Cúm Trung Đông MERS – hiểm họa mới của nhân loại

TS-BS. VÕ XUÂN QUANG - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin (tổng hợp từ CDC, WHO, CNN, Nytimes)/DNSGCT| 16/06/2015 05:00

Cúm MERS (Middle East Respiratory Syndrome) là bệnh lý gây ra do một loại virus mới được phát hiện từ năm 2012 ở Arab Saudi.

Cúm Trung Đông MERS – hiểm họa mới của nhân loại

Cúm MERS (Middle East Respiratory Syndrome) là bệnh lý gây ra do một loại virus mới được phát hiện từ năm 2012 ở Saudi Arabia. Virus này vốn tập trung ở khu vực Trung Đông nhưng đến nay đã có xu hướng lan tràn trên khắp thế giới.

Đọc E-paper

Thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, đến ngày 5/6, tại Hàn Quốc đã có 50 ca bệnh được ghi nhận, bốn ca tử vong và hơn 1.500 trường hợp bị cách ly. Hàn Quốc đã chính thức trở thành một ổ dịch nguy hiểm và có nguy cơ trở thành nguồn lây lan cho cả cộng đồng nếu không được kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, dịch MERS đang diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở Hàn Quốc càng là điều rất đáng lo ngại cho Việt Nam. Vì Hàn Quốc là nước có hoạt động giao lưu thương mại, du lịch thường xuyên với nước ta.

Chỉ tính riêng số hành khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã lên tới gần 3.000 lượt người/ngày. Do đó, khả năng lây nhiễm MERS từ Hàn Quốc vào nước ta là rất lớn.

Virus MERS nguy hiểm không kém SARS

Tên gọi chính xác của virus cúm Trung Đông là MERS-CoV. Đây là một loại corona virus họ hàng gần với SARS-CoV – virus cúm đã gây nên trận dịch với 8.096 bệnh nhân, gây tử vong cho 774 người vào năm 2002 - 2003.

Các loại virus này đều mới được phát hiện gần đây và vẫn còn nhiều chi tiết chưa được làm rõ trong quá trình phát triển và gây bệnh.

Dơi được cho là loài ký chủ gây bệnh của cả hai loại virus này. Cầy hương được cho là ký chủ trung gian trước khi truyền bệnh cho người và các động vật có vú khác đối với SARS. Còn đối với MERS, lạc đà bị nghi ngờ là ký chủ trung gian tuy chỉ có một số ít ca nhiễm bệnh được phát hiện có tiền sử tiếp xúc với lạc đà.

SARS có tốc độ truyền bệnh khá nhanh (8.000 ca mắc bệnh trong 8 tháng) và tỷ lệ tử vong khoảng 10%. Ngược lại, MERS được cho là có tốc độ truyền bệnh chậm hơn (tuy những diễn biến gần đây có thể làm thay đổi nhận định này) nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 36%.

SARS thường gây bệnh trên người trẻ, mạnh khỏe trong khi MERS thường xảy ra ở các bệnh nhân lớn tuổi có bệnh đi kèm như ung thư, tiểu đường, suy thận, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mãn tính… Tỷ lệ tử vong của bệnh tuy cao nhưng thường có liên quan đến những căn bệnh kèm theo.

>>WHO thúc giục cảnh giác với virus tương tự SARS

Dịch MERS ở Hàn Quốc được cho là khởi phát từ một người đàn ông 68 tuổi, trở về nước ngày 4 - 5 sau khi đi qua bốn nước vùng Vịnh.

Bệnh nhân không có triệu chứng trong suốt chuyến bay, chỉ bắt đầu ho, sốt từ ngày 11/5. Mãi cho đến ngày 18/5, bệnh nhân này mới được kiểm tra MERS với kết quả dương tính và ông được đánh dấu là bệnh nhân số 1 trong trận dịch.

Có 24 bệnh nhân MERS khác đã được phát hiện sau đó. Một bệnh nhân nữ 58 tuổi đã tiếp xúc với bệnh nhân số 1, được chẩn đoán là suyễn và cuối cùng đã tử vong vì MERS tại một bệnh viện khác vài ngày sau.

Một bệnh nhân nam 40 tuổi cũng tiếp xúc với bệnh nhân số 1 trong cùng khoa, được chẩn đoán là viêm phổi và xuất viện nhưng sau đó phải nhập viện trở lại. Ngày hôm sau, hai bệnh nhân cùng phòng với anh ta có xét nghiệm MERS dương tính. Đó là những ca lây nhiễm cấp 3 đầu tiên được ghi nhận.

Ở vùng Đông Nam Á, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào cuối tháng 4 trên một bệnh nhân Malaysia trở về sau chuyến thăm viếng Thánh địa La Mecque.

Tại Việt Nam, tuy chưa có ca bệnh nào được báo cáo nhưng mức rủi ro là rất cao do mật độ di chuyển qua lại của cộng đồng người Hàn ở nước ta cộng với việc xuất khẩu lao động ở các nước vùng Trung Đông.

MERS chưa có thuốc phòng ngừa lẫn điều trị

Thực tế, số ca bệnh được ghi nhận chỉ là số người đã được xác nhận bệnh qua xét nghiệm dương tính. Một số lượng lớn bệnh nhân có biểu hiện cảm, sốt rất nhẹ có thể không đi khám hoặc không làm xét nghiệm MERS vẫn là những nguồn lây rất lớn và rất khó kiểm soát.

Vai trò của các nhà quản lý là rất quan trọng trong việc phát hiện những ca này để đưa ra biện pháp cách ly phù hợp, cũng là cách duy nhất để khống chế trận dịch.

Bệnh nhân MERS có các biểu hiện giống như các bệnh đường hô hấp trên với các triệu chứng thường gặp là ho, sốt và khó thở, một số bệnh nhân có thể bị nôn ói hay tiêu chảy. Những trường hợp nặng thì bị suy hô hấp cấp nhanh do viêm phổi hoặc suy thận, còn trường hợp triệu chứng nhẹ thì bệnh nhân thường dễ dàng bỏ qua, không đi khám bệnh.

Thời gian ủ bệnh thường khoảng 5 - 6 ngày. Virus cúm có thể lây qua tiếp xúc hoặc qua không khí khi bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh. Việc chẩn đoán MERS hầu như dựa chủ yếu vào dịch tễ học, tiền sử về di chuyển vào vùng dịch hay tiếp xúc với bệnh nhân bị MERS trước đó.

>>Cảnh báo cúm H7N9 từ Trung Quốc có thể lan vào VN

Toàn nhân loại đang tìm cách để hạn chế thấp nhất mức độ lây lan và gây bệnh của loại virus mới để không lặp lại những bài học đau thương về những trận dịch tả, dịch hạch, cúm, đậu mùa… với con số tử vong từ hàng triệu đến hàng chục triệu người.

Y học hiện đại đã tìm ra nhiều loại kháng sinh hiệu quả giúp loại trừ nguy cơ dịch bệnh do vi khuẩn (dịch tả, dịch hạch, bạch hầu, ho gà…) cũng như nhiều loại vaccine giúp loại trừ nguy cơ dịch bệnh do virus (đậu mùa, sởi, cúm…).

Tuy nhiên, MERS là một trong những căn bệnh không có thuốc phòng ngừa lẫn điều trị. Do đó, biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là tự bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng ngừa thông thường, xác định và cô lập người bệnh cho đến khi hết khả năng lây. Khả năng sống sót của người bệnh phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể và các điều trị hỗ trợ tại bệnh viện.

Vì MERS lây lan chủ yếu từ người sang người qua các giọt tiết hô hấp hay các vật dụng trung gian nên các biện pháp phòng ngừa thường là do ý thức của mỗi chúng ta.

>>Lo ngại một làn sóng đại dịch cúm H1N1 mới

Một số biện pháp phòng ngừa đơn giản cần được lưu ý:

- Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng khoảng 20 giây đồng thời hướng dẫn trẻ em cách rửa tay và khuyến khích các em thực hiện. Nếu không có nước và xà phòng có sẵn, có thể dùng các dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn.

- Che mũi và miệng khi ho hay hắt xì bằng khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác ngay. Nếu không có sẵn khăn tay, tập thói quen hắt xì vào tay áo thay vì dùng bàn tay bịt mũi hay miệng.

- Tránh sờ vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.

- Tránh tiếp xúc thân mật với người bệnh (ôm hôn, dùng chung ly, dụng cụ ăn…).

- Thường xuyên lau chùi và sát khuẩn những vật hay tiếp xúc như tay nắm cửa, điện thoại…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cúm Trung Đông MERS – hiểm họa mới của nhân loại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO