Đề án mang tầm chiến lược, chuyên biệt cho ung thư vú lần đầu tiên được triển khai ở bệnh viện lớn trên cả nước, có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng đóng vai trò mấu chốt trong quá trình điều trị, tiếp cận liệu pháp điều trị tiên tiến cho bệnh nhân ung thư vú. Đề án kỳ vọng góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, đào tạo đội ngũ y bác sỹ chuyên khoa ung thư vú cho người bệnh nguy cơ cao ở các bệnh viện lớn trên cả nước.
Trên toàn cầu, ung thư vú là ung thư có tỷ lệ mắc hàng đầu ở nữ giới và đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong tổng số số các loại ung thư (tổng số 626.679 ca tử vong). Tại Việt Nam, số ca ung thư vú mắc mới là 15.229 ca và số ca tử vong là 6.103 ca mỗi năm. Ước tính đến năm 2030, số ca mới mắc ung thư vú tại Việt Nam sẽ tăng lên 20.014 trường hợp và đang có xu hướng tăng nhanh.
Theo báo cáo về “Khả năng sẵn Sàng ứng phó với bệnh ung thư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020” do The Economist Intelligence Unit thực hiện với sự tài trợ của Roche toàn cầu, ung thư là bệnh có nguy cơ gây tử vong nhiều thứ hai tại Việt Nam và nước ta nằm trong nhóm những nước có khả năng sẵn sàng ứng phó với bệnh ung thư ở mức thấp.
Hiện nay, tỷ lệ điều trị khỏi trong ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng ngày một cao. Kết quả này có được là nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong y học như các kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm hay các liệu pháp điều trị sinh học mới cùng với việc phát hiện sớm và người bệnh tiếp cận được với các liệu pháp điều trị tiên tiến. Để gia tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú thì cần quản lý điều trị tốt cho nhóm ung thư vú nói chung và bệnh nhân ung thư vú nguy cơ cao bằng một giải pháp đa can thiệp, đồng bộ, từ công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức trong cộng đồng và tầm soát sớm, đến việc triển khai hệ thống y tế đủ năng lực khám tầm soát, chẩn đoán sớm chính xác và điều trị hiệu quả, cũng như các biện pháp hỗ trợ gánh nặng chi phí để người bệnh.
GS-TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y Tế cho biết: “Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025. Trong đó phòng chống bệnh ung thư là một trong những nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, cho thấy bệnh ung thư đang là một vấn đề lớn với sức khỏe của toàn xã hội. Trong đó ung thư vú là ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở nữ giới, là vấn đề cần được quan tâm và cần có các hoạt động can thiệp nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Đề án này với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan như các cấp Chính phủ (Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế Việt Nam), cơ quan y tế chuyên môn, các bệnh viện lớn, cùng doanh nghiệp Roche Việt Nam, kỳ vọng đem lại nhiều cải tiến và lợi ích cho hệ thống y tế nói chung và người bệnh nói riêng”.
Với mục tiêu góp phần gia tăng tỷ lệ người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và gia tăng tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán có nguy cơ cao được điều trị với các liệu pháp tiên tiến hàng năm, đề án do Tổng hội Y học Việt Nam làm chủ quản với sự đồng hành hỗ trợ của Roche Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của các cơ quan y tế trung ương lẫn địa phương.
Đề án sẽ triển khai nhiều hoạt động trong giai đoạn 2020-2025 bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư vú, gia tăng số lượng người được chẩn đoán sớm tại các bệnh viện tham gia đề án; tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư vú đến năm 2025; tối ưu hóa dữ liệu sẵn có của Bảo hiểm và Viện Ung thư Quốc gia nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú.
Thông qua đề án này, kỳ vọng những thay đổi tích cực mang tính bền vững và ảnh hưởng sâu rộng, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư của Việt Nam, tương đương các nước phát triển hơn trong khu vực.
PGS-TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết: “Đề án tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025 là một dự án hết sức có ý nghĩa. Đây là đề án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho bệnh ung thư vú với quy mô và số lượng đối tác lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Đối với bệnh viện, đề án này giúp nâng cao năng lực chữa trị ung thư vú cho nhiều y bác sĩ hơn, qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng chữa trị trên mỗi bệnh nhân”.