Trẻ thông minh và cách đánh giá

BS-CK1. ĐÀO THỊ YẾN THỦY| 02/11/2014 03:40

Giới chuyên môn đã thống nhất về việc đánh giá sự thông minh của trẻ em không phải chỉ dựa vào chỉ số IQ (Intelligence Quotient) mà còn xem xét các năng lực khác.

Trẻ thông minh và cách đánh giá

Giới chuyên môn đã thống nhất về việc đánh giá sự thông minh của trẻ em không phải chỉ dựa vào chỉ số IQ (Intelligence Quotient) mà còn xem xét các năng lực khác. Đó là quan điểm về sự đa dạng các kiểu thông minh ở trẻ.

Đọc E-paper

Sự thông minh của trẻ có thể là năng lực về logic (toán học), năng khiếu về từ vựng (ngôn ngữ), khả năng về thị giác (không gian), về âm nhạc, về thiên nhiên, tương tác giữa người với người...

Mỗi đứa trẻ đều đạt đến mức độ nào đó ở từng kiểu thông minh khác nhau. Mức độ này cao hay thấp thể hiện ưu thế hay hạn chế của cá nhân trong lĩnh vực đó.

Một đứa trẻ giải được bài toán khó chưa chắc giỏi hơn đứa trẻ khác trong lĩnh vực ngôn ngữ hay thiên nhiên. Vì vậy, vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ không nên rập khuôn hoặc áp đặt chung cho mọi trẻ, mà nên tìm hiểu, phát hiện những thiên hướng bẩm sinh. Mức độ thông minh không hằng định trong suốt cuộc đời mà có thể tăng thêm hoặc giảm đi tùy vào điều kiện học hành của trẻ.

Năng lực tư duy. Trẻ giỏi làm việc với những con số, có khả năng phân tích, tổng hợp, nhận định vấn đề logic, khoa học, có trí nhớ tốt, sau này dễ thành công trong lĩnh vực toán học, vật lý, tin học, thiên văn...

Năng lực ngôn ngữ. Trẻ nhanh nhạy và chính xác trong việc sử dụng từ ngữ, nhạy cảm và sáng tạo với ý nghĩa của từng câu chữ, có kỹ năng nói và viết tốt, có trí tưởng tượng phong phú, khả năng miêu tả, kể chuyện hấp dẫn là những tố chất giúp trẻ khi trưởng thành dễ thành công trong lĩnh vực văn học, ngôn ngữ học hay trở thành biên kịch, luật sư, diễn giả, người dẫn chương trình...

Năng lực biểu diễn. Trẻ có khả năng điều khiển những bộ phận trên cơ thể như mắt, miệng, tay, chân khéo léo và uyển chuyển trong động tác, có thể diễn tả hoặc truyền đạt cảm xúc qua hình thể, sau này rất phù hợp với các ngành múa, xiếc hay trở thành diễn viên, vận động viên thể dục dụng cụ, bơi lội, cầu thủ bóng đá...

Năng lực âm nhạc. Trẻ nhạy cảm với âm thanh và tiết tấu, có thể phân biệt và ghi nhớ các giai điệu, thường ưa thích bắt chước thể hiện hoặc sáng tạo các tổ hợp âm thanh thì sẽ làm việc tốt trong môi trường âm nhạc như ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công...

Năng lực thị giác. Trẻ có cảm giác tốt và chuẩn xác về không gian, tọa độ và bố cục, giỏi vẽ, thích tô màu, chơi xếp hình hoặc chế tạo những vật thể đẹp mắt thì nên hướng vào ngành họa, kiến trúc, điêu khắc hay lái tàu, lái máy bay.

Năng lực tương tác.

Trẻ tinh tế và nhạy cảm trong việc nhìn nhận, đánh giá con người và sự việc, nắm bắt cảm xúc của người khác thì sau này thường có óc tổ chức, khả năng thuyết phục và dễ gây ảnh hưởng, có tiềm năng làm nhà giáo, tư vấn, bán hàng, chính trị gia hay thủ lĩnh tôn giáo.

Năng lực nội tâm. Trẻ thường suy tư, có khả năng tập trung cao độ, làm việc độc lập hiệu quả, nhìn nhận sự việc sâu sắc... thì sau này có khả năng trở thành triết gia, nhà thần học, phân tâm học nổi tiếng.

Năng lực thiên nhiên. Khả năng này thể hiện ở sự nhạy cảm đối với các vật thể trong thế giới tự nhiên.

Trẻ hay tò mò, quan sát và tìm hiểu về cây cối và động vật, nắm bắt và học hỏi rất nhanh thông qua sự tương tác với thiên nhiên, với các hoạt động ngoài trời. Thiên hướng này khi trưởng thành dễ thành công nếu đi theo các ngành sinh học, môi trường, y học...

Để giúp trẻ có khả năng phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ và phát huy được tố chất sẵn có, phụ huynh cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt, học tập, vui chơi đa dạng cho trẻ. Cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận nhiều với môi trường, tự do thể hiện năng khiếu để phát hiện, bồi dưỡng tốt nhất các khả năng của trẻ.

>10 nước có chỉ số IQ cao nhất thế giới
>Nuôi dưỡng chỉ IQ cho trẻ
>
Khi IQ, EQ là không đủ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trẻ thông minh và cách đánh giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO