Tái cơ cấu ngân hàng: Cần nâng cao năng lực quản trị

XUÂN HÙNG thực hiện| 23/06/2015 05:09

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vào chặng nước rút, chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực nói cần lưu ý vấn đề quản trị, bởi ngân hàng là nguồn tài chính bên ngoài rất quan trọng đối với doanh nghiệp.

Tái cơ cấu ngân hàng: Cần nâng cao năng lực quản trị

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) vào chặng nước rút, chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực nói cần lưu ý vấn đề quản trị, bởi NH là nguồn tài chính bên ngoài rất quan trọng đối với doanh nghiệp.

Đọc E-paper

* Sau ba năm tái cơ cấu hệ thống NH, ông thấy năng lực quản trị của các NH thương mại (NHTM) hiện nay như thế nào?

- Quản lý tài chính trong lĩnh vực NH phải tuân thủ những việc liên quan đến hiệu quả kinh doanh, quản lý tài sản nợ, đặc biệt là quản lý rủi ro. Tôi nghĩ, về quản lý chi phí hiện nay, hệ thống NH làm khá tốt.

Một chỉ tiêu quan trọng là chi phí so với thu nhập, theo thông lệ quốc tế là khoảng 40% thì hệ thống NH khoảng 43,5%, trong khi có những NH trong khu vực tỷ lệ này vẫn là 50%.

Với đặc thù là tổ chức kinh doanh tiền, các NHTM có độ rủi ro cao và mức độ ảnh hưởng lớn, nên công tác quản trị đặc biệt quan trọng bởi NH là nguồn tài chính bên ngoài cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp.

Mỹ đang siết chặt hơn quản lý rủi ro. Theo một khảo sát mới đây, có 63% CEO của quốc gia này cho rằng do không quản lý rủi ro nên dẫn đến khủng hoảng tài chính vừa qua.

Cơ cấu nền quản trị đòi hỏi mức độ hợp lý, trong đó cần xác định rõ tiêu chí tuyển dụng, lựa chọn ủy viên hội đồng quản trị. Đặc biệt, cần phân rõ trách nhiệm từng thành viên hội đồng quản trị.

Cái này các NHTM chưa làm rõ và còn rất khác nhau, cũng như vai trò của ban kiểm soát và vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ NH.

* Theo ông, sự độc lập của hội đồng quản trị và ban giám đốc NHTM nên thế nào?

- Tôi nghĩ, cần phân rõ trách nhiệm hội đồng quản trị và ban điều hành. Ví dụ, liên quan đến định hướng chiến lược, ban hành cơ chế, chính sách là việc của hội đồng quản trị, còn thực thi là việc của ban điều hành.

Vấn đề quan trọng là hội đồng quản trị và ban điều hành không nhầm lẫn và không làm thay nhau. Ngoài ra, ban kiểm soát cũng cần tăng cường vai trò hơn nữa trong việc giám sát quản trị cũng như giám sát ban điều hành theo mô hình của một công ty cổ phần.

* Hiện nay, mỗi NH quản trị theo cách riêng. Một bộ tiêu chí như thế nào sẽ bao hàm được những yếu tố như ông vừa đề cập?

- Phải căn cứ vào luật hiện hành. Trong Luật Các tổ chức tín dụng nêu một số nội dung liên quan đến quản trị NH. Bây giờ phải cụ thể hóa nó để giúp các NH có điều kiện tham chiếu và thực hiện nhất quán.

Cũng cần một bộ quy chuẩn về quản trị điều hành trong hệ thống NH, trong đó có các tiêu chí riêng cho NHTM nhà nước, NH cổ phần và NH nước ngoài.

Một loạt NH ngoại tới đây sẽ "đổ bộ” vào Việt Nam, những đòi hỏi về quản trị NH sẽ càng gay gắt hơn đối với các NHTM trong nước. Thực tế cho thấy, khả năng chống đỡ của NH càng cao, khả năng hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp sẽ càng lớn.

Như vậy, một NH yếu kém về quản trị sẽ không chỉ gây tổn thất cho chính NH đó, mà còn tạo nên những rủi ro nhất định mang tính dây chuyền cho các đơn vị khác. Như vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm để có nền tài chính minh bạch, hiệu quả.

* Cảm ơn ông! 

>NHNN: Thông tư 09 đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu

>Bài học từ tái cơ cấu ngân hàng Mỹ

>Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Quyền được biết

>2015, các ngân hàng đang tốt cũng phải tái cơ cấu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu ngân hàng: Cần nâng cao năng lực quản trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO