Nỗi niềm phụ nữ

Phương Nam| 26/10/2019 08:00

Tháng 10 sắp qua đi, tháng 11 lại sầm sập kéo đến, chẳng mấy chốc cuối năm bận rộn và những ngày Tết đầy ắp trách nhiệm phải hoàn thành. Đôi khi, những người phụ nữ có gia đình ước gì mình vẫn độc thân, để vô lo trước những bộn bề thường nhật.

Nỗi niềm phụ nữ

Tôi lại chợt nhớ, hôm trước đi dự lễ khai mạc một hội chợ triển lãm có tên là “Phụ nữ sáng tạo”. Đi xem hết một vòng, chẳng thấy mấy dấu ấn sáng tạo mà dường như chỉ toàn những sản phẩm bình thường ở đâu cũng có. Dạo qua quầy bán khăn, lựa dùm cô bạn chiếc khăn tặng mẹ, tự nhiên thấy chạnh lòng. Mình chả còn mẹ để được tặng quà trong những ngày này! Thôi, chọn mua tặng bà ngoại một chiếc lược sừng về làm quà. Thế mà đến mấy ngày sau, vẫn thấy bà chẳng chịu dùng, sợ phí (vì cái lược đang dùng vẫn tốt), cứ lo cất kỹ... Mình phải bảo: “Cháu mua cho bà cái lược chải rất êm để bà năng gội đầu cho thơm, cho sạch chứ cất đi làm gì. Đồ vật bây giờ có hiếm, có khó mua như trước đâu...”. Lại thấy chạnh lòng lần nữa. Tội nghiệp bà, bọn trẻ như mình ăn là ăn, tiêu là tiêu, thỉnh thoảng lại phá phách nổi loạn. Chẳng còn nhiều người có được cái đức hy sinh, ki cóp như bà, như mẹ. 

Nhận ra điều rất giản dị: Mỗi một con người lại có một nỗi niềm riêng. Cuộc đời người phụ nữ giống như một kho tàng bí mật mà không phải cứ hô “vừng ơi” là có thể mở ra. Người ta chẳng thể hô hào bình quyền cho phụ nữ nếu họ chưa tự giải phóng mình khỏi những nếp nghĩ, nếp lo, khỏi những cái toan tính rất vặt vãnh cứ bám chặt lấy cuộc đời. Nhưng nếu tự giải phóng “quá tay” thì sao nhỉ? Cái đức hy sinh tảo tần mất đi, người phụ nữ có còn là những người bà, người mẹ, người vợ tuyệt vời đáng yêu làm điểm tựa cho gia đình nữa không? Tôi không có câu trả lời cho điều này. Tôi bận nhớ đến những bài báo nhan nhản mỗi ngày: nữ sinh buông thả, tỷ lệ ly hôn tăng cao, người mẹ nhẫn tâm hành hạ con, người chồng tàn ác ra tay hạ sát vợ... Chuyện tốt thì người ta thản nhiên xem như là “việc phải thế”, nhưng chuyện xấu cứ được khai thác đủ mọi tình tiết, mỗi ngày lại “nhả” ra một ít để bán báo, “câu view” bằng cái sự tò mò của độc giả. 

Tôi lại nhớ, khi tôi còn học trung học, có mái tóc rất dài, dày mượt và đen bóng. Bà ngoại là người quý mái tóc của cháu hơn cả, cứ hễ tôi về quê chơi là bà lụi cụi đi cắt cỏ mần trầu, các loại lá bưởi và những thân, những lá cây đủ loại để tôi mang ra Hà Nội gội đầu. Còn khi gần bà, mỗi lần tôi gội đầu là bà lại ngồi chải cho đến khi tóc khô thì thôi. Có lần bà bảo: “Con đừng cắt tóc nhé, đàn bà tóc tốt thì sang”. Nhưng tự nhiên bà lại thở dài: “Ừ, nhưng sau này lấy chồng, nó mà quấn tóc vào thành giường nó đánh cho thì đố mà chạy...”. 

Tự nhiên thấy giật mình, một người phụ nữ như bà, cán bộ cốt cán ở huyện, từng làm đến huyện ủy viên, chủ tịch hội phụ nữ, huân huy chương đầy mình mà cũng thốt ra những câu đó sao? Ngày đó, cái tuổi 15-17 “ăn chưa no, lo chưa tới” mình không nghĩ được gì nhiều hơn. Nhưng sau này, tôi biết thêm nhiều cảnh đời khác trong xã hội, biết cả những chuyện ở “góc khuất” trong gia đình mình, với nỗi khổ tâm và khổ thân của mẹ. Chỉ biết thở dài, hiểu sao khi xưa bà buông câu ấy...

Chợt nghĩ, hóa ra cuộc đời người phụ nữ giống như một bức tranh có nhiều mảng màu ghép lại với nhau, ai xem được toàn bộ thì thấu hiểu và cảm thông, ai không bao quát được thì chỉ xem mảng nào, hiểu mảng đó mà thôi. Cũng như tôi, là con gái gần gũi và sẻ chia với mẹ nhiều nhất mà cũng chỉ hiểu mẹ phần nào, còn với bà ngoại thì hầu như không chia sẻ được nhiều dù bà yêu tôi, chăm tôi ghê lắm... Có lẽ chả ai hiểu hết được cuộc đời người phụ nữ. Ước gì còn mẹ tôi, để chạm vào bà, chia sẻ những gì đến hôm nay tôi mới hiểu...  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi niềm phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO