Hạnh phúc là gì và bí quyết để hạnh phúc nhờ sự sáng tạo

19/11/2018 07:24

Nếu xem việc giải quyết được vấn đề, thỏa mãn được nhu cầu là điều kiện để một người trở nên hạnh phúc, thì việc giải quyết được vấn đề ở đây chính là sự sáng tạo.

Hạnh phúc là gì và bí quyết để hạnh phúc nhờ sự sáng tạo

Đó là nhận định của TS. Phan Dũng - Tiến sĩ Khoa học Toán – Lý, Thạc sĩ Sáng tạo và Đổi mới, nhà sáng lập, nguyên Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật, thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM tại buổi tọa đàm Xây dựng những người hạnh phúc nhờ sáng tạo diễn ra sáng 19/11.

Link bài viết

Giải thích một cách đầy đủ về câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, TS. Phan Dũng chia sẻ: “Từ điển giải thích rằng, một người hạnh phúc là một người vui vẻ, hài lòng do đạt được mong muốn của mình, hay nói cách khác là khi có nhu cầu và được thỏa mãn nhu cầu thì sẽ hạnh phúc. Trường hợp có mong muốn, có nhu cầu mà chưa thỏa mãn được, như trong môn học “Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” (của Trung tâm Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật) gọi là “có vấn đề”. Nếu xem việc giải quyết được vấn đề, thỏa mãn được nhu cầu là điều kiện để một người trở nên hạnh phúc, thì việc giải quyết được vấn đề ở đây chính là sự sáng tạo”.

Theo GS. Dũng, tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người đều có phát sinh vấn đề, nên đều cần đến sự sáng tạo. Cuộc đời của mỗi người cũng là một chuỗi những vấn đề cần giải quyết, nên cũng cần phải có sự sáng tạo. Sự sáng tạo cần thiết cho mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Nếu họ giải quyết tốt tất cả các vấn đề thì sẽ trở nên người hạnh phúc trong suốt cuộc đời mình.

“Sáng tạo là một đề tài... xưa như Trái đất. Gần đây, mọi người nói nhiều về sự sáng tạo, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… nên chúng ta cảm thấy nó mới mẻ. Nên có thể nói, đề tài sáng tạo vừa rất cũ vừa rất mới. Và dù có xảy ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta vẫn cần sự sáng tạo. Sự sáng tạo luôn cần thiết, luôn trẻ, “nghề sáng tạo” không bao giờ mất”, TS. Dũng nhận định.

xay dung nhung nguoi hanh phuc nho sang tao tien si phan dung doanhnhansaigonKhi Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt đặt vấn đề: Hạnh phúc phải chăng có gắn với triết lý giáo dục? TS. Dũng nêu quan điểm: “Hiện tại đã có một số ý kiến về việc đi tìm triết lý cho giáo dục đào tạo của Việt Nam, như: là xây dựng những người vừa hồng vừa chuyên, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thực học, thực nghiệm, nhất nghệ tinh nhất thân vinh… Theo tôi, nếu đặt câu hỏi “Để làm gì?” cho từng triết lý này, trả lời xong lại tiếp tục đặt câu hỏi “Để làm gì?”, mãi cho đến tận cùng, thì câu trả lời cuối sẽ là: Để những người được giáo dục, được đào tạo trở thành những người hạnh phúc. Vì hạnh phúc là đỉnh, là đích đến của con người”, tác giả cuốn sách Đổi mới giáo dục và đào tạo – Xây dựng những người hạnh phúc nhờ sáng tạo chia sẻ.

Nêu trải nghiệm cá nhân, ông Trần Xuân Hải – nhà sáng lập, CEO Missionizer (Công ty TNHH Người mang sứ mệnh), một trong những học trò của TS. Phan Dũng cho hay, cuộc đời mình đã thay đổi nhờ học được phương pháp luận sáng tạo từ TS. Dũng. Và một trong những điều quan trọng ông tự đúc rút từ phương pháp này là: Chúng ta phải có niềm tin rằng mọi thứ đều có thể nâng cấp được, nghĩa là luôn có phiên bản tốt hơn phiên bản hiện tại, và mọi bài toán trong cuộc sống đều có tồn tại lộ trình để giải được nó.

xay dung nhung nguoi hanh phuc nho sang tao tien si phan dung nguyen minh nhut doanhnhansaigon

TS. Phan Dũng (trái, cầm micro) và Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt tại buổi tọa đàm Xây dựng những người hạnh phúc nhờ sáng tạo

Nghĩ đến sự sáng tạo, đa phần mọi người đều nghĩ đến các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nhưng GS. Dũng khẳng định, thực ra sự sáng tạo có trong tất cả mọi lĩnh vực. “Những nước phát triển không thiếu tiền, họ chỉ thiếu ý tưởng, vì thế họ thường xuyên tài trợ cho các ý tưởng từ khắp nơi. Nếu có được sự sáng tạo và đổi mới, chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác quốc tế ở góc độ cá nhân”, ông nêu góc nhìn mới về sự hợp tác quốc tế dựa trên nền tảng sáng tạo.

Nói về việc tạo ra và thúc đẩy nguồn động lực sáng tạo, từ đó góp phần xây dựng đất nước, TS. Dũng nhận định, trong thời chiến, chúng ta phát huy tốt chủ nghĩa yêu nước, nhưng điều này không dễ dàng trong thời bình, vì lúc này, bản tính ích kỷ của con người sẽ trỗi lên. Do đó, điều cốt yếu là làm sao để chủ nghĩa yêu nước, để nguồn động lực sáng tạo biến thành động lực cá nhân của mỗi người. Đó chính là nguồn sức mạnh để đưa đất nước đi lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạnh phúc là gì và bí quyết để hạnh phúc nhờ sự sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO