Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kỷ niệm 20 năm thành lập
Ngày 29/7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (18/7/2003 - 18/7/2023).
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến; Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo các Ban Đảng của Thành ủy, sở, ngành, quận, huyện của TP.HCM; lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam…
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh ghi nhận, chúc mừng những nỗ lực, thành quả đã đạt được của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT TP.HCM thời gian qua. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, toàn ngành cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; xác định rõ những thách thức đối với công tác quản lý TN&MT trong thời gian tới của TP.HCM. Qua đó, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm của Sở TN&MT trong việc tham mưu cho UBND TP.HCM về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu của bối cảnh trong nước và quốc tế.
Về công tác quản lý và sử dụng đất đai, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị TP.HCM sớm hoàn thành quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của thành phố. Quan tâm tập trung hoàn thiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của thành phố, bảo đảm tính bền vững và phù hợp với nhu cầu phát triển.
Quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực phải đảm bảo phù hợp với chiến lược quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia, thống nhất, chặt chẽ từ thành phố đến quận, huyện; tăng cường kiểm soát và quản lý đất đai; cần tính toán quy hoạch theo không gian sử dụng đất, đảm bảo sự đồng bộ; bảo đảm liên kết vùng; cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương, phát huy các tiềm năng, lợi thế để huy động các nguồn lực cho phát triển; quy hoạch sử dụng đất cần tích hợp, gắn kết, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng, hiệu quả sử dụng đất.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để có công cụ pháp lý tổ chức thực hiện đồng bộ. Ngành TN&MT TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai để tạo thuận lời cho người dân và doanh nghiệp đặc biệt trong công tác cấp giấy chứng nhận, thực hiện các quyền của người sử dụng đất…
Về nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị cần xây dựng kế hoạch triển khai theo chương trình chuyển đổi số của thành phố, của Bộ TN&MT, trong đó xác định rõ về mục tiêu, phạm vi, tiến độ, nguồn lực, tổ chức thực hiện, kinh phí... trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó kết nối, tích hợp dữ liệu từ các nguồn của các cơ quan, cơ sở dữ liệu dân cư, xây dựng, thuế.. đầy đủ, chính xác, cập nhật và chuẩn hóa theo các quy định. Tích hợp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu: định hướng sử dụng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu do Bộ TN&MT xây dựng tập trung thống nhất dùng chung và cung cấp triển khai sử dụng cho các địa phương đến cấp xã, phường kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia cho công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thành phố cần đáp ứng khả năng lưu trữ và quản lý lượng lớn dữ liệu, tính nhất quán và đặc biệt phải bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Ngoài ra phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến thường xuyên, hàng ngày, là cơ sở để dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tăng cường minh bạch, công khai.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhấn mạnh lĩnh vực môi trường là một trong 3 trụ cột của của phát triển bền vững, vì vậy để đưa TP.HCM trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế của đất nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Sở TN&MT TP.HCM tham mưu cho thành phố quan tâm hơn nữa về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong phương án quy hoạch phát triển thành phố cần gắn kết giữa quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Trong đó tập trung nguồn lực đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và có khả năng đáp ứng thu hồi năng lượng.
Đảm bảo đến năm 2025 giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung, xử lý được toàn bộ nước thải sinh hoạt đô thị đảm bảo các điều kiện kỹ thuật trước khi thải ra môi trường; quan tâm các giải pháp kiểm soát chất lượng không khí đô thị, kiểm soát chặt các nguồn thải công nghiệp, giao thông, xây dựng; có chính sách bảo vệ các dòng sông, kênh rạch; bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học đặc biệt là những khu như dự trữ sinh quyển Cần Giờ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính…
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở TN&MT TP.HCM cần chủ động tích cực tham mưu cho thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả và tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, xây dựng triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris, kế hoạch xây dựng thành phố xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ TN&MT để tham gia tỷ lệ đóng góp giảm phát thải cho mục tiêu quốc gia cao nhất; triển khai các dự án tạo hiệu quả trong tín chỉ carbon là cơ sở để thành phố tham gia thực hiện tuyên bố JETP và tham gia phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; chủ động xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng…
Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, TP.HCM cần đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ nguồn nước cấp sinh hoạt cho nhà máy nước phục vụ thành phố. Kiểm soát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa; tăng cường đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương ở các đô thị lớn. Thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng như sông kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm...
Lập, quản lý hành lang nguồn nước quan trọng trên địa bàn thành phố, rà soát, kiểm soát việc lấn chiếm hành lang, bảo vệ các nguồn nước quan trọng trên địa bàn, tuyệt đối không được san lấp, lấn chiếm kênh rạch ảnh hưởng không gian thoát lũ an toàn cho thành phố. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, nhằm giảm tốc độ sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình. Nhất là các khu vực đang có mức độ lún nhanh như các khu vực ở huyện Bình Chánh; quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức.
Cuối cùng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo Sở TN&MT TP.HCM cần tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, có bản lĩnh, tư duy đột phá, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành hiệu quả với phương châm sáng tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực nhạy cảm về tài nguyên và môi trường; chủ động, tích cực phát huy giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế, đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm, khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản trị tài nguyên và môi trường phục vụ sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
Để tạo điều kiện cho ngành TN&MT TP.HCM hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực tương xứng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường là động lực phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn.