Sixto - Kẻ tự do thật sự

15/02/2013 08:23

Một nghệ sĩ mà những bài hát được cả một quốc gia ngưỡng mộ lại xuất hiện 25 năm sau khi người ta đinh ninh ông đã chết. Câu chuyện "điên rồ", "không thể tưởng tượng" đó được Malik Bendjelloul chuyển hoá thành phim tài liệu, đoạt giải đặc biệt của ban giám khảo và giải công chúng tại Liên Hoan Phim độc lập Sundance 2012...

Sixto - Kẻ tự do thật sự

Một nghệ sĩ mà những bài hát được cả một quốc gia ngưỡng mộ lại xuất hiện 25 năm sau khi người ta đinh ninh ông đã chết. Câu chuyện "điên rồ", "không thể tưởng tượng" đó được Malik Bendjelloul chuyển hoá thành phim tài liệu, đoạt giải đặc biệt của ban giám khảo và giải công chúng tại Liên Hoan Phim độc lập Sundance 2012...

Sixto Rodriguez, nhân vật chính của phim Searching for Sugar Man (*) (Tìm kiếm Sugar Man) sinh năm 1942 ở Detroit, bang Michigan, Mỹ, là con thứ sáu – nên có tên Sixto – của một gia đình Mexico gốc da đỏ di dân lập nghiệp từ những năm 1920. Năm 1967, với cây đàn ghita, Sixto Rodriguez sáng tác một số ca khúc folk rock nói lên cuộc sống khổ nhọc của người lao động ở những đô thị công nghiệp Mỹ, và trình diễn trong các quán rượu bình dân của Detroit.

Giọng ca đặc biệt của Rodriguez được hãng đĩa Sussex lưu ý, đề nghị thu album Cold Fact năm 1970 và Coming From Reality năm 1972, trong đó các bài Sugar Man – về nghiện ma tuý, I Wonder – tự do luyến ái, I Think of You – tình yêu, The Establishment Blues – tham nhũng, Cause – người lao động bị sa thải hai tuần trước Giáng sinh…; được giới phê bình âm nhạc đón nhận ngang tầm với Bob Dylan, song cả hai album đều thất bại tài chính. Bị hãng đĩa bỏ rơi, Rodriguez trở lại sinh nhai với nghề công nhân xây dựng.

Nếu trong thập niên 1970, 1980, âm nhạc và tên tuổi của Rodriguez hoàn toàn bị quên lãng ở Mỹ, thì ở Nam Phi, Cold Fact và Coming From Reality lại lan truyền mạnh mẽ, nổi tiếng hơn cả nhạc của Rolling Stones, được tái bản đến 500.000 đĩa mà Rodriguez không hề hay biết.

Những sáng tác của Rodriguez, đặc biệt I Wonder, trở thành tiêu khúc của phong trào đấu tranh chống chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid, còn tác giả bí ẩn của chúng thì được sùng bái như một anh hùng, thậm chí có cả truyền thuyết Rodriguez đã chết bằng cách tự thiêu trên sàn diễn (!) Chế độ Apartheid cáo chung năm 1991, Stephen Segerman – một fan ngưỡng mộ tác giả Sugar Man – và nhà văn Craig Bartholomew đã hợp sức điều tra, phát hiện Rodriguez hoá ra vẫn sống, đang lao động trên các công trường Detroit.

Chính Segerman, Bartholomew đã tổ chức chuyến công diễn của Rodriguez ở Nam Phi, và, tại thành phố Cape Town ngày 6/3/1998, lần đầu tiên Rodriguez truyền thuyết hiển hiện xương thịt trước người hâm mộ như sự phục sinh kỳ ảo. Sau gần 40 năm kể từ đĩa hát đầu tiên ở Mỹ, Cold Fact và Coming From Reality được một hãng đĩa Mỹ tái bản năm 2008 và 2009. Ở tuổi bảy mươi, tài năng Rodriguez được tái công nhận, đặc biệt khi phim về ông nhận giải Sundance.

Searching for Sugar Man là phim dài đầu tay của Malik Bendjelloul, 35 tuổi người Thuỵ Điển. Bằng kinh phí chật vật – chỉ 1 triệu đôla – và phải đợi hơn ba năm mới tìm được một nhà sản xuất ở Anh, phim dựng lại cuộc truy lùng tha thiết của Segerman và Bartholomew theo dấu vết tác giả Sugar Man, để trả lời câu hỏi vì sao Rodriguez đột nhiên biến khỏi cảnh quan âm nhạc Hoa Kỳ, vì sao những người đắm đuối âm nhạc của ông lại là công chúng Nam Phi chứ không phải công chúng Mỹ.

Và câu trả lời điện ảnh này đã được giới phê bình tán thưởng nhiệt liệt, như các trích dẫn trên áp phích: "Mạnh mẽ, vui tươi, không thể quên", "Lôi cuốn, đáng xem", "Cảm động vô song", "Độc đáo phát sợ", "Sửng sốt", "Chuyến đi tuyệt vời", "Câu chuyện ấm áp chưa từng thấy"...

Chuyện kể của đạo diễn

Khi tiếp xúc với Rodriguez, Bendjelloul khám phá ra rằng người được gọi là "nhà thơ của các khu phố nghèo" rất kiệm lời khi kể về mình, rằng nó không có gì đáng quan tâm; trong khi có thể thao thao bất tuyệt về những vấn đề chính trị, an sinh của nước Mỹ. Người xem thấy rõ điều này trong phim khi rất nhiều lần Rodriguez – với vẻ ngoài thanh nhã hơn nghề nghiệp – thường trả lời bâng quơ những câu hỏi về mình.

Bendjelloul kể ông rất thất vọng trong lần tiếp xúc đầu tiên Rodriguez tỏ ra không muốn có mặt trong phim, cũng không muốn kể chuyện cá nhân; nhưng sau đó Bendjelloul hiểu ra cái đẹp của Rodriguez chính là ở chỗ ông không thiết danh phận ngôi sao, không có cái tôi lớn.

Ngay đôi kính đen ông đeo cũng do bệnh mắt chứ không phải ra vẻ... Hollywood. Sixto trước sau vẫn luôn sống trong ngôi nhà mua năm 1970 với giá 50 đôla, phân phát tiền có được cho những người thiếu thốn... Vì tất cả những điều đó, Bendjelloul nói, "Sixto là con người tự do thật sự".

Cũng theo Bendjelloul, chính phẩm chất khiêm tốn của Sixto là một trong những chìa khoá của câu chuyện, rằng điều này lý giải một phần vì sao Rodriguez tài năng chưa bao giờ nổi tiếng. Rằng "Rodriguez không bao giờ chơi đúng phép chơi": Vào những ngày đầu đi hát, Sixto luôn đứng quay lưng lại khán giả trên sàn diễn, và cũng làm như vậy khi biểu diễn trước các ông chủ hãng đĩa! Bendjelloul đưa thêm lý do nguồn gốc da đỏ của nhạc sĩ cũng là một thách thức – không thể dung túng – với sân khấu rock da trắng của các Rolling Stones, Velvet Underground, Bob Dylan thời đó ở Mỹ.

Không muốn làm ngôi sao nhưng con người tự do thật sự này rất yêu văn hoá. Lao động chân tay nhưng Sixto theo học triết học, hoạt động xã hội, dành tiền cho các con đi xem nhà hát, bảo tàng...

Một trong những nhận xét từ báo chí là phim "không thể quên". Đúng, người xem khó quên nụ cười ấm áp hay bước đi dò dẫm của lão nhạc sĩ trên phố nghèo băng giá, khó quên đoạn con gái út Rodriguez kể lại những cuống rối khi lần đầu được đi máy bay tới Nam Phi, được đưa đón bằng xe... limousine.

Người xem càng khó quên cảnh hàng ngàn người dân Nam Phi ào tới sân vận động Cape Town để hội ngộ thần tượng đinh ninh đã chết, thổn thức, rưng rưng trước lời chào đôn hậu của người nghệ sĩ già: "Thanks for keeping me alive – Cảm ơn đã giữ tôi được sống".

Xem phim, ta nhận ra đạo diễn không chỉ nói về nhân vật bằng tài năng nghệ thuật, mà còn bằng cả trái tim nồng ấm. Nếu âm nhạc trên hình ảnh công chúng cuồng nhiệt làm ta muốn nhảy, thì sự im lặng cũng trên hình ảnh đó lại làm ta muốn khóc. Trong nghệ thuật, những khoảng lặng như thế thật hiếm quý. Và đúng như Bendjelloul nhận xét, Sixto đẹp bởi ông không muốn thành ngôi sao, và bởi không muốn thành ngôi sao nên Sixto tự do thật sự.

Một số nhà phê bình nhận xét Searching for Sugar Man có hai thiếu sót nhỏ: Bendjelloul đã bỏ qua các chuyến công diễn của Rodriguez năm 1979 và 1981 tại Úc, tức trước khi nhạc sĩ xuất hiện ở Nam Phi; có lẽ do muốn tăng kịch tính của câu chuyện, cũng có thể do sự kiện này – tuy quan trọng – không tạo ra ảnh hưởng lớn và Rodriguez cũng lại rơi vào lãng quên cho đến sự phục sinh ở Cape Town.

Mặt khác, phim không làm rõ vì sao Rodriguez không biết đĩa hát của ông được tái bản ở Nam Phi, ở Úc. Phim có phỏng vấn Clarence Avant, chủ hãng đĩa Sussex phá sản năm 1975. Ông ta xác nhận có ký hợp đồng tái bản nhưng phủ nhận thu được tác quyền. Vậy tác quyền của Rodriguez đã chạy vô túi ai?

Người viết bài này, với tư cách đạo diễn, nghĩ rằng Bendjelloul đã đúng khi chọn bỏ qua một số sự kiện bất khả rốt ráo trong một bộ phim, để chỉ giới thiệu cho thế giới một tài năng thật sự, một cá nhân tự do thật sự khi biết vượt lên mọi bon chen thế nhân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sixto - Kẻ tự do thật sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO