Sơn Tiki: Đường dài mới biết sức ngựa

10/09/2014 07:19

Nghe Trần Ngọc Thái Sơn kể chuyện cạnh tranh với đại gia thương mại điện tử quốc tế.

Sơn Tiki: Đường dài mới biết sức ngựa

Nghe Trần Ngọc Thái Sơn kể chuyện cạnh tranh với đại gia thương mại điện tử quốc tế.

Trần Ngọc Thái Sơn, Sáng Lập kiêm Giám đốc Ðiều hành Tiki.vn

Tăng trưởng doanh thu 300% mỗi năm, nhưng Trần Ngọc Thái Sơn, Sáng lập kiêm Giám đốc Ðiều hành website thương mại điện tử Tiki.vn vẫn cho rằng mình mới chỉ vừa rời vạch xuất phát.

Sau 4 năm gặp lại, ở tuổi 33, Sơn trông vẫn không già hơn mấy, chỉ có một sự khác biệt rõ nét là anh ngày càng nhạy bén trong tư duy kinh doanh và luôn lạc quan khi bàn về ngành thương mại điện tử. “Room ngành này còn rộng lắm, giống như đại dương xanh vậy vì Việt Nam chỉ mới bước vào thời kỳ đầu”, Sơn tiếp chuyện với người viết tại tầng trệt của khu căn hộ cao cấp Imperia An Phú Q.2, TP.HCM, nơi anh cùng gia đình riêng dọn về mới được hơn một năm.

Từ mô hình nhà sách trực tuyến ra đời hồi năm 2010, nay Tiki.vn đã trở thành website thương mại điện tử với hơn 600 thương hiệu của khoảng 60.000 sản phẩm thuộc 9 ngành hàng khác nhau. Sơn Tiki đã có buổi trao đổi về những thông tin liên quan.

* Cơ hội tăng trưởng của Tiki.vn trong thời gian tới ra sao, khi Công ty đang tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm như hiện nay?

- Kết quả tích cực này được tạo nên từ 2 yếu tố chính là xu hướng tăng trưởng chung của thị trường và chiến lược đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh của Tiki.vn thời gian qua.

Năm qua, doanh thu toàn ngành thương mại điện tử đạt mức 2,2 tỉ USD. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 4 tỉ USD vào năm sau khi Việt Nam có khoảng từ 40-45% dân số sử dụng Internet.

Đối với chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, từ mô hình ban đầu là nhà sách trực tuyến, Tiki.vn đã liên tục lấn sang 8 lĩnh vực mới là điện thoại - máy tính bảng, thiết bị phụ kiện số, điện gia dụng, đời sống, làm đẹp - sức khỏe, văn phòng phẩm, đồ chơi - hàng lưu niệm và thời trang.

Mức tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm được tạo nên từ việc tăng tương ứng sản lượng đơn hàng, doanh thu và lượng truy cập. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung mạnh cho mảng Hàng gia dụng và Làm đẹp. Đây là lĩnh vực chưa có công ty thương mại điện tử nào có thể dẫn dắt thị trường trong nước. Tại các quốc gia châu Á khác, đây cũng là mảng có xu hướng phát triển nhanh.

* Tiki.vn đã “thay da đổi thịt” thế nào kể từ khi bắt tay với CyberAgent và Sumitomo?

- Trở thành website thương mại điện tử đa ngành là mục tiêu dài hạn của Tiki.vn và sự tham gia của 2 nhà đầu tư Nhật càng tạo thêm sức mạnh tài chính cho chúng tôi.

Điểm cộng lớn nhất đối với Tiki.vn là được tăng cường năng lực quản lý tài chính chuyên nghiệp theo đúng chuẩn của một công ty thương mại điện tử ở Nhật hiện nay.

Đối với một công ty khởi nghiệp như Tiki.vn, ưu điểm lớn nhất là sự năng động và nhanh nhạy. Vì vậy, trong quá trình phát triển, 2 đối tác Nhật này sẽ giúp chúng tôi cân bằng lại các vấn đề rủi ro về hàng tồn kho, rủi ro trong quản lý tài chính, quản trị chuỗi cung ứng...

Điều này rất tốt vì các công ty trong nước thường đưa ra ý tưởng hay, nhưng lại hay bị vướng ở khâu quản lý rủi ro nên dẫn đến thất bại. Đối với các công ty nước ngoài kể cả doanh nghiệp Nhật trong ngành thương mại điện tử, việc hoạch định chiến lược phát triển thường luôn tính tới cả yếu tố quản trị rủi ro trong những tình huống xấu nhất, hoạch định chiến lược có thể chưa giúp doanh nghiệp đạt được thắng lợi, nhưng ít nhất cũng giúp họ tồn tại trong những lúc khó khăn nhất.

* Sự góp mặt của 2 nhà đầu tư Nhật cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa Nhật sẽ được phân phối mạnh hơn thông qua Tiki.vn?

- Hoàn toàn chính xác và đây cũng là một trong những kế hoạch lớn của Công ty vào thời điểm cuối năm sắp tới, vì quý I và quý IV thường là khoảng thời gian ăn nên làm ra của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Tuy nhiên, sản lượng hàng Nhật có tăng đột biến hay không còn tùy thuộc vào chủng loại hàng và giá cả.

Đơn cử, Tiki.vn sẽ tập trung mạnh cho ngành hàng mỹ phẩm trong thời gian tới. Nhưng một số thương hiệu mỹ phẩm của Nhật thường đắt tiền nên cũng cần khảo sát thị hiếu và mức độ tiêu dùng của khách hàng trước khi ra quyết định.

* Khâu quản trị chất lượng chuỗi cung ứng, một mắt xích quan trọng của thương mại điện tử hiện được Tiki.vn triển khai ra sao?

- Dịp Tết vừa qua, Công ty đã đầu tư kho hàng mới rộng 3.000 m2 lớn gấp 6 lần kho cũ, đạt chuẩn quốc tế gồm 10 cửa khác nhau. Hàng hóa được nhập vào kho từ hàng trăm nhà cung cấp theo hình thức mua đứt, ký gửi và công nợ. Mỗi nhóm ngành hàng được “deal” với nhà cung cấp theo chuẩn khác nhau.

Kho hàng này cho phép xử lý khoảng 100.000 đơn hàng mỗi tháng. Công ty thực hiện việc tích hợp hệ thống với các đối tác ngay tại kho và xử lý đơn hàng trong vài giờ. Sau đó, hàng hóa sẽ được đẩy qua cho các đối tác giao hàng ngay tại kho để đi giao trong vòng 24 giờ. Quyết định đầu tư kho hàng mới là kết quả của chuyến viếng thăm một doanh nghiệp thương mại điện tử có lịch sử phát triển hơn 10 năm tại Nhật. Năm sau, Tiki.vn dự kiến sẽ đầu tư một kho với qui mô tương tự ở Hà Nội.

* Mô hình marketplace C2C đang được nhiều công ty thương mại điện tử thực hiện. Liệu Tiki.vn sẽ triển khai thêm mô hình này?

- Nhu cầu tiêu dùng của người Việt đối với mô hình C2C là rất lớn. Hiện các kênh phân phối hiện đại trong nước chỉ chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ cả nước và chợ truyền thống vẫn khá phổ biến. Tôi nghĩ hình thức chợ trực tuyến cũng thế vì số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất lớn.

Tuy nhiên, chợ trực tuyến phát sinh một vấn đề là làm sao tạo được niềm tin tuyệt đối cho khách hàng. Đây cũng là vấn đề mà Tiki.vn đang rất trăn trở để có thể tạo được sự khác biệt khi ra mắt mô hình C2C trong tương lai. Nếu triển khai C2C mà vẫn giống như các website rao vặt đang xuất hiện nhan nhản thì sẽ không đúng như định hướng ban đầu là xây dựng niềm tin đối với khách hàng.

C2C có 2 dạng là rao vặt trực tuyến và B2B2C (từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp rồi tới khách hàng) như mô hình của đại gia Rakuten (Nhật) hay Tmall (Trung Quốc). Một trong những lợi thế lớn nhất của C2C là giúp đa dạng hóa về sản phẩm, nhưng nếu không thể quản trị tốt thì Tiki.vn sẽ chưa vội làm.

* Tiki.vn đang gặp phải trở ngại nào?

- Mô hình của chúng tôi là B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) vốn đang khá phổ biến tại Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện chỉ xếp sau Indonesia nhờ lợi thế về cấu trúc dân số với hơn 50% có độ tuổi dưới 30.

Hai thách thức lớn nhất của thương mại điện tử trong nước vẫn là phương thức thanh toán và chất lượng giao hàng. Cụ thể hơn, đó là hệ sinh thái của ngành này, nghĩa là các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn chưa thể hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng xây dựng nên một hệ sinh thái vững chắc từ khâu cung cấp hàng, xử lý đơn hàng tới khâu giao hàng và sau cùng là thanh toán. Hệ quả là mỗi công ty phải tự làm và dẫn tới bị phân tán nguồn lực.

Ví dụ, việc thay đổi thói quen thanh toán của một thị trường với hàng chục triệu người dùng là không đơn giản. Nếu các công ty thương mại điện tử có thể ngồi lại với nhau để đưa ra một giải pháp tối ưu và khác biệt thì mới có thể thuyết phục khách hàng thay đổi hành vi thanh toán được. Trong khi đó, đây lại là thế mạnh của các đối thủ nước ngoài.

* Ai là đối thủ lớn nhất của Tiki.vn?

- Chính là Lazada. Mới đây, thông tin về sự xuất hiện của thương hiệu VinEcom cũng khá thú vị với mô hình C2C gồm 12 ngành hàng khác nhau và 1,3 triệu mặt hàng.

Hy vọng đây sẽ là bước đột phá của ngành thương mại điện tử trong nước. Vì vậy, có thể nói mục tiêu khởi nghiệp của Tiki.vn đã tạm ổn, nhưng con đường để giúp Tiki.vn trở thành số 1 trong ngành thương mại điện tử vẫn còn khá dài. Nhưng đường dài mới biết ngựa hay.

>Khách hàng nữ là tương lai của chợ online
>Sẵn sàng khởi nghiệp và sẵn sàng thất bại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sơn Tiki: Đường dài mới biết sức ngựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO