Thảo dược ngăn chặn gốc tự do

ThS. CỔ ĐỨC TRỌNG| 19/09/2011 00:08

Gốc tự do là những phân tử có chứa một điện tử lẻ không ổn định, luôn sẵn sàng tấn công bất cứ một phân tử nào khác để chiếm đoạt điện tử và khi phân tử này bị phá hủy cũng trở thành gốc tự do và phá hủy các phân tử lân cận. Dùng thảo dược như là “món ăn - bài thuốc” cũng là một cách để ngăn chặn gốc tự do.

Thảo dược ngăn chặn gốc tự do

Nấm

Nấm thực phẩm hay nấm dượïc liệu đều có giá trị dinh dưỡng cao và giúp ngăn ngừa một số bệnh, trong đó có ung thư.

Ngoài những hợp chất sinh học được tổng hợp có trong từng loài nấm, tất cả các loài nấm đều có một hợp chất chung là b-glucan, đây là phân tử đường cấu tạo nên vách tế bào sợi nấm, có phân tử lượng khác nhau tùy loài nấm.

B-glucan có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, giúp tăng cường số lượng và gia tăng hoạt động của các đại thực bào.

Chính các đại thực bào là tế bào miễn dịch đầu tiên chống lại các tế bào lạ xâm nhập cơ thể kể cả các tế bào ung thư.

B-glucan cũng làm gia tăng và kích hoạt các cytokine, đây là các protein tối quan trọng chịu trách nhiệm xúc tác và điều hòa hàng loạt các phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Việc phối hợp sử dụng b-glucan làm tăng hiệu quả trong điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị do làm giảm tác dụng phụ của các liệu pháp này cũng như gia tăng hoạt động hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh.

Ngoài chức năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư chung, mỗi loài nấm đều có những tác dụng riêng tùy thành phần hoạt chất sinh học có trong nấm. Như nấm linh chi có những nhóm hợp chất đă tạo nên tác dụng kỳ diệu của loại nấm này.

Tác dụng chính của linh chi là nâng cao chức năng gan, điều hòa huyết áp, tim mạch, nâng cao thể chất, điều chỉnh cân bằng sinh lý, nâng cao khả năng kháng bệnh, khả năng phục hồi sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa.

Các nhóm hợp chất trong nấm linh chi hoạt động gián tiếp thông qua hệ miễn dịch, đánh thức khả năng đề kháng, tạo ra các tế bào sát thủ tự nhiên tiêu diệt các tề bào ung thư và những tế bào lạ có hại xâm nhập vào cơ thể.

Linh chi được xem là thượng dược từ xưa. Thượng dược được hiểu là không độc, không gây độc khi dùng nhiều và dài ngày, không tương kỵ với bất kỳ dược liệu nào khác.

Thường thì người ta hay dùng linh chi nấu với nước uống, đôi khi bỏ thêm một ít táo khô, đường phèn hay mật ong cho dễ uống vì linh chi có vị đắng.

Nhiều bài thuốc cũng phối hợp linh chi với một số vị thuốc khác như nhân sâm, hoàng kỳ, câu kỷ, artichaut...; phối hợp với các loại nấm khác như đông cô, hầu thủ, vân chi, thái dương... để tăng thêm tính năng và tác dụng.

Hoặc dùng nước linh chi nấu với thịt gà, các loại thịt khác để làm món súp bổ cho người bị suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy cần phục hồi sức khỏe.

Moringa

Ngoài nấm, Moringa cũng là thảo dược có tác dụng kháng oxy hóa. Moringa có tên khoa học là Moringa oleifera Lamk, tên dân gian là chùm ngây, mọc hoang khá nhiều ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Từ xưa, ở nhiều nước châu Á, người dân đã dùng cây chùm ngây để làm thuốc. Những phân tích về thành phần hóa học có trong lá cây chùm ngây sấy khô cho thấy protein cao hơn sữa 2 lần, vitamin C cao gấp 7 lần cam, vitamin A cao gấp 4 lần cà rốt, calcium cao gấp 4 lần sữa, sắt cao gấp 3 lần rau diếp...

Với hàm lượng dinh dưỡng cao như thế, lá cây chùm ngây được xem như một loại rau chống suy dinh dưỡng rất tốt, nhất là cho trẻ em. Ngoài ra, các vitamin A,C,E hiện diện cao trong lá làm Moringa có một số tác dụng quan trọng, trong đó tác dụng kháng oxy hóa làm tế bào chậm lão hóa, giảm các bệnh do môi trường gây ra.

Chẳng hạn, beta caroten có trong lá là tiền chất của vitamin A giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư. Beta caroten cũng có thể biến đổi thành vitamin nhóm B, trong đó, B1 là chất vận chuyển xung động thần kinh, rất quan trọng trong chức năng cơ nói chung và cơ tim nói riêng, cũng như đối với trí nhớ...

Vitamin C có trong lá chùm ngây giúp ngăn chặn quá trình sản xuất các gốc tự do, bảo vệ acid béo không no của màng tế bào, tác động gián tiếp bằng cách tái tạo vitamin E, chất chống oxy hóa chính của màng tế bào.

Ngoài ra, Moringa cũng tham gia vào cơ chế miễn dịch, chống nhiễm trùng vi khuẩn và virus, phòng ngừa ung thư theo 3 cơ chế: ức chế quá trình tạo nitrosamin (tác nhân gây ung thư) trong dạ dày và trung hòa một số độc chất; ức chế quá trình sản xuất các gốc tự do, kích thích hệ miễn dịch (gốc tự do gia tăng đến một khối lượng nào đó sẽ làm hư hỏng gen và có thể gây ung thư); bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thảo dược ngăn chặn gốc tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO