![]() |
Dự báo nửa cuối năm 2017, áp lực lạm phát được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ dù điều này đòi hỏi giá hàng hóa phải thoát đáy thêm lần nữa chưa kể xu hướng tăng lương cần được gia tăng.
Nhận định trên được các chuyên gia thuộc Bộ phận Tư vấn Quản lý Tài sản của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra trong Báo cáo "Triển vọng thị trường toàn cầu" mới đây.
Từ quan điểm đầu tư, các chuyên gia tiếp tục kỳ vọng một danh mục đầu tư đa dạng hóa tài sản tạo ra lợi tức 4-5% khi lãi suất và lợi suất trái phiếu được kỳ vọng sẽ tăng từ từ. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa viẹc nhà đầu tư nên tiếp tục phân bổ vào các chứng khoán mang tính chu kỳ hơn là chỉ đầu tư vào chứng khoán có cổ tức cao.
Trước lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế trong tương lai, báo cáo cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến khủng hoảng. Một trong số đó đến từ kịch bản tín dụng tăng trưởng "nóng" đột biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong vài năm qua, giá trị định giá các tài sản tài chính đã tăng mạnh trên diện rộng nên khó có khả năng tạo ra khiến tín dụng tăng trưởng "nóng" đến mức dẫn đến lạm phát trong 12 tháng tới.
Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng nhẹ nhờ sự tăng trưởng tại châu Âu và châu Á, chưa kể nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất hai lần và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu dừng chương trình mua lại trái phiếu trong vòng 12 tháng tới.
Riêng tại khu vực châu Á, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ bật đà tăng trưởng với tốc độ trên mức trung bình so với các năm gần đây. Việc đồng Yên suy yếu từ hồi năm ngoái, cộng với sự hồi phục của tình hình thương mại quốc tế trong thời gian gần đây đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của nước này khởi sắc.
Ngoài ra, trong một năm tới, nhiều khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ không thể thắt chặt tiền tệ. Thay vào đó, cơ quan này sẽ duy trì các chính sách nới lỏng khi lạm phát lõi của Nhật đang ở mức 0% (ngoại từ ngành năng lượng và thực phẩm).
Tương tự, các nhà kinh tế bày tỏ lạc quan với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, tăng trưởng GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ khoảng 6,5% và các nhà điều hành sẽ thực hiện một số bước đi nhằm giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản vào quý IV – 2017. Điều này kéo theo khả năng chính phủ nước này sẽ duy trì một số chính sách kích cầu có chọn lọc, trong khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ ngắn hạn để giảm đòn bẩy tài chính.
Nửa cuối năm 2017 cũng là giai đoạn thế giới chứng kiến sự trỗi dậy lại của các nền kinh tế mới nổi, trong đó châu Á, báo cáo cho biết. Các chuyên gia chỉ ra, yếu tố giúp thúc đẩy nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhờ vào sự phát triển nền thương mại toàn cầu. Bởi, mặc dù tình hình xuất khẩu của cả khu vực bị chậm lại do một số tác động cơ sở, nhưng nhờ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc duy trì chính sách kích cầu về tài khóa đã hỗ trợ tiêu dùng trong nước, giúp duy trì mức tăng trưởng của cả khu vực.
>> TGĐ Standard Chartered Việt Nam: Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng