Tuy nhiên, số lượng ấy chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người lao động. Bởi thế mà hơn 3 triệu công nhân của hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước phải thuê trọ. Nhà trọ hầu hết ở xa khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có đến 780.000 căn hộ cho thuê chưa đạt chuẩn nhưng giá thuê còn cao so với thu nhập của người lao động.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch xây dựng 35.000 căn hộ xã hội, giai đoạn 2026-2030 là 58.000 căn, trong đó 25% là nhà ở công nhân và nhà cho thuê. Thế nhưng, số lượng này cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu.
Có nhiều bất cập khiến số lượng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân còn thấp, trong đó chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư chưa thật sự hấp dẫn nên chưa thu hút được doanh nghiệp (DN) bất động sản tham gia đầu tư. Nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế dẫn đến một số chính sách hỗ trợ nhà ở chưa được thực hiện kịp thời. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân càng khó khăn hơn.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn thừa nhận, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần phải khắc phục.
Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa sát thực tiễn. Việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải qua quá nhiều khâu nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội cũng như chưa có cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, tạo thuận lợi nhất để các DN có động lực phát triển nhà ở xã hội.
Trong một hội nghị hồi đầu tháng 8 này, các DN và tập đoàn lớn đã ký xây dựng 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hơn 1 triệu căn hộ này cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi chỉ riêng với số công nhân lao động ở thuê, ở trọ đã là 3,4 triệu người, nếu tính cả gia đình của người lao động thì cần đến 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu nhà ở cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị nên bổ sung các giải pháp phát triển nhà ở xã hội trước mắt cho công nhân lao động ở hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất theo cơ chế cho thuê, cho mua.
Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện văn bản sửa đổi các quy định hiện hành về nhà ở xã hội, tiếp tục giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân, người thu nhập thấp.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, hy vọng những vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sớm được giải quyết và như thế, cơ hội để người lao động có chỗ ở tốt sẽ đến gần hơn.