Thấp khớp và đôi mắt: Những điều nên biết

LÂM THU HƯƠNG| 28/11/2016 07:02

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) hay còn gọi là thấp khớp thường dẫn đến các cơn đau dữ dội ở khớp xương. Thấp khớp cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể, trong đó có đôi mắt.

Thấp khớp và đôi mắt: Những điều nên biết

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) hay còn gọi là thấp khớp thường dẫn đến các cơn đau dữ dội ở khớp xương. Thấp khớp cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể, trong đó có đôi mắt.

Đọc E-paper

Phần đông chúng ta đều biết đến bệnh thấp khớp. Tuy nhiên, ít ai biết, giống như các bệnh khác gây ra do hệ miễn dịch tự tấn công tế bào khỏe mạnh của cơ thể, bệnh thấp khớp có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh nhân thấp khớp chính là các vấn đề về mắt. Các bệnh lý về mắt này có thể phá hủy lớp màng sừng của võng mạc và dẫn đến suy giảm thị lực nếu không được chữa trị kịp thời.

Một số bệnh về mắt dưới đây có thể gây tác động xấu đến người bệnh thấp khớp, nhưng chớ lo lắng, các bước dưới đây giúp bạn bảo vệ sức khỏe thị lực cũng như ngăn ngừa những tổn thương vĩnh viễn.

Khô mắt

"Bệnh thấp khớp thường gắn liền với các biến chứng phát xuất ngoài khu vực khớp xương và khô mắt là biến chứng dễ gặp nhất", Tiến sĩ (TS) Y khoa Ana-Maria Orbai, giảng viên Khoa Xương khớp, Đại học Y Dược Johns Hopkins (Mỹ) cho biết. Theo đó, người mắc bệnh sẽ thấy ngứa, dặm (cảm giác như cát rơi vào mắt) và cảm thấy mắt khô, thiếu độ ẩm, có màu đỏ và nhìn bị mờ đi.

TS.Orbai cho biết, nhiều bệnh nhân tự mua thuốc chữa trị, nhưng cách điều trị tốt nhất vẫn là sử dụng thuốc nhỏ mắt theo toa của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ chuyên khoa sẽ kê toa thuốc phù hợp với những mục đích sử dụng khác nhau, ví dụ như thuốc chỉ dành cho buổi sáng hoặc ban đêm.

Nếu vẫn trung thành với phương án "tự điều trị”, bệnh nhân hãy tránh dùng các sản phẩm có chứa chất bảo quản hoặc các chất gây co mạch máu như một số chế phẩm của "Visine" hoặc "Clear Eye", vốn thường được gắn mác "làm hết mắt đỏ nhanh chóng" và "chống sung huyết", TS. Orbai cho biết thêm.

Với các trường hợp khô mắt nghiêm trọng, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp "bịt lòng lệ quản". Với phương pháp này, một tấm silicone nhỏ sẽ được dùng để bịt đầu vào của tuyến lệ, từ đó làm giảm quá trình thoát lệ khỏi mắt, khôi phục lại độ ẩm. Hoặc bác sĩ cũng có thể dùng thuốc nhỏ mắt Restasis (chứa Cyclosporine, chất ức chế hệ miễn dịch).

Viêm củng mạc

Viêm củng mạc là tình trạng viêm màng cứng bên ngoài tròng trắng. Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh bao gồm: mắt sưng, đỏ, đau (bệnh nặng), mờ, có vết rách và mẫn cảm với ánh sáng. Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cần tới ngay bệnh viện để được khám và điều trị. TS. Orbai nhấn mạnh: "Đừng chậm trễ khám bệnh, thời gian là yếu tố tối quan trọng trong việc ngăn chặn tổn thương mắt và suy giảm thị lực". Bác sĩ thường điều trị viêm củng mạc bằng các thuốc nhỏ mắt có chứa Corticosteroid để kháng viêm, hoặc các thuốc điều hòa hệ miễn dịch.

Viêm mống mắt và viêm màng bồ đào

Viêm mống mắt là một dạng của viêm màng bồ đào. Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm lớp giữa của mắt (uvea, nằm giữa củng mạc và võng mạc). Viêm mống mắt là tình trạng viêm tròng đen. Một số triệu chứng của bệnh gồm: mắt mờ, đỏ, đau, nhạy cảm với ánh sáng và có điểm nổi trong tầm nhìn (hạt nổi mắt).

Thuốc điều trị cho hai loại viêm này được kê tùy theo triệu chứng, nhưng có thể liệt kê một số như: thuốc nhỏ mắt chứa Corticosteroid, Trexall (methotrexate), Humira (adalimumab) và Remicade (infliximab). Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng tổng thể trước khi kê toa điều trị.

Biến chứng do thuốc

TS. Orbai còn cho biết, một số thuốc điều trị thấp khớp như Prednisone (có corticosteroid) và Plaquenil (hydroxychloroquine) có thể gây ra các biến chứng về mắt. Plaquenil trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể gây ra bệnh viêm võng mạc và dẫn đến suy yếu thị lực hoặc thậm chí mù lòa. Prednisone gây ra cườm nước hay cườm khô, hoặc làm cho bệnh trở nặng ở những người vốn đã mắc bệnh về mắt từ trước.

TS. Orbai lưu ý: "Những bệnh nhân sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến mắt nên thường xuyên đến khám bác sĩ để được theo dõi. Điển hình như người dùng Plaquenil nên đến khám bác sĩ hằng năm nhằm loại trừ viêm võng mạc. Nếu phát hiện tác dụng phụ, bác sĩ sẽ giảm liều dùng hoặc cho ngưng uống thuốc. Điều tiên quyết trong điều trị chính là giảm thiểu thời gian dùng thuốc. Sử dụng thuốc càng ít càng tốt."

Tất cả bệnh nhân thấp khớp nên khám mắt hằng năm. "Bác sĩ nhãn khoa là lựa chọn duy nhất cho việc chẩn đoán và loại trừ các bệnh về mắt ở người thấp khớp (nếu có)", TS. Orbai khuyên. Khi gặp các triệu chứng như ngứa, dặm, đỏ, đau mắt hoặc suy giảm thị lực, người thấp khớp cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.

Ngoài các triệu chứng trên, chứng đỏ mặt kèm nổi mụn cũng có thể dẫn đến bệnh lý về mắt. Hãy nhớ, điều cấp thiết nhất vẫn là đến khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.

>>Thực phẩm tốt cho xương khớp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thấp khớp và đôi mắt: Những điều nên biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO