Có một sự thật không thể chối cãi rằng nếu như Việt Nam muốn thoát ra khỏi "ao làng" Đông Nam Á như nhiều người vẫn nói thì chúng ta cần đến nhiều hơn những vận động viên như Ánh Viên, Quý Phước.
Hãng tin AP viết nhầm tên Nguyễn Thị Ánh Viên thành "Ahn Vien" (chắc vì họ quen viết tên Hàn Quốc). Hãng Channel News Asia viết nhầm tên Hoàng Quý Phước thành "Phouc".
Nhưng không sao cả, khi SEA Games kết thúc, chắc chắn tên của Viên và Phước sẽ được viết đúng. Bởi họ đã, vẫn và sẽ luôn xuất hiện trên bục nhận huy chương, phá các kỷ lục của Đại hội.
Báo chí quốc tế cũng liên tục nhắc tới họ như là các vận động viên xuất sắc nhất của SEA Games.
Đấy chính là sự khác biệt giữa Viên và Phước với những bậc đàn anh cũng từng đem vinh quang về cho thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực.
Nhưng không phải vì truyền thông hiện đại ngày càng phát triển nên Viên - Phước được nhắc tới nhiều hơn.
Lý do đơn giản: Viên và Phước tranh tài trên đường đua xanh, môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu của Olympic, chứ không phải ở những môn thể thao gần như chỉ xuất hiện tại SEA Games như Pencak Silat, Wushu hay Cầu mây...
Nói vậy không có nghĩa là hạ thấp thành tích cũng như nỗ lực của các vận động viên Silat, Wushu.
Chúng ta đã từng nếm trải cảm giác ê chề khi trắng tay hoàn toàn ở những kỳ Asiad hay Olympic gần đây.
Bởi ở đó không có chỗ dành cho các môn thể thao mang tính cục bộ địa phương, chỉ phổ biến ở vài quốc gia (thậm chỉ là chỉ ở quốc gia đó), nhưng vẫn luôn được nhét vào SEA Games để các nước chủ nhà tranh thủ gặt hái huy chương.
Muốn thay đổi thực tế đó, không có gì khác hơn là đầu tư cho các môn Olympic, cho bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ hay đấu kiếm, bắn súng..., những môn thể thao đều đã mang huy chương vàng về cho Việt Nam trong những ngày đầu SEA Games khai mạc.
Ngay trước khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á khởi tranh, chính ông Bộ trưởng Thể thao Thái Lan Sakol Wannapong cũng kêu gọi loại bỏ các môn "ao làng" khỏi SEA Games.
Vì đấy là biện pháp duy nhất giúp nền thể thao các nước khu vực bắt kịp thế giới, thay vì ru ngủ nhau bằng những rổ huy chương ở những môn thể thao mà chỉ có người Đông Nam Á chơi với nhau.
>SEA Games 28: Ngày hội của người dân Singapore
>SEA Games 28: Bóng đá nam liên tục gặp "bê bối"