Phát biểu tại hội nghị, ông Mãi đánh giá rất cao kết quả của ngành nội vụ thành phố trong năm 2022. Theo ông Mãi, ngành nội vụ có vị trí rất quan trọng, công việc rất nhiều, phạm vi rộng, tác động rất lớn, đóng góp quan trọng quyết định cho chất lượng vận hành của chính quyền một đô thị rất lớn như TP.HCM.
Ông Mãi gợi ý một số vấn đề đặt ra cho ngành trong bối cảnh, vị trí vai trò của TP.HCM. Trong đó, về tổ chức bộ máy, vấn đề đặt ra là TP.HCM có hai mô hình (chính quyền đô thị - chính quyền nông thôn), hay chỉ một mô hình? Theo ông Mãi, ngành nội vụ cần tư duy rộng hơn, lớn hơn. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành đặt ra cho ngành nội vụ nhiệm vụ tổ chức mô hình chính quyền ở TP.HCM như thế nào cho phù hợp.
“Chúng ta tiếp tục thực hiện như Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị hay như thế nào? Hội thảo Đại học Luật TP.HCM mới đây có đề xuất mô hình thị trưởng, tòa thị chính? Hay ở TP.Thủ Đức hiện đang vận hành theo mô hình cấp quận, gây quá tải khối lượng công việc, nhưng cũng không thể nói Thủ Đức như là một tỉnh. Vậy mô hình là gì? Vấn đề đặt ra cho ngành nội vụ, cần có sự nghiên cứu về tổ chức bộ máy. Nếu có mô hình tổng thể hợp lý, hiệu quả chắc chắn sẽ đóng góp cho sự phát triển của thành phố nhiều hơn”, ông Mãi nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa đặt ra cho ngành, theo đồng chí là vấn đề cán bộ. Cán bộ của TP.HCM may mắn sống trong thực tiễn phong phú, được đào tạo bài bản nên rất giỏi, luôn cập nhật cái mới. Tuy vậy, vẫn còn những nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu. Cán bộ quản lý doanh nghiệp, quản lý các đơn vị sự nghiệp công đang thiếu…
Bên cạnh đó là vấn đề cải cách hành chính, mỗi năm TP.HCM giải quyết hơn 20 triệu hồ sơ, khối lượng rất lớn, số trễ hạn, tồn đọng xét về tỷ lệ không cao nhưng con số tuyệt đối là rất lớn. Do vậy rất cần rà soát lại quy trình, thậm chí xây dựng quy trình khác, tập huấn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để giải quyết tốt hơn. Trong công tác thi đua khen thưởng, theo ông Mãi, TPHCM cần gắn thêm yếu tố sáng tạo.
“Đó là một số vấn đề đặt ra cho ngành nội vụ, nếu nhận diện sớm, chủ động nghiên cứu sẽ giải quyết được vấn đề từ sớm, từ xa, như vậy sẽ đóng góp rất lớn, thúc đẩy nhanh hơn cho sự phát triển của TP.HCM”, ông Mãi nhấn mạnh.
Từ đó, ông Mãi đề nghị Sở Nội vụ TP.HCM tham mưu cho UBND TP.HCM kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết 31 gắn với xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM. Theo ông Mãi, cần huy động chuyên gia, tập trung trí tuệ để xây dựng được một mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm của siêu đô thị thành phố. Khi có mô hình phù hợp sẽ làm cho hoạt động kinh tế xã hội được vận hành thông suốt, không chỉ tạo điều kiện mà còn tạo động lực phát triển thành phố.
Ông Phan Văn Mãi tuyên dương các điển hình xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Sở Nội Vụ. Ảnh: Việt Dũng |
Liên quan đến Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM ngang tầm nhiệm vụ, ông Mãi đề nghị đổi mới công tác tuyển dụng công chức để tuyển vào bộ máy những người xuất sắc. Ông Mãi gợi mở một số giải pháp, như thiết kế bồi dưỡng tập huấn theo chức danh, mỗi năm cán bộ được nghỉ hai tuần để đi học. Về thu nhập, ngoài thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 cần tìm kiếm thêm cơ chế để tăng thêm thu nhập cho cán bộ. Bên cạnh đó là chính sách nhà ở, đánh giá, bố trí, khen thưởng phù hợp…
Trong công tác cải cách hành chính, ông Mãi nhấn mạnh Sở Nội vụ cần có kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2023, trong đó việc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm công vụ sẽ được tập trung.
Trong phong trào thi đua yêu nước sáng tạo, ông Mãi đề nghị công tác này phải làm thật “trúng”, để khơi được sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, của cán bộ công chức. ông Mãi cũng lưu ý thêm về công tác quản lý hội, dân tộc, tôn giáo và công việc nội bộ của Sở Nội vụ.
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân của ngành đã được nhận khen thưởng từ các cấp. Trong đó, ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.