6 chất làm ngọt nhân tạo gây hại cho sức khỏe

LYNH LAN| 11/02/2019 07:00

Các nhà khoa học đã phát hiện 6 chất làm ngọt gây hại cho sức khỏe, trong đó đáng chú ý nhất là tác hại tiêu diệt vi khuẩn có lợi đối với đường ruột.

6 chất làm ngọt nhân tạo gây hại cho sức khỏe

Ảnh minh họa. Nguồn: Doctoroz

Chất làm ngọt nhân tạo là chất thay thế cho đường, tuy có vị ngọt đậm nhưng chứa rất ít năng lượng nên được dùng phổ biến trong các loại thực phẩm nhằm cung cấp dinh dưỡng (như nước ngọt có ga) hoặc có lượng calorie thấp (dành cho bệnh nhân cần kiêng đường hoặc muốn giảm cân). Nhưng theo Daily Mail, các nhà khoa học đã phát hiện 6 chất làm ngọt gây hại cho sức khỏe, trong đó đáng chú ý nhất là tác hại tiêu diệt vi khuẩn có lợi đối với đường ruột, mà các chất này đều được phê chuẩn sử dụng cho thực phẩm và đồ uống tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). 6 chất này gồm: aspartame, sucralose, saccharine, neotame, advantame và acesulfame potassium-k.

Link bài viết

Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm giáo sư tại Đại học Ben-Gurion (thuộc Đại học Công nghệ Negev và Nanyang ở Singapore). Sau khi cho lần lượt 6 chất làm ngọt kể trên tiếp xúc với vi khuẩn thường được tìm thấy trong ruột người (những vi khuẩn này đã được biến đổi gen để có thể chứa được các hợp chất huỳnh quang phát sáng khi cơ thể chúng bị nhiễm độc tố), các vi khuẩn này đã phóng thích độc tố, biến đổi thành vi khuẩn độc hại. Khối lượng chất làm ngọt nhân tạo càng cao thì càng có nhiều chất độc được phóng thích. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu - GS. Ariel Kushmaro cho biết: “Các chất làm ngọt nhân tạo này ban đầu sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của vi khuẩn đường ruột, về lâu dài có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe khác”.

Tương tự, các nhà nghiên cứu từ Đại học Manitoba (Canada) cũng đã tiến hành một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên với 1.003 người được theo dõi trong 6 tháng về ảnh hưởng của chất làm ngọt nhân tạo (cụ thể là aspartame và acesulfame potassium-k) đối với việc giảm cân. Xét nghiệm máu cho thấy sự khác biệt đáng kể về nồng độ sinh hóa, chất béo và axit amin.

Các nhà khoa học kết luận rằng, chất làm ngọt thay đổi cách cơ thể xử lý chất béo và sử dụng năng lượng, từ đó có thể làm cho bệnh béo phì trầm trọng hơn, làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cùng với các biến chứng liên quan.

Một nghiên cứu của Đại học Boston phát hiện ra rằng những người uống các loại thức uống có chứa chất làm ngọt nhân tạo (dù chỉ ở số lượng thấp như mỗi ngày một lon nước ngọt) cũng đủ để làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và suy giảm trí nhớ gần gấp 3 lần so với những người không uống.

Ngoài ra, một nghiên cứu tại Đan Mạch trên 59.334 phụ nữ được theo dõi trong 6 năm đã phát hiện ra nguy cơ sinh non đối với những người sử dụng hằng ngày thức uống có bổ sung chất làm ngọt nhân tạo.

Do đó các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai và trẻ em nên tránh sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo hoặc nếu có sử dụng thì nên ở mức độ vừa phải.

Một kết quả nghiên cứu khác cho thấy, aspartame được sử dụng nhiều trong sản xuất soda và các loại thực phẩm có hàm lượng calorie thấp nhưng nó lại chính là thủ phạm gây đau đầu, khó chịu sau khi ăn, thậm chí còn gây hại cho tế bào não. Cũng qua nghiên cứu, mỗi ngày uống 2 lon soda có thể làm tăng nguy cơ béo bụng tới 50%, tăng đường huyết và khi được cơ thể tiêu hóa sẽ tạo ra chất formadehyde làm gia tăng nguy cơ ung thư cho con người.

Cần lưu ý, loại chất làm ngọt nhân tạo mang tên aspartame có mặt trong nhiều loại bánh kẹo, nước ép trái cây, trong các sản phẩm dán nhãn “không đường” như kẹo cao su, nước ngọt không đường, nước ngọt cho người ăn kiêng… và ngay cả trong một số thuốc, sản phẩm bổ sung vitamin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 chất làm ngọt nhân tạo gây hại cho sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO