Sài Gòn, leo núi nhân tạo ở đâu?

THANH NHÃ/DNSGCT| 11/09/2016 06:59

Những điểm leo núi nhân tạo tại Sài Gòn, cải thiện sức khỏe toàn diện.

Sài Gòn, leo núi nhân tạo ở đâu?

Tại TP. Hồ Chí Minh hiện có các điểm leo núi nhân tạo như X-Rock Climbing (quận 3), X-Rock (quận 2), Push Climbing (quận 2), Trung tâm California Fitness & Yoga thu hút đông người đến chơi.

Đọc E-paper

Những ngày cuối tuần, tại mỗi điểm có trên dưới 100 người chơi đủ mọi lứa tuổi, trong đó có nhiều gia đình người nước ngoài tham gia. Đây không chỉ là hoạt động mang lợi ích sức khỏe thể chất mà còn đem đến niềm vui và sự tự do khám phá bản thân.

Càng leo càng mê

Trước khi bắt đầu leo núi, người chơi sẽ được nhận giày chuyên nghiệp và đeo các thiết bị an toàn như đai đeo, dây belay (phần đai an toàn nâng đỡ vùng đùi). Huấn luyện viên sẽ hướng dẫn cách bám dây, kỹ thuật đu dây từ trên cao xuống và một vài động tác khởi động làm nóng người, cách phòng tránh chấn thương trong khi leo…

Núi nhân tạo được thiết kế với bảy mức độ từ dễ đến khó. Những mấu bám nhiều màu sắc được gắn dày đặc trên vách núi cao 16m. Những người chơi lâu năm sẽ chọn leo cách khó bằng cách chỉ sử dụng những mấu bám cùng màu. Còn người mới chơi thì tự tăng “đẳng cấp” cho mình qua từng giai đoạn thử thách, ban đầu thì chinh phục từ đoạn bằng phẳng rồi đến những đoạn gồ ghề, thậm chí có đoạn tường nhô hẳn ra ngoài buộc khi leo phải uốn người hết mức và tay cố với tìm điểm bám không thể nhìn thấy để tiếp tục leo đến đỉnh.

Từ một người mê leo núi, anh Nguyễn Đức Thành trở thành huấn luyện viên tại Câu lạc bộ X-Rock Climbing (nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Q.3). Anh cho biết: “Hơn bốn năm leo núi cùng những người chơi tôi chưa bao giờ hết mê môn này. Có những buổi hoàn thành được đường leo khó, về nhà tôi vui đến không ngủ được”. Hầu hết người chơi đều có thể cảm nhận rõ nhất sự hưng phấn trong từng bước chân, khiến họ quên đi cảm giác đau mỏi tại các đốt ngón tay. Chị Minh Tuyền, một thành viên của sân chơi X-Rock Climbing quận 2, cho biết: “Mới leo mấy lần đầu thấy không dễ chút nào, leo được khoảng vài mét là chân tay bủn rủn, muốn bỏ cuộc. Nhưng càng luyện tôi càng thấy khỏe, leo nhanh hơn nên càng thấy thích thú”.

Anh Nguyễn Đức Thành cho biết: “Kỹ thuật cơ bản dành cho người chơi thoạt nghe có vẻ rất đơn giản, tay đưa lên nắm mô đá trước mặt, thẳng người giữ thăng bằng rồi dùng lực chân đẩy cơ thể lên phía trước. Nhưng thực tế lại không dễ dàng, đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật và đam mê”.

Để chinh phục được đỉnh núi dốc ngược trên tường, người chơi phải luyện cho mình sự dẻo dai, kiên nhẫn và một sức khỏe tốt. Điều bất ngờ là với một môn chơi đòi hỏi nhiều sức bền cơ bắp như leo núi thì nữ giới lại tham gia khá đông. Có vẻ phái yếu ngày càng đam mê môn chơi mạo hiểm, có tính thử thách này. Sau khi cùng các bạn trong công ty chinh phục đỉnh núi X-Rock tại quận 2, chị Yến Nhi chia sẻ: “Trong trò chơi này, các bạn không phải chiến thắng để giành giải thưởng mà quan trọng là các bạn chiến thắng chính bản thân mình. Các bạn đã vượt qua được rào cản về độ cao, sợ hãi, sức khỏe, sự dũng cảm bên trong của chính mình để leo lên đến đỉnh núi. Đây thật sự là “đỉnh vinh quang” mà mọi người chinh phục một cách xuất sắc”.

Theo chia sẻ của các huấn luyện viên, leo núi không đơn thuần chỉ dùng sức, nó mang lại sức khỏe và niềm vui, cảm giác vui sướng khi rướn tay chinh phục từng điểm bám để leo lên đỉnh. Ở trên cao một mình bạn phải tư duy để vượt qua chướng ngại vật, tăng khả năng phản xạ. Thoạt nhìn đây là một môn thể thao rất mạo hiểm nhưng thực tế lại rất an toàn cho người chơi. Tuy nhiên, những người chơi mới thì cần khởi động kỹ trước khi leo, bởi đây là môn chơi đòi hỏi sự vận động rất nhiều, có thể dễ dẫn đến bong gân hay đau khớp ngón tay.

Leo núi để vượt lên và chiến thắng chính bản thân mình

Môn chơi dành cho mọi người

Môn leo núi nhân tạo mới du nhập vào Việt Nam gần mười năm nay, còn tại các nước trong khu vực châu Á thì bộ môn này đã phát triển trước đó rất lâu. Nhật Bản là nước dẫn đầu với hơn 130 phòng tập leo núi trong nhà. Trung Quốc và Đài Loan có khoảng 25 phòng tập leo núi trong nhà và hơn 100 vách núi nhân tạo tại các trường đại học, trung tâm thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng. Số phòng tập leo núi trong nhà ở Malaysia là khoảng 30 phòng, Thái Lan có hơn 20 phòng, Indonesia và Singapore có hơn 12 phòng. Việt Nam hiện chỉ có khoảng trên dưới mười địa điểm leo núi nhân tạo trên cả nước, thu hút đông đảo người tham gia.

Một trong những người tiên phong đưa leo núi nhân tạo về Việt Nam là chàng trai người Canada Ken Fudge. Vốn là người ưa thể thao, đam mê chinh phục độ cao, anh quyết định mở trung tâm X-Rock với khoản chi phí hơn 200.000 đôla Mỹ. Đặc điểm chung của các ngọn núi nhân tạo là đều mô phỏng rất thực tế cấu trúc, hình dạng các vách núi tự nhiên với tính chất bằng phẳng, gồ ghề, thẳng đứng, vòm cung, dốc ngược, nghiêng chéo… Các vách núi dù tách biệt hay nối liền thì đều có sự liên kết với nhau để tạo nên một tổng thể núi đá giả lập khổng lồ với vô số chướng ngại vật và không gian hiểm trở đa chiều. Chính điều này là điểm thú vị kích thích sự khát khao chinh phục chướng ngại của các bạn trẻ cũng như rèn luyện sự kiên nhẫn của từng người.

Môn thể thao này không chỉ dành riêng cho người lớn mà hầu như mọi người đều có thể tham gia. Ông Huỳnh Văn Ráng, 83 tuổi, là một thành viên lâu năm của Câu lạc bộ X-Rock Climbing quận 3. Tuần nào, ông cũng từ Bình Dương lên TP. Hồ Chí Minh để tham gia leo núi cùng những người trẻ. Ông cho biết nhờ hơn 30 năm kiên trì tập dưỡng sinh nên đến nay ông vẫn cảm thấy vẫn khỏe mạnh và dẻo dai, có thể leo hết núi này sang núi kia, leo xong người khỏe hẳn ra, tinh thần thoải mái, ăn ngon ngủ tốt.

Phụ nữ cũng rất mê leo núi

Nhiều trường quốc tế cũng chọn leo núi là môn thể thao để bổ sung kỹ năng sống cho các em nhỏ từ 6-12 tuổi. Trẻ em xem đây là một sân chơi, vừa là nơi thư giãn đầu óc và giúp tư duy tốt hơn. Một số công ty cũng chọn dùng leo núi để huấn luyện đội nhóm (team building) cho nhân viên, vì leo núi giống như một cuộc chinh phục bản thân, chiến thắng nỗi sợ hãi và giúp đồng nghiệp gắn bó với nhau hơn.

Tuy vẫn còn là môn thể thao khá mới mẻ, lại có chi phí tương đối cao (150 ngàn đồng một giờ một người), nhưng leo núi vẫn là môn thể thao mà nhiều người chơi vẫn chọn để tập luyện mỗi đêm. Theo lời kể của anh Nguyễn Đức Thành, tại trung tâm leo núi quận 3 có nhiều gia đình rủ nhau luyện tập rất chăm chỉ, trong đó có gia đình anh Sơn chị Tuyết, cư ngụ tại đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận. Vợ chồng anh đưa ba con đến đây leo núi hằng đêm như một buổi học ngoại khóa cho con, vừa luyện tập sức khỏe cho mình. Có thể thấy leo núi không chỉ là hoạt động mang lợi ích sức khỏe thể chất đơn thuần mà còn đem đến niềm vui và sự tự do khám phá bản thân.

>Thiên đường leo núi dành cho ai không thích cáp treo Fansipan

>Bác sĩ Wade Brackenbury: Kinh doanh cũng giống như leo núi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sài Gòn, leo núi nhân tạo ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO