Startup và SME - hạt nhân của đô thị sáng tạo

TUYẾT ÂN| 29/11/2018 04:39

Cộng đồng startup và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là những hạt nhân của đô thị sáng tạo, nhưng làm sao tạo chính sách hỗ trợ và đánh thức tiềm năng để họ phát huy sự năng động và đổi mới sáng tạo?

Startup và SME - hạt nhân của đô thị sáng tạo

Bệ đỡ cho đổi mới sáng tạo

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần làm "bà đỡ" cho SME và startup để họ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới để tăng năng lực cạnh tranh.

Theo TS. Ahmad Magard - Liên đoàn Sản xuất Singapore, cần mở rộng sự hợp tác với các tổ chức giao thương trong và ngoài nước để các SME và startup có môi trường thuận lợi nuôi dưỡng sáng tạo. Chính phủ xem xét tạo ra cơ chế hỗ trợ cho SME, các quy định và chính nhà điều hành phải thân thiện với doanh nghiệp, tạo ra trung tâm một cửa cho SME phát triển, đa dạng hóa nguồn lực cho nền kinh tế.

Link bài viết

Bà Pipa Turvanen - Công viên Khoa học Turku (Phần Lan) chia sẻ, xây dựng đô thị thông minh cần gắn với tư duy đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và là động lực cho sự đổi mới sáng tạo. Vai trò của doanh nghiệp là rất cần thiết vì nhờ đó công trình của các nhà nghiên cứu được thương mại hóa, sáng kiến của sinh viên có thể được đi vào thực tiễn. Quốc tế hóa và số hóa không chỉ là những động lực của sự đổi mới và tạo dựng chính sách phát triển kinh tế, chúng còn tạo ra phương thức hoạt động hoàn toàn mới để các thành phố trở nên năng động và đáng sống hơn.

Bà Pipa Turvanen đưa ra ví dụ vùng Turku vốn là cụm sản xuất quan trọng nhất của ngành hàng hải Phần Lan với truyền thống đóng tàu từ thế kỷ XVIII, hiện khoảng 400 công ty công nghiệp hàng hải nằm ở đây với hơn 8.000 lao động. Nhà máy đóng tàu du lịch lớn và phức tạp nhất thế giới gắn với các giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Mạng lưới nhà thầu phụ chiếm hơn 80% giá trị của mỗi con tàu và Meyer trở thành công ty lớn, đổi mới sâu rộng không chỉ nội tại mà còn từ các quan hệ đối tác, từ các tập đoàn trong ngành hàng hải đến các công ty mới thành lập ở nhiều lĩnh vực khác để tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Không gian cung cấp kỹ thuật số hàng hải (MDSS) ra đời với sáng kiến nhằm hỗ trợ đổi mới ngành công nghiệp hàng hải đã tập hợp không chỉ các công ty hàng hải chủ chốt mà cả các ngân hàng và các nhà cung cấp công nghệ tài chính khác, các nhà tích hợp hệ thống và trường đại học để kiểm tra sự thích ứng tốt nhất của các công nghệ mới như blockchain, API và các giải pháp dựa trên điện toán đám mây.

"Các công ty khởi nghiệp, các trường đại học và sinh viên cần được xem là tài sản, những sáng kiến của họ được các công ty lớn hiện thực hóa, mở ra con đường phát triển các sản phẩm mới hoặc thậm chí các mô hình kinh doanh đóng góp có lợi", bà Pipa Turvanen nói.

Triển lãm của doanh nghiệp tại Diễn đàn

Triển lãm của doanh nghiệp tại Diễn đàn

Ông Tony Wheeler - cố vấn của Startup Vietnam Foundation chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu từ Úc: Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Úc trong 5 - 10 năm đã đạt được một số tiến bộ, đầu tiên tập trung ở Sydney và Brisbane rồi lan tỏa khắp nước Úc. Hệ sinh thái này trong 5 năm qua đã thay đổi từ những hành động rất cụ thể của chính phủ, thông qua hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân thành đạt đã tạo ra những kỳ lân (unicorn) đầu tiên.

Ông cũng cho rằng, muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, Việt Nam nên tự làm ra giải pháp chứ không chỉ nhập khẩu kỹ năng và kinh nghiệm. "Phải học hỏi kinh nghiệm và rút ra những kỹ năng và chuyên môn cho mục tiêu cuối cùng là có sản phẩm bằng chính năng lực của người Việt Nam", ông Tony Wheeler nhấn mạnh.

Phải có mô hình kinh doanh phù hợp

Ông Tony Wheeler cho rằng, một trong những thách thức của Việt Nam trước xu thế công nghiệp 4.0 là có quá nhiều công ty khởi nghiệp còn loay hoay trong việc số hóa để chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại. "Điểm yếu lớn nhất của những startup Việt Nam, theo tôi là chỉ đưa ra được ý tưởng sáng tạo nhưng lại không đủ nguồn lực để biến nó thành sản phẩm của thị trường".

Cũng theo ông Tony, có một phỏng đoán thiếu chính xác rằng, hầu hết startup là người trẻ trong khi thực tế trên thế giới, phần lớn các doanh nhân khởi nghiệp ở độ tuổi từ 30 - 50, độ thành công ở tuổi 45. Lý do vì họ đã có kinh nghiệm, hiểu bản chất của các ngành và các vấn đề liên quan, có tài chính để tự nuôi doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, xu hướng trẻ hóa đang gia tăng đối với Việt Nam là điều đáng chú ý, hoặc tỷ lệ nữ khởi nghiệp thành công cao hơn nam giới cũng là yếu tố đáng quan tâm.

Phiên tọa đàm về đổi mới sáng tạo đối với DN khởi nghiệp

Phiên tọa đàm về đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Lê Minh Nhựt - Quản lý Dự án Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương của Startup Vietnam Foundation nêu ra các điểm yếu của startup, như thiếu thông tin, tư duy ứng dụng công nghệ vào thị trường còn hạn chế và thiếu chú tâm tìm hiểu nguồn lực hỗ trợ.

Thực tế tại một số địa phương, việc hỗ trợ khởi nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, thiếu kết nối giữa các nguồn lực và thiếu chương trình tổng thể giữa các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, như các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hay cộng đồng khởi nghiệp nói chung.

Ông Nguyễn Việt Đức - Tổng giám đốc Công ty Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - khuyến cáo, nhiều startup còn quá chú trọng vào sự đam mê ý tưởng mà chưa phân tích khách hàng là ai, mức độ quan tâm thế nào, có bán được sản phẩm hay không. Trong 10 yếu tố để trở thành startup thành công, đa số các nhà khởi nghiệp mới chỉ có một, họ còn thiếu kỹ năng tiếp thị bán hàng, tìm kiếm nhà đầu tư, nhà cố vấn để hoàn thiện ý tưởng, chưa biết cách tìm kiếm các doanh nghiệp dẫn đầu để học hỏi.

Theo ông Hoàng Minh Trí - Giám đốc AiPac, việc Chính phủ thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp theo xu thế công nghiệp 4.0 chính là cơ hội cho các startup. Dữ liệu cho thấy 75% nhà khởi nghiệp thất bại nhưng khối doanh nghiệp có kinh nghiệm khởi nghiệp thì tỷ lệ thành công lên đến 75%.

Ông Trí lưu ý các công ty khởi nghiệp không phải là phiên bản nhỏ của các công ty lớn nhưng đây là sự nhầm lẫn của một số doanh nhân. Công ty khởi nghiệp không phải thực hiện theo đúng kế hoạch tổng thể và mô hình kinh doanh sẵn có của một công ty lớn mà là tìm mô hình kinh doanh phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup và SME - hạt nhân của đô thị sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO