Bớt “căng” để khỏe

Ý LỮ| 27/02/2010 05:39

Doanh nhân thường được xem là người hạnh phúc, bởi họ thành đạt, có nhiều tiền của, quyền lực. Thế nhưng, những “ưu điểm” để đạt hạnh phúc của doanh nhân cũng chính là mối nguy của họ.

Bớt “căng” để khỏe

Doanh nhân thường được xem là người hạnh phúc, bởi họ thành đạt, có nhiều tiền của, quyền lực. Thế nhưng, trên một tạp chí viết về doanh nhân, tác giả Nguyễn Tường Bách lại cho rằng, những “ưu điểm” để đạt hạnh phúc của doanh nhân cũng chính là mối nguy của họ.

Và hơn ai hết, doanh nhân rất dễ mất hạnh phúc. Đầu tiên, sức khỏe của họ thường bị đe dọa do làm việc quá nhiều, lại luôn lo âu, căng thẳng, thậm chí cả bực tức nữa. Hơn nữa, doanh nhân thường đồng hóa sự nghiệp với chính mình. Nhiều doanh nhân khi công ty bị phá sản đã tự tử vì tuyệt vọng.

Mặt khác, do quá coi trọng sự nghiệp, tập trung cao độ để đạt thành công nên doanh nhân thường mắc bệnh “ghiền” công việc, một thứ tâm bệnh mà phương Tây gọi là workaholic. Đó là những người không thể không làm việc, luôn nghĩ đến công việc ngay cả lúc nghỉ ngơi. Và một người luôn lo lắng, căng thẳng, mất thăng bằng tâm lý và nô lệ công việc thì làm sao tinh thần nhẹ nhõm và hạnh phúc?

Tôi thường nghe “phu nhân” của nhiều doanh nhân than thở: “Ông xã mình làm việc căng thẳng lắm, hết việc công ty đến họp hành, hội nghị, tối tối lại theo các khóa học kinh tế, quản trị, ăn uống thất thường, làm việc tới tận khuya. Nhiều lúc công việc không suôn sẻ, về đến nhà không cáu gắt, cau có thì cũng suy tư, ít nói, ít cười. Đã có lúc bị thầy thuốc cảnh báo: Không điều chỉnh sớm sẽ có ngày mang căn bệnh “lao tâm, là nguyên nhân gây ra vô số căn nguyên ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy mà ổng vẫn lơ là”.

Theo các nghiên cứu mới về y học, những người hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày sẽ có sức khỏe tốt, nhất là hệ tim mạch khỏe mạnh, giúp giảm nguy cơ bệnh tật. Còn hay lo nghĩ, ít cười, hay cau có và ít cảm thấy thư thái, hạnh phúc sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố gây ra các hoạt động sinh học, mà các hoạt động này lại có mối quan hệ với bệnh tật. Phân tích của các bác sĩ y khoa trên tạp chí Newscientist cho thấy, nếu nam giới hạnh phúc, lượng coctizon cả ngày của họ sẽ ít hơn.

Coctizon là hóc-môn gây stress mức độ cao, được cho là có liên quan đến bệnh tiểu đường type II và bệnh tăng huyết áp. Còn đối với nữ giới thì khi hạnh phúc, nhịp đập trung bình của tim sẽ thấp hơn. Nhịp tim thấp cũng liên quan đến tình trạng của hệ tim mạch. Khi bộ não hoạt động trong trạng thái tinh thần hạnh phúc có thể làm giảm những phiền muộn và cáu kỉnh trong cuộc sống hằng ngày.

Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan trên tờ Psychosomatic Medicine, nam giới làm việc với mức độ căng thẳng cao có nhiều dấu hiệu hẹp động mạch sớm hơn những người khác. Đặc biệt, có mối liên quan giữa công việc căng thẳng với bệnh xơ vữa động mạch, chứng bệnh làm tổn hại lưu thông máu và dẫn đến đột quỵ hoặc lên cơn đau tim.

Đối với các doanh nhân nữ, căn bệnh lo toan, nhất là “tham việc”, có lẽ còn “trầm kha” hơn cả nam giới. Về điều này, cảnh báo của các bác sĩ cũng chỉ rõ: “Thường xuyên căng thẳng trong công việc sẽ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ. Bởi căng thẳng dẫn đến tăng lượng estrogen, hóc-môn có khả năng gây bệnh. Thêm vào đó, căng thẳng trong công việc còn làm thay đổi thói quen, hành vi của nhiều người, như hút thuốc, uống rượu bia nhiều, lười tập thể dục. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh này”.

Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, khó ngủ, ăn không có cảm giác ngon miệng, sự tập trung và trí nhớ giảm sút, dễ cáu giận, có những cách ứng xử không bình thường, không kềm chế được cảm xúc... là những dấu hiệu bị căng thẳng. Cách khắc phục là uống nhiều nước (khoảng 4 - 8 lít mỗi ngày), không uống cà phê và nước uống có gas, dẹp công việc qua một bên, đi quanh văn phòng để đầu óc được thư thái, hoặc đi ra ngoài hít thở khí trời, ăn một chút hoa quả tươi...

Song, quan trọng nhất là phải thay đổi cách nghĩ, không quá tham việc để cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách chơi thể thao, tham gia một vài môn nghệ thuật, dành thời gian đi du lịch hoặc gia nhập vào các hoạt động xã hội, hội, nhóm...

Ở một số nước, nhất là Nhật Bản, doanh nhân thường chọn thiền định như một phương pháp thư giãn cho nội tâm, giúp giảm áp lực do công việc hằng ngày gây ra. Kết quả cho thấy, sau kỳ thiền định, doanh nhân không hề lơ là trong công việc, mà ngược lại tích cực và sáng tạo hơn, đồng thời đạt được sự quân bình giữa công việc và cuộc sống riêng tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bớt “căng” để khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO