TS. Vũ Anh Tài đã bắt đầu hành trình chinh phục hang Sơn Đoòng bằng đôi chân điền dã không mệt mỏi và ý chí khám phá của một nhà khoa học trẻ. Trước khi Sơn Đoòng xuất hiện trên chương trình truyền hình "Good Morning America" của đài ABC (Mỹ) làm hàng triệu người xem mê mẩn thì Vũ Anh Tài đã trầm trồ: "Oh, jungle forest in the cave!" (tạm dịch: Ô, rừng trong hang!). Đúng như nhận định của một chuyên gia trong đoàn thám hiểm khám phá hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.
Đọc E-paper
Nhâm nhi "hàng độc"
Không một loại phương tiện nào thay thế được đôi chân của người đi khám phá Sơn Đoòng khi phải vượt qua 11km đường rừng để vào được hang Én. Vũ Anh Tài kể: "Chặng khởi đầu này đã làm nhiều người đuối sức, nhưng với tôi, đây là chuyện hết sức bình thường. Khát khao khám phá những bí mật của đệ nhất hang động nên tôi chẳng thấy mệt mỏi chút nào".
Dường như hành trình thú vị và hao tốn nhiều năng lượng này mới là dịp để giải phóng sức trẻ dẻo dai của một nhà khoa học đã từng leo lên đỉnh Phan Xi Păng, không ít lần treo võng ngủ rừng, băng suối, vượt qua vực thẳm để thực hiện điền dã. Vũ Anh Tài tận dụng từng giây phút để ghi lại hình ảnh của những loại hoa, cỏ dọc đường nhằm bổ sung vào bộ sưu tập của công việc nghiên cứu.
Đêm đầu tiên, đoàn tập kết tại vòm ngoài của hang Én. Trên mái vòm rất rộng của hang là tảng núi đá vôi, phía dưới là dòng suối lượn quanh, phong cảnh sơn thủy thật hữu tình. Cá bắt dưới suối, lửa được nhóm lên, mươi phút trôi qua, người khuân vác đã chế biến xong món cá nướng. Ngọt nơi đầu lưỡi là vị cá, nồng cay trên môi là mùi rượu quê nấu từ gạo, cạn hết hai chai ngay đêm đầu. Các bạn ngoại quốc trong đoàn gật gù khen món cá nhắm rượu ngon... không chê vào đâu được.
Ai mà nỡ dửng dưng không ngắm cánh én trong một cuộc hành trình qua hang Én trong mùa Xuân này? "Tôi đã thấy hàng vạn con chim én về hang làm tổ. Đến nỗi, trên nền cát chúng tôi đi qua, phân chim én xếp thành từng lớp. Rải rác mấy xác én già khi về với đất cũng không muốn tha phương", Vũ Anh Tài nhớ lại.
Cửa hang Sơn Đoòng đây rồi, sau một ngày cả đoàn "chân cứng đá mềm" đi tới. Rợn người khi đứng trên miệng hang ngó xuống đáy sâu thăm thẳm, gió thổi ra hun hút. Nếu không có công cụ leo núi chuyên nghiệp trợ giúp thì chẳng ai có thể len nổi vào hang, kể cả ông Hồ Khanh - người đã tìm ra cái hang này vào năm 1991.
"Khi nghiên cứu hang Sơn Đoòng, tôi hy vọng tìm ra những loài thực vật mới cho khoa học với sự khác biệt về sinh cảnh. Tuy nhiên, qua hai chuyến đi khảo sát và tìm kiếm, tôi khẳng định không có loài nào mới cả. Điều đặc biệt là trong suốt hành trình, ngoài một số loài chim, đoàn thám hiểm chỉ gặp duy nhất một con rắn roi", TS. Vũ Anh Tài cho biết. |
Đêm thứ hai, phân nửa đoàn nghỉ trong miệng hang, nửa còn lại đóng lán trên miệng hang. "Vì đặc trưng công việc khảo sát thực vật nên tôi ở trên miệng hang cho tới sáng hôm sau. Đó là buổi sáng cuối cùng trong hành trình mà tôi được tận hưởng ánh sáng mặt trời trước khi đi sâu vào lòng hang tối tăm, ẩm ướt và trơn trợt", nhà khoa học trẻ giải thích.
Sau một ngày tìm kiếm các lối đi trong hang Sơn Đoòng, nhóm chuyên gia đã thấm thía thế nào là cảm giác chinh phục được "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm.../ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" như thi sĩ Quang Dũng viết trong bài thơ Tây Tiến (1948). Có những vách hang cao gần 50m khiến cả đoàn phải hì hục buộc dây để trèo qua, hao sức vô cùng. Một số thành viên được đoàn phân công ở lại cửa hang, Anh Tài và một nhà khoa học nữa đi tiếp cùng nhóm chuyên gia ngoại quốc do ông Howard Limbert dẫn đầu.
Xốc lại tinh thần, đoàn tiếp tục đi tìm các hố sụt (doline) trong hang. Hang tối thui, đèn pha bật sáng, những dây nối neo chắc hai bên bờ do các chuyên gia hang động thiết kế đã giúp đoàn băng qua dòng sông nước chảy xiết. Ánh sáng của đèn pha, đèn pin đeo trên đầu đã khiến các lớp nhũ đá, nhiều ao hồ dưới đáy hang hiện ra trong tầm mắt. Không ai than mệt, ai cũng mải mê khám phá những bí mật của hang, không lãng phí một tích tắc di chuyển trong hang.
Đêm tiếp theo, cả đoàn ở lại vòm hang ngay cạnh hố sụt thứ hai. Nền hang này có lớp bột cát phong hóa từ đá vôi rất dày. Chúng tôi cắm trại trên cát, y như đang ở bãi biển Thiên Cẩm (Hà Tĩnh) thơ mộng vậy. Củi khô được nhóm lên. "Tôi lôi hai lon cà phê uống liền Birdy từ trong ba lô ra. Cả nhóm ồ lên: "Hàng độc". Vũ Anh Tài sung sướng cùng cả nhóm nhâm nhi cà phê, rồi thưởng trà cho đến khi đồng hồ báo sáng.
Bắt đầu một ngày mới trong hang, đoàn chia thành các nhóm để thuận tiện cho công việc khảo sát cụ thể của mỗi thành viên. Đến tận cùng hang Sơn Đoòng, đoàn phát hiện một thác nhũ cao hơn 80m, đẹp lung linh!
Tạo hóa đã dày công kiến tạo hang Sơn Đoòng xứng danh "đệ nhất hang động". Ở hố sụt thứ nhất, đoàn thám hiểm đã nao lòng vì được nhìn thấy ánh sáng từ bên ngoài rọi vào. Ngửa mặt lên trời, nhìn theo vách hang dài hàng trăm mét, thấy được trời xanh. Nhìn ra xung quanh thấy mênh mông thảm thực vật đang sinh sôi trên đáy hố sụt. Miệng hố sụt có nhiều cây gỗ, là nguồn cung cấp hạt giống cho thực vật trong hang. Trong lòng hố sụt này, rêu, địa y, cây thân thảo bao phủ. Bồng bồng, dứa dại, ráy... đã quyện nhau sống từ ngàn năm trong hang.
"Tôi đã mải mê ngắm hai hạt cây gỗ vừa nảy mầm thành công", Vũ Anh Tài tỉ mỉ quan sát từng biểu hiện nhỏ nhất của sự sống.
Ở hố sụt thứ hai, tắt đèn pin đeo trên đầu, ánh dương rọi vào. Lấp ló gần cửa hố là những tán cây gỗ lớn. Đây rồi, chắc chắn đây là nơi mà Howard Limbert đã reo lên: "Oh, jungle forest in the cave".
Đất của khu rừng nhiệt đới này không bình thường, mỗi lần bước chân vào là thụt sâu vào lớp bột cát. Theo một nhà khoa học trong đoàn thám hiểm thì khu vực này chắc chắn đã có một dòng sông chảy qua, có thể là sông ngầm. Việc hình thành hố sụt này đã cắt đứt sự liên tục của dòng sông.
Nhiều thành viên xem xét từng mét vuông của rừng, có người đã gặp loài cây nắp ấm. Nhiều loài cây gỗ cao lớn mọc thẳng đứng như lim, náng, táu, thị, móc... Mùng quân, bồ ngót, phèn đen, găng... là loài thân bụi có gai, dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng thiếu nước. Bao phủ gần như toàn bộ bề mặt của mặt đất trong hang là loài cây thảo như môn, phu lệ, cao hừng, han, gai, ráy... Rừng trong hang có một hệ thống thực vật điển hình cho khu rừng nhiệt đới.
Vũ Anh Tài thổ lộ, khi đã ngắm no mắt những mảng sinh cảnh trong hang Sơn Đoòng, bất chợt, trong một đêm bị "đày ải" bởi một tâm trạng khác: "Trong rừng thẳm nhìn ánh trăng lạnh lẽo/ Võng đung đưa nghe tiếng nước chảy đêm/ Nhớ biết bao người vợ đảm môi mềm/ Và lũ trẻ thường bên tôi quấn quýt...". Thơ của người đi rừng để làm khoa học khắc khoải nhớ nơi để trở về: một tổ ấm ở phố.
>Khám phá thế giới hang động Tú Làn
>Hang động Pindaya - điểm đến thú vị ở miền Đông Myanmar
>Lang thang qua Mỏm Đá Chim