệnh ASF nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng lại trang trại nuôi heo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở Việt Nam bằng cách mở rộng việc cung cấp heo giống mà công ty đã đảm bảo. 

Cùng với vấn đề an toàn thực phẩm, chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh thịt heo CJ an toàn trên đa dạng các kênh phân phối như các siêu thị trung tâm thương mại lớn, chợ truyền thống... phù hợp với nhu cầu cao của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng. Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2020, chúng tôi đã mở một cửa hàng thịt heo tươi mang thương hiệu Meat Master tại 178 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. 

Vào năm 2021, chúng tôi sẽ có một nhà máy chế biến thịt ở khu vực Củ Chi, mở rộng phân phối kinh doanh thịt heo để CJ Vina Agri có thể phát triển doanh nghiệp trở thành công ty thực phẩm chăn nuôi toàn diện đầu tiên. Trong thời gian tới, CJ Vina Agri sẽ phấn đấu trở thành công ty có thể dẫn đầu ngành, phù hợp với tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Ông Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc công ty CP Phân phối Tổng hợp Quốc tế (IDS):

Pham-DInh-Nguyen-7275-1609143153.jpg

2021 VẪN ĐI THEO CHIẾN LƯỢC NGẮN HẠN 

Covid-19 ảnh hưởng đến mọi công ty và lĩnh vực phân phối của chúng tôi cũng thế. Chính bệnh dịch này đã khiến doanh thu công ty giảm 10% so năm trước. Tuy nhiên, theo tôi như vậy đã là tốt vì trong điều kiện nhiều doanh nghiệp phải phá sản, đóng cửa nhưng IDS chỉ giảm ít.

Mức giảm nhẹ này có được nhờ vào những kịch bản ứng phó của công ty trước diễn biến của Covid-19. Ngay từ đợt Covid-19 đầu tiên, chúng tôi đã xây dựng kịch bản ứng phó nhưng phải đến đợt thứ hai mọi thứ mới rõ ràng hơn và hiệu quả hơn. Nhờ vậy mà vừa rồi, khi có thông tin về người lây nhiễm mới tại TP.HCM, chúng tôi đã rất chủ động trong phương án đối phó. Tôi nghĩ không chỉ có IDS mà hầu như doanh nghiệp nào cũng đều làm như vậy vì nếu không sẽ bị đào thải.

Ba kịch bản được chúng tôi xây dựng phù hợp với tình hình Covid-19 ở ba cấp là xấu nhất, vừa và tốt. Trong trường hợp xấu nhất là "cả thành phố bị đóng cửa", chúng tôi đã xây dựng những công việc được ưu tiên, nhân sự sẽ như thế nào, phải sắp xếp lại thế nào, mặt bằng ra sao... đã được xây dựng. Trường hợp đỡ hơn sẽ như thế nào. Kịch bản này cứ hai tháng phải làm lại một lần vì mọi thứ mình không thể lường trước hết được, và không chỉ ở cấp công ty mà mỗi phòng ban đều phải xây dựng kịch bản phù hợp.

Công ty chúng tôi làm dịch vụ phân phối nên phải tái cấu trúc hoạt động công ty và tùy thuộc kịch bản nào xảy ra sẽ tái cấu trúc theo kịch bản đó. 

Tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy trong năm 2021 chúng tôi cũng sẽ không xây dựng chiến lược dài hạn mà cứ hai tháng một lần sẽ ngồi lại để đánh giá tình hình và xem xét phương án cụ thể phù hợp thực tế. Điều này đã được áp dụng từ nhiều tháng nay và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể sang năm 2021, IDS sẽ tăng trưởng 10% so với năm nay.

Bà Ong Thị Kim Ngân - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Khai thác hải sản, chế biến nước mắm Thanh Hà

Ong-Thi-Kim-Ngan-2-2635-1609143153.jpg

CÔNG TY SẼ LIÊN KẾT VỚI ĐỐI TÁC ĐỂ HOÀN THIỆN CHUỖI CUNG ỨNG

Tôi nghĩ trước tiên là chúng tôi quá may mắn khi nhìn xung quanh bao nhiêu doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí tạm dừng hoạt động. Kế đến, do chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên nhìn chung đỡ bị sụt giảm nhu cầu như những ngành khác. Bên cạnh đó, chúng tôi có được lượng khách hàng trung thành do Thanh Hà luôn giữ chất lượng và giá cả sản phẩm ổn định dù trong năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai nên giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và chi phí hoạt động tăng rất đột biến. Chúng tôi chấp nhận cắt giảm lợi nhuận của mình để cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng và đối tác nhằm ổn định thị trường.

Lợi thế lớn nhất để chúng tôi vượt qua đại dịch là giá trị cốt lõi của Thanh Hà nằm ở chất lượng sản phẩm. Chính điều này đã và đang giúp chúng tôi giữ chân khách hàng, ổn định sản xuất để anh em công nhân viên cùng nhau vượt qua những khó khăn không chỉ trong đại dịch Covid-19 lần này.

Tôi cho rằng khó khăn còn đang ở phía trước, nhất là trong hai quý đầu năm 2021. Những đứt gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng trong năm 2020 sẽ được bộc lộ rõ nét khi bước qua năm 2021. Ngoài ra, nền kinh tế thế giới đang thực sự bước vào kỳ suy thoái từ quý III/2019, nay lại thêm đại dịch hoành hành sẽ khiến kỳ suy thoái này lún sâu hơn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn là quốc gia ít thiệt hại nhất trong đại dịch này do nền kinh tế đang đà phát triển, cộng với công tác phòng chống dịch rất hiệu quả từ Chính phủ.

Trong năm tới, chúng tôi sẽ tăng cường liên kết với các nhà cung cấp và đối tác nhằm ổn định chuỗi cung ứng nhất có thể. Về thị trường, Thanh Hà sẽ đưa ra những sản phẩm có giá thành hợp lý nhưng vẫn giữ vững chuẩn chất lượng của mình, đồng thời chú trọng vào việc tăng giá trị của sản phẩm để mỗi người tiêu dùng khi chọn lựa Thanh Hà sẽ nhận được giá trị xứng đáng.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc VINA T&T GROUP:

ong-Tung-3662-1609143153.jpg

TRONG MỌI HOÀN CẢNH, CHÚNG TÔI ĐỀU CÓ PHƯƠNG ÁN CHỦ ĐỘNG

Trong thời gian đầu dịch xảy ra, nhu cầu về trái cây từ các thị trường nước ngoài giảm hẳn. Bên cạnh đó, việc cắt giảm các chuyến bay quốc tế và Mỹ rút nhân viên kiểm dịch về nước cũng gây ảnh hưởng không ít tới quy trình kiểm dịch, chiếu xạ đối với các loại trái cây chủ lực xuất đi nước này. Vì thế, tổng doanh thu từ trái cây xuất khẩu năm 2020 giảm khoảng 10% so với năm 2019. 

Bên cạnh những mảng tối, việc ký kết Hiệp định EVFTA đem lại nhiều cơ hội cho mặt hàng rau quả khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, việc giảm thuế từ mức 3-5% về 0% từ ngày 1/8/2020 giúp nông sản Việt có lợi thế trước các đối thủ khác tại EU. Cùng với đó, việc giảm thuế theo RCEP giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường ASEAN, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia ASEAN tăng cao trở lại.

Trong mọi hoàn cảnh, Vina T&T luôn chủ động đưa ra phương án sản xuất, xuất khẩu tốt nhất, đảm bảo trồng trọt theo tiêu chuẩn Global GAP, các nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, quy hoạch vùng trồng rõ ràng, xây dựng vùng nguyên liệu 500 hecta tại Vĩnh Long và Đồng Tháp để trồng xoài, nhãn và một số loại trái cây khác để phục vụ cho xuất khẩu. Nhờ nắm vững yêu cầu của khách hàng và có những đối tác uy tín, tin cậy... đã giúp công ty phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động xây dựng những chuỗi cung ứng trái cây Việt cho người Việt, đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị trái cây trong mắt người Việt Nam.

Năm 2021, chúng tôi tiếp tục chinh phục các thị trường mới và mang nhiều loại trái cây, nông sản Việt Nam tới thế giới. Để làm được điều này, dựa vào nền tảng sẵn có, chúng tôi đầu tư mở rộng các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đội ngũ kỹ thuật để duy trì các vùng trồng đã đạt tiêu chuẩn Global GAP và nâng cao công nghệ bảo quản trái cây. Ngoài các chứng nhận nhà máy đạt được như HACPP, ISO, chứng nhận tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SMETA cũng được Vina T&T Group quan tâm đầu tư.

Quý IV/2019, Vina T&T Group tham gia Asia Fruit Logistica (AFL) tại châu Âu để giao lưu thương mại và tìm kiếm đối tác. Năm nay, vào tháng 11/2020, AFL được chuyển hình thức tổ chức trực tuyến và chúng tôi đã tham gia để có thể kết nối với các khách hàng tiềm năng. 

Chúng tôi còn tìm hiểu để đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, chủ động học hỏi và xử lý những khó khăn phải đối diện. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển cửa hàng trái cây nội địa với các dịch vụ như giỏ quà trái cây, trái cây cắt sẵn, tiệc trái cây tươi, trái cây sạch cho gia đình... 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNI - KING COFFEE: 

Le-Hoang-Diep-Thao-7550-1609143154.jpg

SẼ SÁNG TẠO RA CÁCH THỨC TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG THÔNG MINH HƠN

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất của King Coffee, đồng thời giúp cho ngành cà phê Việt Nam sang một trang mới nhờ việc hướng dẫn cho người nông dân các kỹ thuật xử lý nước và giảm thiểu chất thải, lắp đặt các hệ thống tưới tiêu tiên tiến... Tôi tin rằng sự đầu tư công nghệ này sẽ tối đa hóa lợi nhuận cho King Coffee. 

Dù cho có biến động gì xảy ra thì nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn tiếp tục duy trì và tăng trưởng hằng năm. Năm nay, Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống và buộc mọi người phải sống khác, làm khác, học khác, nghĩ khác và cả chơi khác. Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng có thể điều chỉnh được cánh buồm để luôn dẫn con thuyền về đích. Tại King Coffee, mọi nhân viên vẫn giữ được việc làm, tiếp tục cống hiến. Tôi không chọn phương án cắt giảm nhân sự nhưng kêu gọi sự chung tay, thấu hiểu để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn và tôi trân trọng sự chia sẻ của mọi người trong công ty thời gian qua.

King Coffee chọn cách bảo toàn nội lực từ sức khỏe đến những giá trị mà chúng tôi đang có, để tạo ra nền tảng vững chắc cho những cơ hội và thách thức sắp tới. Bất chấp rất nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn khởi động dự án "Women can do", một dự án kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để giúp 100.000 phụ nữ khởi nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham gia vào dự án của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhằm xây dựng các chiến lược quốc gia để thay đổi cục diện mới, gia tăng những lợi thế xứng tầm của cà phê Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới với chất lượng hàng đầu. Trong 5 năm tới, chúng tôi muốn xây dựng King Coffee trở thành một trong 10 thương hiệu cà phê hàng đầu châu Á cũng như là một trong những người đóng vai trò chính trong ngành nông nghiệp chiến lược của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm thế nào để bước tới 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO